Chủ động nguồn vật liệu phục vụ dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột

Chủ đầu tư dự án thành phần 3, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột chủ động nguồn vật liệu, đảm bảo đủ phục vụ thi công dự án.

Chủ động nguồn vật liệu

Ngày 12/1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban QLDA, đại diện chủ đầu tư Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1) cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn về khai thác nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, hiện nay UBND tỉnh Đắk Lắk đã thống nhất về mặt nguyên tắc đối với các vị trí mỏ đất, mỏ đá, mỏ cát phục vụ dự án.

Hiện nay, nhà thầu đang thi công và chủ động nguồn vật liệu để đảm bảo đủ phục vụ dự án. Ảnh: Ngọc Hùng

Hiện nay, nhà thầu đang thi công và chủ động nguồn vật liệu để đảm bảo đủ phục vụ dự án. Ảnh: Ngọc Hùng

Theo Ban QLDA, đến nay mới có 19 mỏ được cấp phép, gồm 9 vị trí mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, với tổng trữ lượng 9,8 triệu mét khối nguyên khai, 7 vị trí mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường, với tổng trữ lượng 3 triệu mét khối, 3 vị trí mỏ đất làm vật liệu san lấp với tổng trữ lượng khai thác hơn 230.000 mét khối.

Theo ông Phan Xuân Bách, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, để có nguồn vật liệu phục vụ dự án, UBND tỉnh đã thống nhất đưa 18 vị trí bãi thải, 17 vị trí trạm trộn, 11 vị trí mỏ đất, 19 vị trí mỏ đá và 9 vị trí mỏ cát phục vụ dự án.

Theo đó, sau khi rà soát, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thống nhất về mặt nguyên tắc các mỏ gồm: mỏ đá, đất xã Hòa Tiến (huyện Krông Pắk) với diện tích 13,96 ha; mỏ đá tại khu I, mỏ đá D2 (xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột) và xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) với diện tích 12,56ha.

Mỏ cát tại sông Krông Pắk, xã Cư Bông và xã Cư Yang (huyện Ea Kar) có chiều dài khoảng 6,7 km, diện tích khoảng 13,4ha, trữ lượng theo quy hoạch khoảng 268.000 mét khối.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan đang tiếp tục rà soát, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết kiến nghị của các đơn vị về việc đăng ký khai thác, nâng công suất không quá 50% công suất ghi trên giấy phép của các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Loạt mỏ vật liệu đang xem xét chấp thuận

Ông Phan Xuân Bách, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, đối với thủ tục mỏ vật liệu, hiện nay tại gói thầu số 1, đơn vị thi công đã nộp hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác một mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cho dự án.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đang kiểm tra hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh xem xét chấp thuận.

Đưa nhiều mỏ đá, cát, đất vào khai thác, đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh: Ngọc Hùng

Đưa nhiều mỏ đá, cát, đất vào khai thác, đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh: Ngọc Hùng

Trong khi đó, tại gói thầu số 2, đơn vị thi công đã nộp hồ sơ đăng ký 1 mỏ đá, 11 mỏ đất, Sở TN-MT đang kiểm tra hồ sơ và tham mưu UBND tỉnh xem xét chấp thuận.

Ngoài ra, nhà thầu đang hoàn thiện hồ sơ khảo sát mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường đối với mỏ cát tại sông Krông Pắk, xã Cư Bông, xã Cư Yang (huyện Ea Kar).

Gói thầu số 3, đối với 2 mỏ đất và 1 mỏ đá do Tổng Công ty xây dựng số 1 - CTCP đề xuất khảo sát, đánh giá về chất lượng, trữ lượng, thu thập số liệu để làm cơ sở lập hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường, UBND tỉnh đề nghị Sở TN-MT phối hợp với Ban Quản lý dự án và các đơn vị liên quan làm rõ một số nội dung như tình hình sử dụng đất, cự ly vận chuyển và sự phù hợp theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép Công ty Cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam thực hiện khảo sát, xác định về chất lượng, trữ lượng, thu thập số liệu đối với mỏ đất, mỏ đá tại xã Hòa Tiến (huyện Krông Pắk). Hiện nhà thầu đã hoàn thiện hồ sơ, Ban Quản lý dự án tỉnh đang xem xét đưa vào hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu của dự án.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được hưởng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 43, ngày 3/2/2022 của Quốc hội trong hai năm 2022 và 2023.

Hiện nay, một số mỏ vật liệu xây dựng đã được UBND tỉnh Đắk Lắk thống nhất chủ trương khảo sát, đánh giá trữ lượng và chất lượng, thu thập số liệu thông tin đối với các mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu phục vụ dự án.

Đề nghị, Sở TN-MT tiếp nhận hồ sơ và phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các nhà thầu hoàn thành các thủ tục về cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng để khai thác vật liệu phục vụ thi công dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài khoảng 116,577km. Điểm đầu Km 0+00, tại vị trí giao giữa QL26B và QL1, khu vực cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Điểm cuối: Km 117+593, giao với đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột.

Dự án được chia thành 3 thành phần gồm: Thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, thành phần 2 do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư và thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Trong đó, dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1. Tổng chiều dài tuyến khoảng 48,09km qua địa bàn 3 huyện, gồm: Ea Kar (khoảng 11,207km); Krông Pắc (khoảng 33,314km) và Cư Kuin (khoảng 3,572km).

Dự án thành phần 3 có tổng mức đầu tư hơn 6.165 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt Ban QLDA) làm đại diện chủ đầu tư.

Ngọc Hùng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chu-dong-nguon-vat-lieu-phuc-vu-du-an-cao-toc-khanh-hoa-buon-ma-thuot-192240110063641131.htm