Chủ động phòng ngừa cúm A

Cúm A (còn được gọi là cúm mùa), là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A gây nên, có nhiều chủng H1N1, H5N1, H3N2, H7N9… Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và nhanh trong cộng đồng, do vậy người dân cần chủ động các biện pháp để phòng tránh bệnh hiệu quả.

Bà Tăng Thị V., 70 tuổi, phường Sông Hiến (Thành phố) vào điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ ngày 31/12/2023 do mắc cúm A. Bà V. cho biết: Trước khi vào viện 3 ngày, người bị đau đầu, nhức mỏi, ho nhiều và sốt từ 37,5 - 39OC, ăn ngủ kém, tức ngực. Ở nhà tự mua thuốc về uống nhưng không thấy đỡ nên đến bệnh viện khám. Sau khi làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán tôi mắc cúm A và viêm phế quản, đồng thời chỉ định nhập viện điều trị. Sau hơn 1 tuần, sức khỏe tôi đã phục hồi và ra viện ngày 8/1/2024.

Cháu Nông A.D. (sinh năm 2020), phường Tân Giang (Thành phố) được xét nghiệm chẩn đoán mắc cúm A kèm viêm phế quản. Ngày 3/1/2024 vào Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị với các triệu chứng mệt mỏi, ho, sốt, chảy dịch mũi... Hiện nay, sức khỏe cháu ổn định do được điều trị kịp thời.

Những tháng cuối năm thời tiết giao mùa, trời lạnh, hanh khô là thời điểm lý tưởng để các loại vi rút gây bệnh bùng phát, trong đó cúm A có khả năng lây lan mạnh. Ngoài những bệnh nhân đã được xét nghiệm khẳng định cúm A, ghi nhận tại phòng khám bệnh của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, những tuần gần đây tiếp nhận khá nhiều người đến khám, chủ yếu mắc các bệnh lý về hô hấp như viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2023 có 4.710 người mắc bệnh cúm, riêng từ tháng 9 - 12/2023, ghi nhận gần 1.600 trường hợp mắc cúm.

Cúm A có một số biểu hiện ban đầu giống như cảm lạnh thông thường với những triệu chứng như: chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, mệt mỏi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể, kèm theo các dấu hiệu sốt, viêm họng, đau đầu... Phần lớn, bệnh có diễn biến nhẹ và bệnh nhân hồi phục sau 2 - 7 ngày. Rất khó phân biệt sốt do cúm A với sốt do nhiễm vi rút khác, nhưng các trường hợp sốt cao do cúm A thường kéo dài hơn. Đối với những người có hệ miễn dịch yếu gồm: người cao tuổi (trên 65 tuổi), trẻ em (dưới 5 tuổi), phụ nữ có thai thì triệu chứng có thể nặng hơn và tiến triển rất nhanh.

Theo bác sĩ Dương Thị Liễu, phụ trách Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vi rút cúm A có thể lây truyền trực tiếp trong không khí thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, các giọt bắn kèm theo vi rút thoát ra ngoài có thể tiếp cận người khác và lây truyền bệnh bằng việc hít hoặc chạm phải đồ vật có vi rút. Ngoài ra, có thể bị nhiễm cúm A khi sử dụng chung vật dụng sinh hoạt với người bị nhiễm bệnh (chén, bát, khăn, quần áo…) hoặc vô tình tiếp xúc với các đồ dùng trong nhà (nắm cửa, bàn, ghế…) sau đó đưa lên mũi, miệng.

Đối tượng nào cũng có thể mắc cúm A, tuy nhiên một số trường hợp có nguy cơ mắc cao và diễn biến nặng hơn, gồm: trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người có bệnh mãn tính (tiểu đường, tim, phổi, suy thận, suy gan và suy giảm miễn dịch...), phụ nữ mang thai. Dù cúm A thường tiến triển không quá nặng, tuy nhiên đối với những người mắc bệnh lý về tim mạch, hô hấp hoặc trẻ nhỏ và người lớn tuổi thường sẽ trở nặng. Biến chứng viêm phổi thường gặp ở đối tượng trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, bệnh mạch vành, suy tim, đái tháo đường... Với phụ nữ mang thai, nếu mắc cúm A có thể gây biến chứng viêm phổi và xảy thai, nhất là những tháng cuối thai kỳ. Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao.

Người cao tuổi đến khám và tiêm vắc xin phòng bệnh cúm tại Phòng tiêm chủng SAFPO Cao Bằng.

Người cao tuổi đến khám và tiêm vắc xin phòng bệnh cúm tại Phòng tiêm chủng SAFPO Cao Bằng.

Thông qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông, hiện nay, nhiều người có ý thức chủ động phòng bệnh bằng tiêm vắc xin cúm mùa. Tại Phòng tiêm chủng vắc xin SAFPO Cao Bằng, trung bình có từ 200 - 250 người/tháng đến tiêm vắc xin phòng bệnh cúm. Để chủ động phòng tránh bệnh cúm thông thường, đặc biệt là cúm A thì tiêm vắc xin là biện pháp phòng tránh hiệu quả giúp tạo lá chắn bảo vệ khỏi vi rút cúm cũng như nhiều bệnh lý khác. Mỗi người cần tăng cường vệ sinh cá nhân, nơi ở, lớp học, phòng làm việc, lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường; tăng cường vận động thể lực; đeo khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiện vận chuyển công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi…; hạn chế tập trung nơi đông người, nhất là những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già và trẻ em tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh cúm. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không nên tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc uống mà đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời, tránh những biến chứng nghiêm trọng do cúm gây ra.

Bảo Bình

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/chu-dong-phong-ngua-cum-a-3166948.html