Chủ động triển khai sản xuất lúa vụ hè thu

Sau khi hoàn thành thu hoạch lúa vụ đông xuân, thời điểm này, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung ra đồng làm đất và chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ hè thu. Đồng hành với nông dân, ngành nông nghiệp và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo vụ hè thu thắng lợi.

Huyện Hải Lăng tập trung máy móc để đẩy nhanh tiến độ làm đất gieo cấy vụ hè thu - Ảnh: L.A

Huyện Hải Lăng tập trung máy móc để đẩy nhanh tiến độ làm đất gieo cấy vụ hè thu - Ảnh: L.A

Đồng loạt xuống đồng làm đất

Dưới cái nắng oi bức của những ngày trung tuần tháng 5, không khí lao động ở các cánh đồng trên địa bàn tỉnh vẫn khá nhộn nhịp. Nông dân đang tập trung ra đồng phát bờ dọn cỏ, cày ải cải tạo đất để chuẩn bị xuống giống lúa vụ hè thu.

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh Võ Văn Long cho biết, vụ hè thu toàn xã dự kiến gieo cấy hơn 670 ha lúa. Để chủ động ứng phó thiên tai, trên cơ sở khung lịch thời vụ của huyện, UBND xã đã chỉ đạo các hợp tác xã (HTX) hướng dẫn nông dân tập trung làm đất, vệ sinh đồng ruộng nhằm loại bỏ các trung gian truyền bệnh để hạn chế phát sinh các loại sâu bệnh cho vụ hè thu.

Thời gian gieo tập trung dự kiến từ ngày 20 - 30/5, cố gắng chậm nhất đến ngày 2/6 phải hoàn thành gieo cấy. Bộ giống chủ lực gồm các giống HC 95, HN6, HG12 và mở rộng diện tích các loại giống mới có chất lượng, năng suất cao.

Theo ông Long, hiện tại nông dân đang tập trung làm đất, cày lật và be bờ giữ nước, nạo vét kênh mương để đảm bảo tưới khi có nước thủy lợi về. Các HTX cũng đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, phân bón, giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật để cung ứng kịp thời cho nông dân.

Tại huyện Gio Linh, nông dân cũng đang đồng loạt xuống đồng làm vệ sinh đồng ruộng, cày ải phơi đất trước khi lấy nước vào để gieo sạ. Theo kế hoạch, vụ hè thu năm nay toàn huyện sẽ xuống giống hơn 4.800 ha lúa.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh Nguyễn Văn Thức thông tin, để vụ hè thu đạt hiệu quả, huyện đã chỉ đạo các địa phương và nông dân sau khi gặt xong tranh thủ lượng nước còn lại trên ruộng để làm đất; huy động tối đa máy móc để đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy đúng theo lịch thời vụ và cơ cấu giống của huyện.

Tổ chức ra quân đồng loạt diệt chuột, ốc bươu vàng, khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương. Be bờ giữ nước hồi quy, nước mưa để làm đất. Chỉ gieo cấy giống lúa ngắn ngày và cực ngắn có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày.

Sử dụng hạt giống đạt phẩm cấp tiến bộ kỹ thuật. Thời gian kết thúc gieo cấy trước ngày 5/6 để đảm bảo thu hoạch trước ngày 30/8, chậm nhất đến ngày 5/9 phải thu hoạch xong nhằm hạn chế tổn thất do bão, lũ cuối vụ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho biết, vụ hè thu năm nay toàn tỉnh dự kiến gieo cấy trên 22.300 ha lúa. Trên quan điểm gieo cấy càng sớm càng tốt, đảm bảo thu hoạch nhanh gọn trước mùa mưa lũ, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông báo số 1241/ TB-SNN ngày 19/4/2024 về thông báo lịch thời vụ và cơ cấu giống cây trồng vụ hè thu và thu đông năm 2024. Theo đó, những vùng ruộng chủ động nước tưới, nhất là các xã vùng trũng huyện Hải Lăng, Triệu Phong bố trí thời vụ gieo cấy sớm từ ngày 15/5, kết thúc chậm nhất đến ngày 30/5.

Đối với diện tích gieo sau ngày 25/5 phải gieo sạ các giống có thời gian sinh trưởng ngắn dưới 90 ngày như: HN6, An Sinh 1399, BĐR57, TBT cực ngắn... để đảm bảo thu hoạch trước ngày 30/8. Những vùng ruộng cao, ít bị ngập lũ, không chủ động nước tưới, lịch gieo sạ có thể bố trí muộn hơn nhưng phải đảm bảo thu hoạch chậm nhất đến ngày 5/9 để tránh ngập lụt khi mưa lũ xảy ra.

Tập trung sử dụng các giống lúa có phẩm cấp, ngắn ngày và cực ngắn, có chất lượng cao, phù hợp trên địa bàn tỉnh. “Căn cứ điều kiện thời tiết hiện nay, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân làm đất, gieo sạ đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng trong thời gian từ 3 - 7 ngày”, bà Phương lưu ý thêm.

Điều chỉnh thời gian mở nước

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến nay diện tích làm đất vụ hè thu đã đạt trên 15.000 ha, riêng huyện Hải Lăng đã gieo sạ được trên 1.500 ha. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho biết, theo khung lịch thời vụ, các địa phương cần tập trung gieo cấy lúa vụ hè thu từ ngày 15/5 - 30/5 để đảm bảo thu hoạch trước ngày 30/8.

Tuy nhiên, theo Kế hoạch số 90/KH-TN-KTh ngày 9/5 của Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị về kế hoạch mở nước tưới sản xuất vụ hè thu, trong đó có nhiều công trình mở nước tại cống đầu mối phục vụ sản xuất tại các địa phương từ ngày 20/5 như hệ thống Bảo Đài, La Ngà... Với lịch mở nước này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ làm đất, gieo cấy lúa tại các địa phương trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.

Theo bà Phương, để tổ chức sản xuất vụ hè thu thắng lợi trong bối cảnh dự báo nắng nóng, nhiệt độ cao gây khô hạn và lũ sớm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu Chi cục Thủy lợi, Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị khẩn trương làm việc lại với các địa phương để điều chỉnh kế hoạch mở nước từ các công trình thủy lợi cho phù hợp, đảm bảo để các địa phương tổ chức làm đất, gieo cấy hoàn thành trước ngày 30/5. Khai thác, sử dụng, tiết kiệm, an toàn và có hiệu quả nguồn nước từ các công trình thủy lợi.

Căn cứ tình hình sản xuất và diễn biến thời tiết để có phương án điều tiết nước tưới tiết kiệm, khoa học, đảm bảo nguồn nước tưới cho vụ hè thu, nhất là giai đoạn lúa làm đòng đến trổ. Tuyệt đối không ký hợp đồng tưới ở các vùng ruộng cảnh báo khô hạn, cần phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Về phía các địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị tiếp tục tranh thủ thời tiết thuận triển khai làm đất, gieo cấy vụ hè thu đảm bảo khung lịch thời vụ. Chỉ đạo các HTX, tổ hợp tác, tổ chức dùng nước làm việc với Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị điều chỉnh lại thời gian mở nước của các công trình thủy lợi phù hợp, đảm bảo có nước làm đất và gieo cấy đúng lịch thời vụ đã ban hành.

Chỉ đạo các địa phương tận dụng khi đất đang đủ ẩm, nguồn nước hồi quy ở các trục tiêu, ao hồ, sông suối để bơm phục vụ làm đất, gieo sạ, kết hợp tích trữ nguồn nước ở các hồ chứa để phục vụ tưới khi cần thiết; chủ động be bờ giữ nước trong ruộng trước lúc vào vụ sản xuất khi có mưa lớn, tích nước ở các bàu, ao, đầm, chủ động khoanh vùng đặt máy bơm dã chiến hỗ trợ khi cần thiết.

Áp dụng đồng bộ các giải pháp để tưới, tiêu nước tiết kiệm, khoa học đối với các diện tích lúa chủ động nước. Đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn khoa học kỹ thuật giúp nông dân áp dụng các biện pháp phù hợp cho từng đối tượng cây trồng; áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, IPHM, ICM, 1 phải 5 giảm..., các giải pháp sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chu-dong-trien-khai-san-xuat-lua-vu-he-thu-185570.htm