Chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu trong mùa mưa bão
Để bảo đảm cung ứng đủ yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa và nhu yếu phẩm thiết yếu để ứng cứu kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mùa mưa bão, Sở Công thương đã triển khai kế hoạch dự trữ, phương án cung ứng các mặt hàng thiết yếu khi có thiên tai với mục tiêu không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt nguồn hàng... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tỉnh ta nằm trong khu vực có tầm ảnh hưởng lớn của bão lụt và nước dâng lớn nên hàng năm tần số bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào cao hơn trung bình từ 1-1,5 cơn, sớm hơn các vùng khác trong khu vực và nhiều nguy cơ có siêu bão đổ bộ với diễn biến phức tạp. Do đó, để bảo đảm cung ứng đủ yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa và nhu yếu phẩm thiết yếu để ứng cứu kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mùa mưa bão, Sở Công thương đã triển khai kế hoạch dự trữ, phương án cung ứng các mặt hàng thiết yếu khi có thiên tai với mục tiêu không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hụt nguồn hàng, hạn chế tình trạng “găm hàng”, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng, khôi phục sản xuất của người dân.
Xác định việc dự trữ hàng hóa thiết yếu là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, Sở Công thương đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ, cung cấp vật tư đảm bảo đầy đủ, kịp thời cho nhân dân, theo phương châm “4 tại chỗ” và nguyên tắc “phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương”. Trên cơ sở đó, Sở Công thương đã phối hợp với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khảo sát nhu cầu tiêu dùng về số lượng, chủng loại hàng hóa của mỗi địa phương và xác định những địa bàn trọng điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi mưa bão để xây dựng phương án cung ứng hàng hóa đảm bảo hiệu quả, tới đúng đối tượng và đúng khu vực cần thiết nhất. Đến tháng 5-2019, Sở Công thương đã vận động khoảng 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia dự trữ và cung ứng hàng hóa trong mùa mưa bão. Trong đó, tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu gồm 2 nhóm hàng lương thực thực phẩm, nhiên liệu và vật liệu xây dựng để khôi phục nhà ở, công trình sản xuất sau mưa bão. Hàng hóa chủ yếu gồm: lương thực các loại, mì tôm, gạo, nước uống đóng chai; xăng, dầu diesel, dầu hỏa; tôn lợp, đinh vít, dây thép buộc, lưới thép. Cụ thể, các doanh nghiệp đã đăng ký dự trữ 409 tấn gạo, 12 tấn bánh ngọt; 11 tấn lương thực khác; 14.750 thùng mì tôm, 1.710 thùng nước uống; 1,2 triệu lít xăng, 1,3 triệu lít dầu diesel, 30 nghìn lít dầu hỏa; 10 nghìn tấm tôn lợp, 4.000 tấm lợp vật liệu khác, 3 tấn đinh vít, 20 tấn dây thép... Hiện tại, toàn bộ lượng hàng hóa đã được các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ số lượng, chất lượng, chủng loại theo cam kết và đã được tập kết tại kho của các đơn vị. Trong đó, riêng Công ty Cổ phần Lương thực Nam Định dự trữ 400 tấn gạo; hệ thống các siêu thị: Big C Nam Định, Micom, Co.op Mart đều đăng ký dự trữ tất cả các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với số lượng lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã có những phương án vận chuyển, cung ứng kịp thời, thuận tiện nhất khi Sở Công thương huy động. Ngoài nguồn hàng do Sở Công thương huy động, các huyện, thành phố cũng chủ động huy động các doanh nghiệp, đại lý đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia tạm trữ, dự trữ các mặt hàng thiết yếu để khi có tình huống xảy ra có sẵn nguồn hàng tại chỗ cung ứng kịp thời cho nhu cầu của người dân trong vùng. Đồng thời, các địa phương cũng vận động nhân dân chủ động xây dựng phương án dự phòng tại chỗ theo cách mỗi hộ gia đình, mỗi thôn, xã phải đảm bảo đủ lượng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… và các nhu yếu phẩm cần thiết để sử dụng trong thời gian tối thiểu từ 1-2 tuần lễ. Để chủ động trong việc cung ứng hàng hóa khi xảy ra thiên tai, Sở Công thương đã xây dựng các tình huống giả định và phương án tương ứng. Khi có sự cố thiên tai, ngành Công thương và các huyện, thành phố sẽ nhanh chóng huy động mọi phương tiện của địa phương, xe chuyên dùng, xe chở hàng của các đơn vị kinh doanh để vận chuyển các mặt hàng thiết yếu tập kết tại địa điểm quy định, sau đó các địa phương sử dụng các phương tiện cứu hộ như ca nô, xe chuyên dụng, thuyền nan để chuyển hàng hóa đến những khu vực bị ảnh hưởng. Trong trường hợp khẩn cấp, nguồn dự trữ của địa phương hết, Sở Công thương cũng chuẩn bị phương án phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là các địa phương lân cận như Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Nội chi viện. Bên cạnh việc chuẩn bị hàng hóa dự trữ phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, Sở Công thương đã tăng cường chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng Công thương các huyện, thành phố phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và bám sát các doanh nghiệp để theo dõi và giám sát quá trình dự trữ hàng hóa. Đồng thời tổ chức lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm chống các hành vi lợi dụng bão lụt để đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý và thu lợi bất chính; kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình trạng khan hiếm hàng hóa do thiên tai, bão lũ để tự động tăng, ép giá bất hợp lý gây xáo trộn thị trường và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương