Chủ động phòng chống bệnh tiêu chảy

ĐBP - Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 5.000 trường hợp mắc tiêu chảy và các bệnh rối loạn về tiêu hóa. Ðể phòng, chống và đảm bảo sức khỏe nhân dân, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống bệnh, tránh lây lan, bùng phát thành dịch...

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ chăm sóc bệnh nhân tiêu chảy.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ chăm sóc bệnh nhân tiêu chảy.

Bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân - hè. Người bệnh bị tiêu chảy có thể do dị ứng thức ăn lạ, chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi, hoặc bệnh do vi rút gây ra. Người mắc bệnh thường có những triệu chứng, như: Sốt nhẹ, nôn, đi ngoài phân lỏng... rối loạn điện giải, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Ðối với tỉnh ta, người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa rất dễ mắc bệnh về tiêu chảy, do cách ăn uống, phong tục tập quán và cách chăm sóc; sử dụng nguồn thức ăn không đảm bảo vệ sinh, rau rừng, măng rừng... Ðặc biệt, khi có các dấu hiệu bệnh, nhiều bệnh nhân không đến cơ sở y tế để khám và điều trị sớm mà ở nhà điều trị bằng thuốc nam hoặc cúng bái nên khi đến bệnh viện thì đã quá muộn. Một số huyện có bệnh nhân mắc tiêu chảy nhiều nhất: Ðiện Biên Ðông (819 trường hợp); Mường Chà (854 trường hợp); Nậm Pồ (849 trường hợp)…

Bác sĩ Ðàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Tiêu chảy là bệnh có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt. Bệnh hay bùng phát vào mùa hè, khi thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển. Bệnh tiêu chảy có một số triệu chứng điển hình, gồm: Ðầy bụng, sôi bụng; tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước (trong trường hợp bị bệnh tả, phân toàn nước đục như nước vo gạo); nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt. Người bệnh mệt lả, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: khát nước, da khô, nhăn nheo… có thể dẫn đến tử vong.

Do vậy, để hạn chế thấp nhất các ca mắc tiêu chảy, Trung tâm đã chủ động xây dựng, triển khai biện pháp phòng, chống bệnh đến các huyện... Thành lập đường dây nóng báo dịch, tổ chức kiểm tra, giám sát và triển khai công tác phòng, chống dịch, trực sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Ðồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống và chăm sóc khi người nhà bị tiêu chảy; thực hiện ăn chín uống sôi, hạn chế ăn thức ăn không rõ nguồn gốc, thịt, rau đã ôi thiu, để lâu ngày; chủ động tăng cường dự trù các loại thuốc điều trị bệnh tiêu chảy.

Cùng với đó, khi sử dụng nguồn nước ăn uống, sinh hoạt các gia đình phải đảm bảo sạch sẽ ở những nơi không có nước máy mà đang có dịch tiêu chảy thì tất cả nước sử dụng để ăn uống phải được sát khuẩn; tuyệt đối không đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh xuống giếng, hồ, suối...

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; mỗi gia đình nên có nhà tiêu hợp vệ sinh, không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý để bón cây trồng; vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh; hạn chế ra vào vùng đang có dịch. Khi phát hiện người nhà nghi mắc bệnh tiêu chảy cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Bài, ảnh: Phương Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/suc-khoe/171273/chu-dong-phong-chong-benh-tieu-chay