Chủ động đề phòng sốc nhiệt

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia đưa ra dự báo, Hà Nội, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, nắng nóng vượt 42 độ C kéo dài nhiều ngày. Thời tiết nắng nóng kéo dài là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe như say nắng, say nóng, bệnh hô hấp, đột quỵ…

Bệnh nhân nhập viện do sốc nhiệt điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh). Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân nhập viện do sốc nhiệt điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh). Ảnh: BVCC.

Theo Bộ Y tế, nguy cơ đột quỵ có thể tăng thêm 10% khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 1 độ C. Do đó, người dân lưu ý khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp. Các chuyên gia y tế lưu ý thời tiết nắng nóng tác động rất nhiều đến sức khỏe, làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt...

Nắng nóng là yếu tố thuận lợi khiến những người có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia… có thể bị đột quỵ.

BS Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, khi đi ở ngoài trời nắng, hoạt động trong thời tiết nắng nóng, trung tâm điều nhiệt của cơ thể sẽ kích thích tuyến mồ hôi. Từ đó, giúp tiết mồ hôi để giảm thân nhiệt. Trong một số trường hợp, khi nhiệt độ quá cao hoặc mọi người không đủ nước, quá trình điều hòa thân nhiệt không hoạt động. Hoặc, trung tâm điều nhiệt sau gáy bị rối loạn, khiến khả năng điều nhiệt không hoạt động. Tình trạng này khiến nhiệt độ cơ thể tăng dần. Ở trạng thái bình thường, thân nhiệt duy trì mức 35 - 36 độ C. Tuy nhiên, khi không điều nhiệt được, thân nhiệt có thể tăng lên 38 - 39 độ C hoặc lên tới 40 độ C, dẫn đến sốc nhiệt.

Khi ở môi trường nắng nóng trong thời gian dài, người bệnh có thể gặp tình trạng say nóng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, tình trạng này có thể chuyển thành sốc nhiệt, hay còn gọi là say nắng. “Sốc nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể không kiểm soát được, tăng lên cao. Khi đó, các mạch máu giãn ra, lượng máu cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể như tim, gan, phổi giảm” - BS Hoàng giải thích. Khi mất nước, máu có xu hướng cô lại. Đồng thời, cơ thể cũng mất điện giải, nồng độ các chất điện giải thay đổi, ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh nói chung. Từ đó, gây tình trạng mệt mỏi lơ mơ đau đầu, các triệu chứng thể hiện ở tất cả cơ quan.

Trong đó, với đường hô hấp, người bệnh có thể bị rối loạn nhịp thở, ngưng thở. Với tuần hoàn, triệu chứng có thể bao gồm nhịp nhanh. Thậm chí, một số bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim. Khi sốc nhiệt, cơ thể thiếu ô xy, chất dinh dưỡng, dẫn đến rối loạn chuyển hóa, suy thận cấp, suy gan, suy đa cơ quan. Nếu không xử lý kịp thời, trong khoảng 30 phút, bệnh nhân có nguy cơ không qua khỏi. Nếu qua khỏi cũng sẽ để lại nhiều di chứng. Nếu được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tránh được di chứng.

Sốc nhiệt có hai loại: Loại thứ nhất là sốc nhiệt kinh điển, thường gặp ở người sức đề kháng kém như trẻ em, người già, người có bệnh nền. Khi hoạt động nhiều trong trời nắng nóng mà không bổ sung nước, mọi người sẽ có nguy cơ bị sốc nhiệt. Loại sốc nhiệt thứ hai là do gắng sức. Đây là tình trạng hay gặp nhất ở người trẻ, khỏe mạnh, vận động viên. Khi hoạt động quá sức trong trời nắng, không có biện pháp che chắn,... sẽ dẫn đến sốc nhiệt do quá sức.

Để phân biệt giữa say nóng và say nắng, BS Hoàng cho biết, ở tình trạng nhẹ, thân nhiệt thường không lên quá cao, dưới 40 độ C. Ở người say nắng, da chưa đỏ quá và không bị khô. Tuy nhiên, khi sốc nhiệt (say nắng), nhiệt độ cơ thể lên rất cao, trên 40 độ C, da khô, đỏ, không còn nước tiết mồ hôi do trung tâm điều nhiệt mất tác dụng. Các dấu hiệu về mặt thần kinh là rõ nhất như lơ mơ, hôn mê. Trong khi đó, người bị say nóng thường chỉ ong đầu, mệt mỏi. Cả hai trường hợp đều có triệu chứng tim mạch như: mạnh nhanh, huyết áp thấp hoặc nhịp thở nhanh, nông.

Khi gặp bệnh nhân sốc nhiệt, điều đầu tiên cần làm là cố gắng hạ thân nhiệt xuống dưới 40 độ C, đưa vào chỗ bóng râm, cởi bớt quần áo, dùng khăn nhúng nước ấm lau vùng nách, bẹn. Nếu dội nước lên người bệnh, nên dùng nước mát.

Ngoài ra, cần kiểm tra nhịp thở, tim. Có thể cần hô hấp nhân tạo, ép tim lồng ngực nếu cần. Nếu bệnh nhân uống được, thì cần cho uống nước hoặc các dung dịch điện giải. Nếu bệnh nhân không tỉnh táo thì không nên uống nước, tránh gây tắc nghẽn đường thở. Sau đó, nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất.

“Để phòng tránh sốc nhiệt, cần thường xuyên bù nước và điện giải. Trong quá trình di chuyển, mọi người có thể nghỉ ngơi, không nên đi liên tục vài ba tiếng dưới trời nắng nóng. Ngoài ra, nên mặc trang phục thoáng mát, sáng màu để đỡ hấp thu nhiệt từ ánh sáng mặt trời, có biện pháp che chắn sau gáy” - BS Hoàng khuyến cáo.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chu-dong-de-phong-soc-nhiet-10283797.html