Chủ động bảo vệ trẻ em tương tác trên môi trường mạng

Trẻ em có xu hướng nghiện mạng xã hội, nhiều em tham gia mạng xã hội từ 5-7 tiếng/ngày. Trong ảnh: Học sinh huyện Sơn Hòa học tin học và an toàn mạng. Ảnh: KIM CHI

Với chủ đề “Bạn có muốn nói về điều đó không? Hãy cùng trò chuyện về cuộc sống trực tuyến nhé”, ngày An toàn internet 2023 (7/2) truyền cảm hứng cho một cuộc đối thoại về việc sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm, nghiêm túc và sáng tạo hơn - đặc biệt giữa cha mẹ và con cái.

Tính đến cuối năm 2022, số người sử dụng internet toàn cầu đạt khoảng 5,3 tỉ người, tương đương 66% dân số thế giới. Hiện có đến hơn 175.000 trẻ em truy cập mạng internet mỗi ngày.

Đề cao cảnh giác

Theo số liệu của Tổ chức UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc), tại Việt Nam có tới 87% số người truy cập và sử dụng internet hàng ngày. Tuy nhiên, chỉ 36% (hầu hết là trẻ em lớn, độ tuổi từ 16-17) tham gia khảo sát trả lời đã được dạy để đảm bảo an toàn trên mạng. Đáng chú ý, trẻ em có xu hướng nghiện mạng xã hội; nhiều em tham gia mạng xã hội từ 5-7 giờ/ngày.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng năm 2018 với các quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Tháng 6/2021, lần đầu tiên Việt Nam đã ban hành một chương trình cấp quốc gia riêng về “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng (MTM) giai đoạn 2021-2025”. Chương trình này không chỉ tập trung vào vấn đề bảo vệ trẻ em trên MTM, mà còn mong muốn thúc đẩy phát triển các sản phẩm, ứng dụng, công cụ, để giúp trẻ em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một cách chủ động, hiệu quả và an toàn.

Tại Phú Yên, trong chương trình Bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh giao Sở TT-TT phối hợp, hướng dẫn các cơ quan báo chí, tổ chức cá nhân hoạt động trên MTM ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, vận động xã hội thực hiện các hoạt động phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa xâm hại trẻ em trên MTM. Đồng thời thực hiện các giải pháp bảo vệ trẻ em, thiết lập các kênh thông tin để tiếp nhận, phản ánh thông tin về bảo vệ trẻ em trên MTM; bảo đảm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em trong hoạt động thông tin, truyền thông.

Giữa bối cảnh không gian mạng đầy rẫy cạm bẫy khó lường với trẻ em, nhiều bậc phụ huynh không khỏi lúng túng trong xử lý các tình huống gặp phải khi con mình tham gia vào những nhóm có nội dung độc hại. Anh Nguyễn Vy Phương (phường 4, TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Tôi có hai đứa con 12 và 8 tuổi. Hằng ngày, ngoài giờ lên lớp, các cháu ở nhà cũng được chúng tôi quy định thời gian sử dụng máy tính và lướt web sao cho an toàn. Bên cạnh hỗ trợ học tập, việc sử dụng mạng rất nguy hiểm bởi mặt trái của thông tin. Tôi rất sợ các con bị dụ dỗ, lôi kéo, nên luôn cảnh giác”.

Tạo dựng thế giới trực tuyến an toàn

Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH), việc siết chặt kiểm soát internet là cần thiết nhằm tạo một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em trước những nguy cơ tiềm ẩn hay cạm bẫy khó nhận biết do lứa tuổi này chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ trước những tác động tiêu cực từ các thông tin xấu độc lan truyền trên mạng. “Chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức các lớp truyền thông, tập huấn, tập trung tuyên truyền cho các đối tượng là cha mẹ, người chăm sóc trẻ để nâng cao kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên MTM; chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên MTM”, bà Thy cho biết.

Trong năm 2022, Sở LĐ-TB-XH đã tổ chức truyền thông nâng cao kỹ năng sống cho hơn 4.300 trẻ em; truyền thông về bảo vệ trẻ em, trong đó bảo vệ trẻ em trên MTM cho hơn 1.000 người chăm sóc trẻ… Qua đó giúp các bậc phụ huynh chủ động và tích cực trao đổi cùng con em mình, nhằm sớm phát hiện những vấn đề mà các em đang gặp phải khi tham gia mạng trực tuyến.

Chị Huỳnh Gia Huệ (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa), nói: Tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn và các buổi tuyên truyền của hội phụ nữ về bảo vệ, chăm sóc con cái, trẻ em an toàn, có cuộc sống lành mạnh, tránh xa cạm bẫy xã hội, đặc biệt là những cạm bẫy trên MTM. Những lớp tập huấn và hoạt động tuyên truyền này rất hữu ích với những người có con trẻ.

Các chuyên gia khẳng định việc tạo dựng một thế giới trực tuyến hoạt động an toàn, lành mạnh và tin cậy góp phần thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đồng thời việc đảm bảo quyền tiếp cận, khai thác và sử dụng internet một cách an toàn cũng chính là đảm bảo quyền con người, quyền của trẻ em.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/293262/chu-dong-bao-ve-tre-em-tuong-tac-tren-moi-truong-mang.html