Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2026
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu, chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức tăng 7,2% từ ngày 1/1/2026.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu, chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ở mức tăng 7,2% từ ngày 1/1/2026.
Tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 11/7/2025, các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia có mặt tại phiên họp đã bỏ phiếu chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 2026 là 7,2%, thời gian áp dụng từ 1/1/2026.
Thông tin về kết quả bỏ phiếu thông qua phương án về tiền lương tối thiểu vùng năm 2026 tại phiên họp thứ 2, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Nguyễn Mạnh Khương cho biết 13/16 thành viên hội đồng (3 thành viên bỏ phiếu trắng) đã bỏ phiếu tán thành với phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2026.
“Sau khi trao đổi, thảo luận và các bên đưa ra rất nhiều giả thiết, tình huống, đặc biệt là các yếu tố về phát triển kinh tế của đất nước, thành viên hội đồng đã thống nhất rất cao với phương án tỷ lệ là tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 là 7,2%, thời điểm tăng là ngày 1/1/2026”, ông Nguyễn Mạnh Khương cho biết.
Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá đây là tỷ lệ phù hợp với giai đoạn hiện nay trong việc phát triển kinh tế của đất nước, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cũng như mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% theo chủ trương của Đảng trong năm nay và hai con số trong những năm tiếp theo.
Cụ thể, phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 được Hội đồng Tiền lương quốc gia “chốt” trình Chính phủ là tăng bình quân 7,2%, mức tăng bình quân là 300.000 đồng/tháng so với năm 2025.
Theo đó, Lương tối thiểu Vùng I tăng từ 4,96 triệu đồng/tháng lên 5,31 triệu đồng/tháng (tăng thêm 350.000 đồng, 7,1%).
Lương tối thiểu Vùng II tăng từ 4,41 triệu đồng/tháng lên 4,73 triệu đồng/tháng (tăng 320.000 đồng. 7,3%).
Lương tối thiểu Vùng III tăng từ 3,86 triệu đồng/tháng lên 4,14 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng, 7,3%).
Lương tối thiểu Vùng IV tăng từ 3,45 triệu đồng/tháng lên 3,7 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng, 7,2%).
Hiện tại, theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 128/2025/NĐ-CP) thì mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:

Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 74/2024/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 128/2025/NĐ-CP) việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
- Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
- Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi hoặc chia đơn vị hành chính cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
- Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
Theo Quyết định số 992/QĐ-TTg của Chính phủ, Hội đồng Tiền lương quốc gia (Hội đồng) có 17 thành viên.
Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Mạnh Khương - Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Đinh Hồng Thái - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Các thành viên Hội đồng còn lại, gồm: 4 thành viên đại diện của Bộ Nội vụ; 4 thành viên đại diện của Tổng LĐLĐVN; 3 thành viên đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương (gồm 1 thành viên đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 2 thành viên là đại diện của hai hiệp hội ngành nghề ở trung ương có sử dụng nhiều lao động);
2 thành viên độc lập là chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội (không bao gồm chuyên gia, nhà khoa học đang công tác tại cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ Nội vụ, Tổng LĐLĐVN và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương).