Chủ động nguồn gia cầm phục vụ tết Nguyên đán ở Triệu Phong

Sau các đợt thiên tai trong năm vừa qua, sản xuất, chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề nhưng với tinh thần quyết tâm vượt khó, người dân trên địa bàn huyện Triệu Phong dần phục hồi các mô hình phát triển kinh tế, đặc biệt là chăn nuôi gà, vịt. Nhờ đó, thời điểm cận tết Nguyên đán Tân Sửu, đàn gia cầm ở địa phương dồi dào, đảm bảo về chất lượng để cung ứng cho thị trường.

 Người chăn nuôi ở Triệu Phong tích cực chăm sóc gia cầm để bán ra thị trường - Ảnh: N.T

Người chăn nuôi ở Triệu Phong tích cực chăm sóc gia cầm để bán ra thị trường - Ảnh: N.T

May mắn hơn người dân ở những địa phương khác, mô hình chăn nuôi gà thả vườn của chị Nguyễn Thị Giang ở thôn Linh An, xã Triệu Trạch thuộc địa bàn vùng cát nên ít chịu tác động của lũ lụt. Nhờ đó, ngay từ giữa tháng 9 âm lịch vừa qua, chị đã bắt đầu ươm 2.500 con gà, trong đó có 1.500 gà đen lai đá Minh Dư và 1.000 con gà ta chân vàng để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. Nhờ có diện tích đất rộng, chị áp dụng hình thức nuôi vừa thả vườn vừa nhốt chuồng nên đàn gà có môi trường sống thuận lợi, phát triển nhanh. Với sự chuẩn bị chu đáo về con giống, chủ động phòng trừ dịch bệnh, lứa gà của chị phát triển rất thuận lợi. Đặc biệt, với ưu điểm của gà ta là thịt chắc, ngon nên sản phẩm của chị đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường. Do đó, hiện các lứa gà phục vụ thị trường Tết của chị đã được thương lái thu mua gần hết. Thời điểm xuất chuồng, mỗi con gà có trọng lượng bình quân khoảng từ 1,6 - 2,5 kg, giá bán giao động từ 60.000 - 65.000 đồng/kg, ước tính riêng chăn nuôi lứa gà phục vụ Tết, chị có nguồn lãi khoảng 70 triệu đồng. Chị Giang chia sẻ: “Tôi chăn nuôi gà đã nhiều năm nay, riêng lứa gà cuối năm tăng thêm số lượng khoảng từ 400 - 500 con để phục vụ thị trường Tết. Cũng vào thời điểm này, thời tiết mưa rét thất thường, để tránh thiệt hại, tôi che chắn chuồng trại cẩn thận. Do nhu cầu thị trường yêu cầu gà phải chất lượng nên tôi luôn theo dõi sát sao để phòng trừ dịch bệnh kịp thời cho vật nuôi; sử dụng lúa, bắp làm nguồn thức ăn chính cho gà. Nhờ đó, đàn gà của gia đình tôi khỏe mạnh và có hình thức đẹp, bán rất nhanh”.

Xã Triệu Thành là một trong những địa phương chăn nuôi gia cầm lớn của huyện Triệu Phong. Sau thiệt hại nặng nề do lũ lụt, người chăn nuôi ở Triệu Phong nhanh chóng vệ sinh môi trường, khôi phục chuồng trại để gây dựng lại các mô hình phát triển kinh tế. Nhờ đó, hiện nay toàn xã có tổng đàn gia cầm trên 30.000 con, trong đó riêng đàn vịt khoảng 23.000 con, tập trung nhiều nhất ở các thôn Bích Trung Nam, Bích La Đông... Theo những người chăn nuôi ở đây cho biết, để đàn vật nuôi kịp xuất bán trong dịp Tết, ngoài sự chuẩn bị chu đáo về con giống, việc phòng trừ các loại dịch bệnh cũng được chú trọng. Để hỗ trợ người dân phát triển đàn gia cầm thuận lợi, chính quyền địa phương đã chỉ đạo bộ phận thú y thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn gia cầm. Trong dịp tết Nguyên đán sắp tới, người dân Triệu Thành cung ứng ra thị trường khoảng 6.000 con gia cầm, ước trọng lượng gần 12 tấn gà, vịt thương phẩm. Những lứa gia cầm nuôi cận Tết thường mang lại lợi nhuận cao cho nông dân do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, giá bán cũng tăng.

Sau các đợt lũ lụt trong năm 2020, toàn huyện Triệu Phong bị thiệt hại khoảng trên gần 500.000 con gia cầm. Từ nguồn hỗ trợ của trung ương và các tổ chức, đơn vị hảo tâm, người dân trên địa bàn huyện đã tiếp nhận gần 60.000 con giống gia cầm để tái chăn nuôi. Huyện cũng quan tâm đến vấn đề phục hồi chăn nuôi đàn gia cầm bởi có chu kỳ sản xuất ngắn, sau hơn 3 tháng chăn nuôi sẽ có sản phẩm kịp thời cung cấp cho thị trường dịp tết Nguyên đán. Qua đó, giúp người dân tăng thu nhập và tạo sinh kế cho những chu kỳ sau. Nhờ làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, đảm bảo môi trường an toàn sạch bệnh, đàn gia cầm của trên địa bàn huyện phục hồi nhanh chóng với tổng đàn khoảng trên 560.000 con, tăng 22.000 con so với cùng kỳ năm trước. Được biết, nguyên nhân đàn gia cầm tăng là do vào dịp Tết, nhu cầu về thực phẩm cao nên hầu hết các hộ chăn nuôi đón đầu tổ chức tái đàn, tăng đàn. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi nên nhiều hộ chuyển hướng sang phát triển mô hình chăn nuôi khác. Hiện nay, hầu hết đàn gia cầm ở các xã Triệu Trung, Triệu Hòa, Triệu Vân, Triệu Trạch, Triệu Vân…đã xuất bán, mang lại nguồn thu nhập khá cao cho người chăn nuôi.

Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú ý huyện Triệu Phong Trần Thanh Sơn cho biết: “Nhờ làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh nên thời gian qua trên địa bàn huyện không xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm đến đàn gia cầm. Ngoài việc hỗ trợ cho người chăn nuôi các biện pháp chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia cầm và các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo số lượng, chất lượng đàn gia cầm phục vụ nhu cầu thị trường Tết, hiện nay chúng tôi đang tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người dân trong dịp tết Nguyên đán sắp tới”.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=155357