Chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại trong FTA

Việt Nam đã đàm phán và ký kết thành công nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại song phương và đa phương, trong đó đã ký kết và thực thi 16 FTA và đang trong quá trình đàm phán khởi động thêm 3 FTA.

Thủy sản là một trong những mặt hàng có nguy cơ phòng vệ thương mại cao tại nhiều quốc gia. Ảnh: Minh Hằng

Việc tham gia nhiều FTA, đặc biệt là với nhiều đối tác lớn trên thế giới là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, các DN cũng đang trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) của các đối tác.

Theo Bộ Công Thương, các vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt, năm 2022 tình hình biến động địa chính trị trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gây tác động trực tiếp tới các hoạt động về PVTM. Nếu trước đây hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thì nay những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện. Chủng loại hàng hóa bị khởi kiện cũng đa dạng hơn từ hàng nông, thủy sản, thép, gỗ... mở rộng ra những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, giấy bọc thuốc lá, ghim dập...

Theo thống kê từ Phòng xử lý PVTM nước ngoài, Cục PVTM, Bộ Công Thương, xu hướng điều tra PVTM đối với Việt Nam ngày càng gia tăng. Nếu như giai đoạn 2001-2011 là 50 vụ thì từ năm 2012-2022 là 172 vụ, tăng gấp 3,5 lần. Hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra PVTM đối với Việt Nam, đặc biệt là Hoa Kỳ. Ngoài ra, số vụ việc do các nước ASEAN, Mê-xi-cô cũng bắt đầu điều tra do việc thực thi các FTA dẫn đến xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, cạnh tranh với ngành sản xuất nội địa của các nước nhập khẩu. Xu hướng điều tra cũng khắt khe hơn với việc yêu cầu cao hơn đối với Chính phủ, DN bị điều tra như thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn, thay đổi tiền lệ trong việc xác định xuất xứ... Phạm vi điều tra cũng ngày càng mở rộng bao gồm cả các nội dung mới như điều tra, xem xét phạm vi sản phẩm, điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, điều tra định giá thấp tiền tệ trong khuôn khổ điều tra chống trợ cấp... Cùng với đó, mức thuế PVTM có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường.

Tại hội nghị tuyên truyền, phổ biến thông tin về PVTM trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới do Ban Chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa phối hợp tổ chức mới đây, đại diện Ban Chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã khuyến nghị một số tác động tiêu cực khi bị áp dụng biện pháp PVTM, đặc biệt là nếu hàng hóa xuất khẩu của DN bị áp dụng thuế PVTM ở mức cao sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, dẫn đến mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu. Các vụ khởi xướng điều tra có thể bắt đầu với bị đơn là một hoặc một vài DN nhưng nguy cơ sẽ ảnh hưởng và thiệt hại diện rộng cho cả ngành hàng.

Vận chuyển đá trắng xuất khẩu tại Cảng PTSC Thanh Hóa.

Cùng với đó, một số giải pháp ứng phó đối với DN Thanh Hóa cũng được gợi mở như: Cần nắm bắt thông tin về đối tác nhập khẩu và chính sách PVTM của thị trường nhập khẩu bao gồm quy định pháp luật về điều tra, thuế, các cơ quan có thẩm quyền, luật sư - tư vấn chuyên về PVTM tại các nước nhập khẩu và Việt Nam; hoàn thiện hệ thống quản lý, kế toán theo chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều tra PVTM; thiết lập hệ thống lưu trữ số liệu khoa học, thuận lợi cho quá trình điều tra phục vụ cho trả lời câu hỏi, thẩm tra tại chỗ.

Thanh Hóa hiện có 189 DN xuất khẩu đến 53 thị trường với 55 chủng loại hàng hóa. Mặc dù gặp khó khăn do dịch bệnh và suy thoái kinh tế nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vẫn duy trì khoảng 5 đến 5,4 tỷ USD trong vài năm trở lại đây. Cùng với đó, theo nhận định của các hiệp hội, ngành hàng, tỉnh Thanh Hóa còn hàng trăm sản phẩm nông sản hiện đã có đầy đủ chứng nhận, tiêu chuẩn xuất khẩu là cơ hội để kim ngạch và quy mô thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, nhận thức, kiến thức về việc chủ động PVTM trong số đông các DN tham gia hoạt động xuất khẩu chưa cao, ngoại trừ một số DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN là thành viên của những tập đoàn lớn, có hệ thống quản trị bài bản.

Được biết, để hỗ trợ các DN chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 1/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM. Mục tiêu của đề án nhằm cảnh báo trước những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị nước ngoài điều tra PVTM nhằm giúp các DN có sự chuẩn bị trước, đồng thời giúp các cơ quan chức năng thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN có trọng tâm, trọng điểm.

Tuy nhiên, các DN cần chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin chuyên môn từ các cơ quan chức năng như Cục PVTM (Bộ Công Thương); theo dõi, nghiên cứu, đề xuất lên các cơ quan có thẩm quyền về những ưu và nhược điểm về lĩnh vực xuất khẩu để nhận được định hướng tư vấn từ cơ quan chức năng, giảm thiểu khả năng gặp phải PVTM. Cùng với đó, DN cần tăng cường đổi mới, đa dạng hóa, tiến bộ hóa chất lượng mẫu mã ngành hàng xuất khẩu; chuẩn bị nguồn nhân lực của DN có hiểu biết liên quan tới PVTM và hệ thống quản trị liên quan để chủ động ứng phó các tình huống có thể xảy ra trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hoi-nhap-quoc-te/chu-dong-ung-pho-voi-phong-ve-thuong-mai-trong-fta/203605.htm