Chủ động phòng chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 17/12 đến 23/12 khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ đón đợt không khí lạnh cường độ rất mạnh. Đây được coi là đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất kể từ đầu mùa, vùng núi cao có thể xuất hiện băng giá gây hại cho cây trồng và đàn vật nuôi.

Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bắt đầu xảy ra đợt rét đậm, rét hại. Tại các địa bàn vùng núi cao như xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, nền nhiệt duy trì ở mức từ 5-8 độ C, gió giật mạnh.

Mô hình chuồng nuôi 2 tầng cho trâu bò của người dân vùng núi cao tại tỉnh Lạng Sơn, trên dự trữ rơm, dưới là trâu bò được quây kín để tránh đói, rét

Mô hình chuồng nuôi 2 tầng cho trâu bò của người dân vùng núi cao tại tỉnh Lạng Sơn, trên dự trữ rơm, dưới là trâu bò được quây kín để tránh đói, rét

Tại tỉnh Lạng Sơn, hiện bà con đã tiến hành thu hoạch xong cây ngô và vụ lúa mùa, sản lượng tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên theo thống kê, trên địa bàn vẫn còn hơn 5.000 ha rau màu đang gieo trồng chuẩn bị vào vụ đông. Nhiệt độ giảm sâu gây ra băng tuyết sương muối có thể làm ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình sinh trưởng của cây.

Để đảm bảo sản xuất đạt sản lượng theo kế hoạch hạn chế thấp nhất thiệt hại, người dân cần chủ động các biện pháp như phủ màng che, nâng cao sức đề kháng… nhằm phòng, chống rét cho cây trồng; Chủ động phương án gieo trồng, chuẩn bị nguồn hạt giống dự trữ, điều chỉnh mùa vụ, tăng vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp; chuyển đổi cây trồng thích ứng với tình hình thời tiết…

Bà con vùng núi cao Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn cho trâu trước đợt rét đậm, rét hại kéo dài

Bà con vùng núi cao Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn cho trâu trước đợt rét đậm, rét hại kéo dài

Ông Nguyễn Nam Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết: Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 69.000 con trâu bò, trên 180.000 con lợn, hơn 5,2 triệu con gia cầm. Để chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi, đơn vị đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra đi thực tế tại các cơ sở trên địa bàn, đặc biệt là những vùng núi cao có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề do rét đậm, rét hại.

Nhiệt độ giảm sâu gây ra băng tuyết sương muối có thể làm ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình sinh trưởng của cây. Để đảm bảo sản xuất đạt sản lượng theo kế hoạch hạn chế thấp nhất thiệt hại, người dân cần chủ động các biện pháp như phủ màng che, nâng cao sức đề kháng… nhằm phòng, chống rét cho cây trồng

Nhiệt độ giảm sâu gây ra băng tuyết sương muối có thể làm ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình sinh trưởng của cây. Để đảm bảo sản xuất đạt sản lượng theo kế hoạch hạn chế thấp nhất thiệt hại, người dân cần chủ động các biện pháp như phủ màng che, nâng cao sức đề kháng… nhằm phòng, chống rét cho cây trồng

“Bà con cơ bản đến thời điểm này đều chấp hành tốt các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về phòng chống đói rét, gia cố chuồng trại trước mùa rét, chuẩn bị bạt quây gia súc, dự trữ thức ăn, sưởi ấm cho vật nuôi bằng mùn cưa, đun củi..., cơ quan chuyên môn cũng triển khai các đợt tiêm phòng để phòng chống các loại dịch bệnh. Với những vùng núi cao như Công Sơn, Mẫu Sơn, bà con đều ý thức hơn nhiều, có những mô hình hay như làm chuồng nuôi 2 tầng cho trâu bò, trên dự trữ rơm, dưới là trâu bò, việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi tại đây cơ bản đều tốt” - ông Nguyễn Nam Hùng nói.

Duy Thái/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chu-dong-phong-chong-ret-dam-ret-hai-cho-cay-trong-vat-nuoi-post1066088.vov