Chủ động phòng, chống bệnh Bạch hầu từ sớm, từ xa

Trên địa bàn tỉnh ta tuy chưa ghi nhận trường hợp nào tiếp xúc gần liên quan đến bệnh nhân tử vong do bệnh Bạch hầu ở Nghệ An và các trường hợp F1 tại Bắc Giang, tuy nhiên, ngành chức năng và các địa phương đã triển khai biện pháp phòng bệnh từ sớm, từ xa, tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về các nguy cơ của bệnh Bạch hầu để chủ động phòng tránh hiệu quả.

Bệnh Bạch hầu là căn bệnh nguy hiểm, người mắc bệnh thường có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, nổi hạch ở cổ sau thời gian ủ bệnh khoảng từ 2 - 5 ngày. Bệnh nhân có thể bị nhầm lẫn với các chứng đau họng khác ở giai đoạn sớm của bệnh khi chưa có giả mạc ở mũi, họng; điều này dễ dẫn đến những biến chứng khó lường do độc tố của vi khuẩn gây ra như: Tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và có thể tử vong. Bệnh Bạch hầu lây qua tiếp xúc trực tiếp từ người sang người bằng đường hô hấp và gián tiếp từ vật dụng có bám vi khuẩn từ người bệnh. Ngoài ra, bệnh có thể xâm nhập vào da người, gây tổn thương trên da. Sau thời gian 2 tuần nhiễm bệnh, người bệnh có thể lây truyền cho người khác. Tốc độ lây lan của bệnh nếu không được ngăn chặn là rất nhanh. Năm 2023, tỉnh ta xảy ra bệnh Bạch hầu tại một số địa phương, trong đó có trường hợp tử vong. Hiện tại, bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh đã được khống chế, nhưng nguy cơ xuất hiện dịch bệnh trở lại vẫn luôn hiện hữu, đặc biệt khi bệnh đang xuất hiện tại một số tỉnh.

Người dân đưa trẻ đến tiêm vắc xin tại Trung tâm tiêm chủng vắc - xin Thắng Lợi (thành phố Hà Giang).

Người dân đưa trẻ đến tiêm vắc xin tại Trung tâm tiêm chủng vắc - xin Thắng Lợi (thành phố Hà Giang).

Để chủ động phòng, chống bệnh Bạch hầu, Sở Y tế triển khai Quyết định 5965 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành Bộ tiêu chí đánh giá nguy cơ dịch bệnh Bạch hầu theo quy mô xã, phường; kịp thời cập nhật tình hình dịch bệnh Bạch hầu nói riêng và các dịch bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng nói chung để chủ động trong công tác giám sát các ca bệnh đầu tiên tại cộng đồng, từ đó kịp thời xử lý, điều tra, truy vết, cách ly và chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ, không để dịch lây lan ra cộng đồng; giám sát di, biến động của người dân, nhất là người đi, về từ vùng dịch.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng thông điệp và nội dung truyền thông phòng, chống bệnh Bạch hầu với nhiều hình thức phong phú, phù hợp, giúp người dân nâng cao nhận thức và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh, người dân cần đưa trẻ đi tiêm các vắc - xin đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng; trong trường hợp hoãn tiêm thì cần tham gia tiêm chủng trong thời gian sớm nhất; sau khi đã hoàn thành lịch tiêm chủng khoảng 10 năm phải tiêm nhắc lại một lần để duy trì kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn Bạch hầu, người lớn có thể tiêm phòng mũi nhắc lại Bạch hầu trước năm 65 tuổi. Đồng thời người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh Bạch hầu, người bệnh cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Mặc dù bệnh Bạch hầu trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào liên quan đến ca bệnh ở Nghệ An và Bắc Giang. Nhưng người dân không được chủ quan mà cần triển khai các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan chức năng để phòng bệnh từ sớm, từ xa, tránh dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Bài, ảnh: AN GIANG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202407/chu-dong-phong-chong-benh-bach-hau-tu-som-tu-xa-41f5916/