Chủ động phòng ngừa với tội phạm trong lĩnh vực xây dựng cơ bản

Vi phạm trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB) vẫn tiềm ẩn phức tạp, xảy ra trong mọi khâu của quá trình đầu tư xây dựng. Vì vậy, Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này, chống thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực XDCB.

Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh nghiên cứu hồ sơ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản để chủ động phát hiện, ngăn chặn các vi phạm pháp luật có thể xảy ra

Cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh nghiên cứu hồ sơ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản để chủ động phát hiện, ngăn chặn các vi phạm pháp luật có thể xảy ra

Nhằm khai thác tối đa vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm đầu tư ngân sách cho lĩnh vực XDCB, trung bình khoảng 6 nghìn tỷ đồng/năm và được giao cho nhiều cấp, ngành làm chủ đầu tư các dự án.

Trong quá trình triển khai, những vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực này vẫn tiềm ẩn phức tạp, gây thất thoát ngân sách nhà nước. Hành vi vi phạm và tội phạm xảy ra ở tất cả các khâu từ chuẩn bị đầu tư, khảo sát, báo cáo dự án tiền khả thi, thiết kế, dự toán, lập hồ sơ mời thầu, đấu thầu, đền bù san lấp mặt bằng, đến thanh quyết toán công trình…

Thủ đoạn phạm tội chủ yếu là lợi dụng sự buông lỏng công tác quản lý, thiếu kiểm tra của chủ đầu tư, nhất là cấp xã, nhiều doanh nghiệp đã thi công không đúng với thiết kế dự toán, thay đổi chủng loại vật tư, vật liệu.

Nhất là các hạng mục ẩn giấu, khó kiểm tra nhưng vẫn nghiệm thu, thanh quyết toán khống khối lượng để chiếm đoạt tiền nhà nước hoặc tạm ứng tiền hợp đồng nhưng sau đó không thi công dẫn đến công trình bị dở dang kéo dài. Một số trường hợp thông đồng với các cơ quan tư vấn để làm sai lệch số liệu ban đầu về khối lượng, trị giá công trình… làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Qua công tác trinh sát, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh đã phát hiện Công ty TNHH Thương mại và xây dựng M.N, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đầu tư, thi công, nghiệm thu thanh quyết toán công trình đã trúng thầu thi công.

Kết quả điều tra, khi thi công công trình cải tạo, nâng cấp chợ Hợp Châu do UBND thị trấn Hợp Châu làm chủ đầu tư, P. V. L, giám đốc Công ty M.N đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng các loại vật tư kém chất lượng để thi công nhưng vẫn nghiệm thu, thanh toán theo đúng thiết kế đã được phê duyệt nhằm chiếm đoạt tiền ngân sách nhà nước.

Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh phối hợp với đơn vị liên quan giám định xác định khối lượng và giá trị thực tế thi công tại hiện trường của công trình. Kết quả giám định, xác định tổng giá trị chênh lệch giữa thực tế thi công và hồ sơ thanh, quyết toán hàng trăm triệu đồng.

Đây là vụ việc về tội phạm trong lĩnh vực XDCB mà lực lượng công an đã phát hiện, điều tra thời gian qua. Thực tế, công tác đấu tranh với tội phạm này gặp không ít khó khăn do lĩnh vực đầu tư XDCB có tính đặc thù, thời gian triển khai thường kéo dài, liên quan đến nhiều khâu, nhiều cơ quan, ban, ngành quản lý, phê duyệt, nhiều đơn vị tham gia thi công; cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực này thường xuyên thay đổi.

Trong tình hình hiện nay, Nhà nước điều chỉnh và ban hành nhiều chính sách mới, thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tổ chức hoạt động kinh doanh như cấp phép đầu tư, thành lập doanh nghiệp, tự kê khai, nộp thuế qua mạng… nên việc phòng ngừa, phát hiện xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực XDCB gặp nhiều khó khăn, nhất là việc điều tra, xác minh thu thập tài liệu chứng cứ.

Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm thường là những người có trình độ, hiểu biết rộng, nên sử dụng những thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước…

Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm trong lĩnh vực đầu tư XDCB, Công an tỉnh đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, điều tra cơ bản, chủ động làm tốt công tác dự báo tình hình tội phạm trong lĩnh vực đầu tư XDCB để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch đấu tranh, mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực này; xử lý tin báo, tố giác về tội phạm theo đúng quy định.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan trao đổi thông tin, tài liệu ngay từ khi triển khai, đầu tư công trình; tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới cá nhân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản liên quan về công tác đầu tư XDCB.

Các cơ quan tài chính, kế hoạch và đầu tư chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy mạnh công tác lập hồ sơ, trình thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành; cập nhật tiến độ triển khai dự án, kịp thời báo cáo UBND tỉnh, nhất là các dự án kéo dài nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp để có hướng xử lý.

Các địa phương, đơn vị bám sát quy hoạch phát triển KT - XH, quy hoạch ngành, lĩnh vực, thực hiện đề xuất chủ trương, thẩm định chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; tiến hành cắt giảm, giãn tiến độ, tạm dừng các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả thấp.

UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan thanh tra các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm công tác đấu thầu; tăng cường thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo công bằng, tránh thất thoát nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.

Bài, ảnh: Lê Thảo

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/77291/chu-dong-phong-ngua-voi-toi-pham-trong-linh-vuc-xay-dung-co-ban.html