Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và chủ động tích trữ rơm, rạ để làm thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông sắp tới. Đó là những biện pháp mà hộ chăn nuôi nên chủ động trong thời điểm này để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.

Thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và chủ động tích trữ rơm, rạ để làm thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông sắp tới. Đó là những biện pháp mà hộ chăn nuôi nên chủ động trong thời điểm này để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.

Gia đình ông Triệu Văn Đồng, xóm Mạ, xã Tú Lý (Đà Bắc) chủ động các biện pháp để đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong thời điểm giao mùa.

Gia đình ông Triệu Văn Đồng, xóm Mạ, xã Tú Lý (Đà Bắc) chủ động các biện pháp để đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong thời điểm giao mùa.

Toàn tỉnh hiện có tổng đàn trâu trên 113 nghìn con, đàn bò trên 91,5 nghìn con, đàn lợn trên 535 nghìn con, đàn gia cầm gần 8,9 triệu con. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, trong tỉnh xảy ra 11 ổ dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM), tại các huyện: Lạc Sơn, Mai Châu, Tân Lạc và Cao Phong, chết 11 con gia súc. Đặc biệt, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp. Tính trong 8 tháng, toàn tỉnh ghi nhận 34 xã của 8 huyện, thành phố bị bệnh DTLCP, tổng số lợn ốm, chết phải tiêu hủy là 2.217 con.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của thiên tai, nhất là cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại 30 con gia súc và trên 9 nghìn con gia cầm. Theo đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, sau bão số 3, nguy cơ ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh khá cao. Thời gian qua, người chăn nuôi đã tập trung tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường ngay sau khi mưa, lũ kết thúc. Bên cạnh đó, triển khai tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi vụ thu - đông, phấn đấu tiêm xong trước ngày 30/11/2024.

Gia đình ông Triệu Văn Đồng, xóm Mạ, xã Tú Lý (Đà Bắc) là hộ chăn nuôi bò lâu năm. Với đàn bò khoảng 30 con, gia đình ông Đồng chủ yếu nuôi theo hình thức chăn thả ở trong khu đồi sản xuất của gia đình. Theo ông Đồng, chăn nuôi quan trọng nhất là khâu phòng bệnh, do đó ông luôn quan tâm tiêm vắc xin đầy đủ cho vật nuôi 2 lần/năm. Ngoài ra, trước và trong mùa đông, ông tiêm bổ sung các loại vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. "Với số lượng bò nuôi nhiều, vào mùa đông sẽ rất vất vả nếu gia đình không chủ động dự trữ thức ăn. Do đó, vừa rồi khi bà con thu hoạch vụ mùa, gia đình đã thu gom rơm, rạ. Ngoài ra, trồng thêm cỏ voi vì mùa đông sẽ có những ngày rét đậm, rét hại không chăn thả được”, ông Đồng chia sẻ.

Cùng xóm với ông Đồng, gia đình ông Triệu Tiến Tài cũng vừa phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi bò, lợn và tiêm vắc xin đầy đủ cho vật nuôi. Ông Tài cho biết, thời gian qua, trên địa bàn xã có dịch bệnh DTLCP khiến nhiều hộ bị thiệt hại. Do đó việc phun tiêu độc, khử trùng rất quan trọng để tiêu diệt mầm bệnh. Gia đình ông Tài cũng tích trữ được rơm của vụ lúa vừa rồi.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa đông năm nay dự báo sẽ khắc nghiệt hơn, thời tiết có nhiều thay đổi và khác biệt so với năm 2023 do chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Do đó, người chăn nuôi cần chủ động dự trữ các loại thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp như: rơm rạ, ngọn mía, lá mía, thân cây ngô sau khi thu hoạch để dự trữ làm thức ăn cho gia súc.

Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: Người chăn nuôi cần tận dụng diện tích đất quanh nhà và các diện tích không trồng cây vụ đông, đất hoang để trồng cỏ, gieo ngô dày, ngô sinh khối làm thức ăn cho trâu, bò. Ngoài ra, cần chủ động sửa chữa, che chắn chuồng trại, có kế hoạch phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/195058/chu-dong-phong,-chong-dich-benh-cho-dan-vat-nuoi.htm