Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, tại tỉnh Sơn La xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiều đợt nắng nóng kéo dài, cùng với nhiều trận mưa lớn kèm theo gió lốc, mưa đá, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất... gây thiệt hại lớn đến đời sống và sản xuất. Chủ động ứng phó, các cấp, các ngành toàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm giảm thiểu tác động xấu của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân.

Nhân viên Trạm khí tượng khu vực Phù Yên thu thập dữ liệu thời tiết.

Nhân viên Trạm khí tượng khu vực Phù Yên thu thập dữ liệu thời tiết.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của thiên tai, đã làm 1 người chết, 6 người bị thương; 708 ngôi nhà bị ảnh hưởng; 120 ha cà phê chịu ảnh hưởng của sương muối; mưa lũ cũng cuốn trôi, hư hỏng một số công trình thủy lợi, hệ thống điện, đường giao thông...

Ông Trần Dũng Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, cho biết: Tỉnh đã lập bản đồ các khu vực có nguy cơ ngập nước, sạt lở, lũ quét... Tiến hành điều chỉnh các quy hoạch đô thị, khu dân cư nông thôn và hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, rà soát hệ thống tiêu thoát nước đô thị kết hợp với hệ thống công trình thủy lợi và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác, đảm bảo việc phân vùng, thoát lũ, chống ngập úng đô thị và chống trượt, sạt lở đất...

Các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng đề án, kế hoạch triển khai thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, lồng ghép đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, bảo vệ tốt hơn 672 nghìn ha rừng hiện còn. Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5/6; Tuần lễ quốc gia vệ sinh môi trường và nước sạch nông thôn; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai; Ngày khí tượng thế giới...

Hằng năm, các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thời tiết, duy trì trực 24/24 giờ, kịp thời chỉ đạo khắc phục, xử lý trong mọi tình huống. Tăng cường hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện cho cấp xã và các đơn vị chức năng, nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu nạn trước biến đổi khí hậu. Trong năm 2024, tỉnh ta đã rà soát, báo cáo hiện trạng an toàn 86 hồ chứa và 132 đập dâng thủy lợi; 49 hồ chứa thủy điện nhỏ; tu bổ 6.374 m kè chống sạt lở bờ suối, bảo vệ khu dân cư; đầu tư xây dựng mới 5.367 m kênh thoát lũ; đầu tư xây dựng 2 hầm thoát lũ chống ngập úng bản Giáng, bản Phiêng Nghè, xã Chiềng Đen cũ (nay thuộc phường Chiềng An); 12 cầu treo và cầu bản qua suối đảm bảo an toàn giao thông...

Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các ngành, các địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra kịp thời phát hiện các dự án, công trình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường quản lý chất thải nguy hại; kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, giải quyết kịp thời tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Giám sát, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước...

Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Tổ công tác giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước đối với 5 cơ sở cà phê, 3 cơ sở chế biến tinh bột sắn, mía đường. Thành lập các đoàn giám sát, đánh giá hiện trạng các công trình xử lý chất thải, nước thải, việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước của các cơ sở chế biến nông sản. Hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn, giúp nông dân chủ động trong sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu. Các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt việc dự tính, dự báo về thời tiết để nông dân triển khai thời vụ sản xuất phù hợp, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai.

Chủ động ứng phó, hạn chế những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và mọi người dân để xây dựng môi trường sống, đảm bảo kinh tế, xã hội của địa phương phát triển bền vững.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/chu-dong-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-MWE3yXyNg.html