Christiana Figueres - nhà hoạt động vì khí hậu và tấm gương sống theo chính pháp

Bà tin rằng chính sự chỉ dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giúp mình nuôi dưỡng nghị lực, từ bi và trí tuệ, những phẩm chất then chốt để vượt qua thử thách lịch sử của Hiệp định Paris.

Karen Christiana Figueres Olsen, thường được biết đến với tên gọi Christiana Figueres, là một nhà ngoại giao người Costa Rica, nổi bật toàn cầu với vai trò lãnh đạo trong các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Sinh năm 1956, bà từng đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) từ năm 2010 đến 2016. Sau Hội nghị Copenhagen 2009, bà được tin tưởng dẫn dắt tiến trình đàm phán quốc tế, hướng tới một khuôn khổ pháp lý được các quốc gia đồng thuận rộng rãi.

Christiana Figueres. Ảnh: scientificamerican.com

Christiana Figueres. Ảnh: scientificamerican.com

Bà Figueres đã chủ trì nhiều hội nghị UNFCCC tại Cancun (2010), Durban (2011), Doha (2012), Warsaw (2013) và Lima (2014), trước khi đạt được thành tựu lớn với Hiệp định Paris lịch sử, được ký kết ngày 22 tháng 04 năm 2016. Hiệp định này là một công ước quốc tế có tính ràng buộc pháp lý, được 196 quốc gia thông qua nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Dù Hoa Kỳ đã nhiều lần thay đổi quan điểm tham gia, Hiệp định vẫn là dấu mốc toàn cầu mang tính thời đại.

Sau khi rời khỏi UNFCCC, bà Figueres tiếp tục trở thành nhân vật truyền cảm hứng trong phong trào hành động vì khí hậu, là đồng dẫn chương trình podcast Outrage + Optimism và diễn thuyết khắp nơi về những thách thức và cơ hội trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Biến khổ đau thành hy vọng nhờ gặp gỡ giáo pháp đức Phật

Ngay khi bước vào giai đoạn quan trọng nhất của sự nghiệp ngoại giao, Christiana Figueres đối diện với cú sốc lớn trong hôn nhân, khiến đời sống cá nhân hoàn toàn đảo lộn. Sau 25 năm vun đắp mái ấm bà gọi là “gia đình mẫu mực”, một sự thật bất ngờ từ chồng cũ khiến mối quan hệ tan vỡ, để lại bà trong khủng hoảng sâu sắc, ngay trong lúc đang dẫn dắt tiến trình đàm phán Hiệp định Paris.

Dù mang nỗi đau giằng xé, bà vẫn che giấu cảm xúc, không nghỉ làm dù chỉ một ngày. Mỗi tối chìm trong nước mắt, sáng hôm sau bà lại mỉm cười, đi làm, truyền cảm hứng cho cộng sự cùng hướng đến lợi ích toàn cầu. Bà sống trong hai thế giới: ban đêm đẫm nước mắt, ban ngày đầy bản lĩnh, chuyên nghiệp.

Christiana Figueres diễn thuyết tại TED năm 2016. Nguồn: ted.com

Christiana Figueres diễn thuyết tại TED năm 2016. Nguồn: ted.com

Khi những dằn vặt nội tâm lên đến đỉnh điểm, ý nghĩ tiêu cực xuất hiện. Chính lúc đó, bà tình cờ tiếp xúc với giáo lý của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022), bậc thầy Thiền tông người Việt, người tiên phong truyền bá Phật giáo dấn thân. Từ Đức, bà tìm đến tu viện Waldbrol thuộc truyền thống Làng Mai, nơi từng là bệnh viện tâm thần và trại thanh niên Đức quốc xã, nay đã chuyển hóa thành môi trường an lạc, hướng tâm đến từ bi và Bồ đề tâm.

Tại đây, bà bước vào một hành trình mới: học cách đối diện khổ đau thay vì trốn tránh, nuôi dưỡng chính niệm trong từng việc làm. Nhờ đó, bà dần lấy lại cân bằng, làm chủ cảm xúc và tìm được hướng đi vững vàng hơn.

Ứng dụng hiệu quả giáo pháp vào đời sống và công việc

Từ trải nghiệm chuyển hóa nội tâm, Christiana Figueres nhận ra những giá trị Phật pháp không chỉ giúp bà hồi phục cá nhân, mà còn nâng tầm năng lực chuyên môn. Bà chia sẻ trong podcast On Being: “Trời ơi, Phật pháp giúp ích rất nhiều cho công việc của tôi! Những chân lý tôi học không chỉ áp dụng cho bản thân, mà còn với tất cả mọi người và mọi tầng lớp trong hệ thống. Nếu tôi không có những chỉ dẫn đó, tôi thật sự không biết liệu chúng tôi có đạt được Hiệp định Paris không, vì giáo lý đó quá nền tảng”.

Thích Nhất Hạnh. Nguồn: huffpost.com

Thích Nhất Hạnh. Nguồn: huffpost.com

Bà tin rằng chính sự chỉ dạy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã giúp mình nuôi dưỡng nghị lực, từ bi và trí tuệ, những phẩm chất then chốt để vượt qua thử thách lịch sử của Hiệp định Paris.

Không dừng lại ở việc thực tập cá nhân, bà còn tổ chức các khóa tu cho cộng sự, tạo không gian an tĩnh, giúp mọi người lắng nghe chính mình. Trước thềm hội nghị Paris, nhiều người trong nhóm cảm nhận một trách nhiệm sâu sắc, như một lời kêu gọi thay đổi tương lai hành tinh. Sức ép này lớn đến mức khiến không ít người rơi vào căng thẳng.

Tuy nhiên, giáo lý nhà Phật giúp Figueres thấy rõ: con người chỉ là một phần rất nhỏ trong dòng chảy vô tận của vũ trụ. Hiểu được đâu là điều mình có thể làm mỗi ngày và đâu là bản chất vô thường của cuộc đời, bà tìm được sự thanh thản và sáng suốt.

Tu tâm để chuyển hóa thế giới

Trong nhiều bài giảng và phỏng vấn, Christiana Figueres khẳng định rằng: muốn chuyển hóa hệ thống, trước hết cần chuyển hóa chính mình, vì hệ thống là do con người tạo ra. Bà nhấn mạnh rằng, khủng hoảng khí hậu là do con người gây nên, từ chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng đến chủ nghĩa tư bản không kiểm soát.

Thay vì trốn tránh cảm xúc tiêu cực, bà kêu gọi học cách chuyển hóa năng lượng ấy thành hành động tích cực. Với Figueres, hành trình tâm linh không tách rời công việc: “Đối với tôi, hành trình tâm linh không đi song song với công việc, mà chính là nền tảng. Nhờ có tu tập, tôi mới có thể hiện diện một cách rõ ràng, từ bi và đầy quyết tâm”. (Fair Planet)

Bà cũng nhận ra rằng nhiều nhà lãnh đạo vì công lý khí hậu mang trong mình những vết thương sâu kín. Nếu không được nuôi dưỡng và soi sáng từ nội tâm, sự kiệt sức và tuyệt vọng là điều tất yếu.

Bà tin rằng thực tập chính niệm là điều thiết yếu giúp người lãnh đạo duy trì sự tỉnh thức, từ đó hành động hiệu quả và đầy nhân ái.

Tác giả: Dipen Barua/Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên/Nguồn: buddhistdoor.net

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/christiana-figueres-nha-hoat-dong-vi-khi-hau-va-tam-guong-song-theo-chinh-phap.html