Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Ngày 10/7, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: 'Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc'.

Hội thảo thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn học nghệ thuật.

Hội thảo thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn học nghệ thuật.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo nhà nghiên cứu, nhà lý luận, nhà văn, nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa, nghệ thuật trên cả nước.

Với tinh thần đối thoại học thuật cởi mở, đa chiều và trách nhiệm, có khoảng 15 tham luận, ý kiến được trao đổi tại hội thảo, mở ra diễn đàn quan trọng để cùng nhìn lại những chặng đường đã qua, nhận diện thách thức hiện tại, và kiến tạo những định hướng phát triển mang tính chiến lược cho văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu rộng và phát triển mạnh mẽ của đất nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách , nhấn mạnh: Với những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được trong 40 năm đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, đến thời điểm Đại hội XIV của Đảng được tổ chức vào đầu năm 2026, đất nước ta đã hội đủ các điều kiện cần thiết để bước vào "kỷ nguyên mới - của dân tộc".

Thông điệp quan trọng này của Đảng được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đã truyền cảm hứng và niềm tin mãnh liệt đến toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Theo Tổng Bí thư, kỷ nguyên vươn mình là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại.

Cùng với những đổi mới và chuyển động quyết liệt, mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, sự phát triển của văn học, nghệ thuật có vai trò to lớn trong việc khơi dậy cảm hứng và ý chí tự lực tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đặc biệt là phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam khi bước vào kỷ nguyên mới, đưa đất nước đi tới hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

 PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo.

Từ những vấn đề lớn đã nêu ở trên, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học, coi đây là một diễn đàn học thuật dân chủ, sáng tạo, trách nhiệm, hữu ích của các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa, văn nghệ nhằm trao đổi, hiến kế, đưa ra những định hướng đúng đắn, khoa học, giàu tính lý luận và thực tiễn, giàu tinh thần khai phóng, từ đó góp phần tháo gỡ những “điểm nghẽn” về nhận thức, tư duy, cơ chế, chính sách, mở ra hệ sinh thái sáng tạo rộng mở, phát huy cao độ trách nhiệm của các cơ quan văn hóa, văn nghệ và tài năng của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà trước con đường tươi sáng của dân tộc.

Hội thảo tập trung thảo luận 5 nhóm vấn đề cơ bản, gồm: Tăng cường nhận thức về vai trò quan trọng của văn học, nghệ thuật trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước; phát triển một nền văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại, khoa học, nhân văn, giàu bản sắc dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chăm lo phát triển đội ngũ, xây dựng môi trường thuận lợi nhằm phát huy cao nhất tài năng của nghệ sĩ; phát triển thị trường văn học, nghệ thuật; xây dựng công nghiệp văn hóa và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sáng tạo và phổ biến văn học, nghệ thuật; coi trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn học, nghệ thuật dân tộc đồng thời với việc mở rộng hội nhập và đối thoại văn hóa quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, nhận định: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thực sự là một bước ngoặt to lớn trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Đó là kỷ nguyên tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Để tạo nên sự phát triển mang tính đột phá, chúng ta phải nhanh chóng đổi mới quyết liệt, toàn diện về tư duy và nhận thức, hình thành hệ sinh thái sáng tạo văn học, nghệ thuật nhằm khơi thức khát vọng sáng tạo của nghệ sĩ, đẩy mạnh phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện thể chế, mở rộng giao lưu văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, sử dụng công nghệ và hiệu quả.

 PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp chia sẻ tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp chia sẻ tại hội thảo.

Xét đến cùng, tài năng và bản lĩnh của nghệ sĩ vẫn là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự phồn vinh của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời đại mới. Hơn lúc nào hết, đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta phải nhận thức một cách sâu sắc đó vừa là trách nhiệm lớn lao nhưng cũng là sứ mệnh cao cả, từ đó, biết vượt lên mọi khó khăn, thách thức để sáng tạo nên nhiều nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, góp phần nâng cao vị thế của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Về định hướng phát triển điện ảnh trong dòng chảy văn học, nghệ thuật, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Phó Trưởng Tiểu ban Lý luận, phê bình, văn học nghệ thuật, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đặt vấn đề: Điện ảnh Việt Nam đang đứng trước một thời cơ lớn để vươn mình trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn, góp phần xây dựng nền công nghiệp văn hóa quốc gia, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và bản sắc dân tộc ra thế giới. Kỷ nguyên vươn mình không chỉ là bước tiến về kinh tế- xã hội mà còn là sự chuyển mình về mặt nhận thức văn hóa, đòi hỏi điện ảnh phải bắt kịp xu hướng, đổi mới căn bản từ tư duy sáng tác đến cơ chế vận hành.

Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, các vấn đề cần tập trung, gồm: Xây dựng nền điện ảnh mang bản sắc Việt; phát triển công nghiệp điện ảnh hiện đại – gắn giá trị nghệ thuật với giá trị xã hội và thị trường; đầu tư vào nguồn nhân lực sáng tạo - đào tạo thế hệ làm phim mới; ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số trong điện ảnh; xây dựng thương hiệu điện ảnh quốc gia – định vị hình ảnh Việt Nam trên bản đồ điện ảnh thế giới; nghiên cứu trường hợp: Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng góp phần phát triển công nghiệp văn hóa trong Kỷ nguyên vươn mình.

 Các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi.

Các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi.

PGS.TS Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh các giải pháp mang tính nhiệm vụ: Cần xác định sứ mệnh cao cả của văn nghệ sĩ và phát huy vai trò cá nhân sáng tạo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; cần không ngừng nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, tính độc đáo, tính dân tộc và tính hiện đại của văn học nghệ thuật Việt Nam trong hội nhập quốc tế với bản sắc riêng của dân tộc.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách văn hóa phù hợp để kích cầu phát triển văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới; công chúng văn hóa cũng cần được giáo dục (thẩm mỹ); đối với công tác lãnh đạo, quản lý các Hội Văn học nghệ thuật trong tình hình mới cần được sát sao và cụ thể theo từng vùng, miền; tăng cường liên kết, quản lý hoạt động các Hội thông qua công nghệ số, mạng truyền thông trực tuyến đến từng cơ sở.

Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” hội tụ trí tuệ của những nhà lý luận, nhà văn hóa, nghệ sĩ, đồng thời gợi lên những suy tư, phản biện và kiến tạo chiến lược dài hơi về văn học, nghệ thuật trong thời đại mới.

Những vấn đề được đặt ra, từ bản sắc đến hội nhập, từ truyền thống đến đổi mới tư duy, đều gợi mở con đường để văn học, nghệ thuật Việt Nam không chỉ đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc phát triển và hội nhập, mà còn góp phần khẳng định bản lĩnh, tâm hồn, khát vọng của một dân tộc đang vươn mình mạnh mẽ trên bản đồ thế giới.

MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dinh-huong-phat-trien-van-hoc-nghe-thuat-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-post892739.html