'Chữ ký khô' trên bằng tốt nghiệp không ảnh hưởng đến quyền lợi của sinh viên

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội dùng 'chữ ký khô' trên bằng tốt nghiệp của sinh viên không ảnh hưởng đến quyền lợi của người học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1/6.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1/6.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 (chiều 1/6), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi về việc văn bản bằng tốt nghiệp của sinh viên có “chữ ký khô” của Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Đây là trường đặc biệt, thầy hiệu trưởng tuổi đã rất cao.

Bộ GD&ĐT cũng xem xét kỹ các quy định của pháp luật. “Chúng tôi quan niệm: Thứ nhất, bằng tốt nghiệp phải bảo đảm chất lượng và quan trọng nhất người tốt nghiệp phải có chất lượng. Thứ hai, việc đó không ảnh hưởng đến quyền lợi người học” – Thứ trưởng trao đổi.

Theo Thứ trưởng, bằng tốt nghiệp là chứng nhận cuối cùng quá trình học tập của người học khi đạt yêu cầu. Việc kiểm soát chất lượng, tính hợp pháp của văn bằng, thì không chỉ xem trên văn bằng, mà cần xác định trên sổ cấp văn bằng chứng chỉ, dựa trên quyết định cấp bằng của trường.

Trước mắt, điều này không ảnh hưởng đến quyền lợi của người học. Những người tốt nghiệp từ Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn sử dụng bằng như bình thường.

Bởi khi xác minh, các trường đại học hay cơ quan tuyển dụng không chỉ nhìn trên văn bằng, mà còn xem xét, đánh giá năng lực của sinh viên đó có thực sự được tuyển sinh đào tạo và có đủ điều kiện cấp bằng hay không.

Sinh viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong ngày khai giảng năm học 2023 - 2024.

Sinh viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong ngày khai giảng năm học 2023 - 2024.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng thông tin, trước đây có 19 trường đại học dân lập. Hiện, 18 trường được chuyển thành trường đại học tư thục theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Còn lại duy nhất là Trường ĐH Dân lập Phương Đông chưa hoàn thành chuyển đổi sang tư thục. Tuy nhiên, trường này đã nộp hồ sơ về Bộ GD&ĐT. Bộ đã rà soát và yêu cầu trường hoàn thiện một số nội dung.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ GD&ĐT ban hành nhiều văn bản đôn đốc các trường. Khi đã có quyết định chuyển từ dân lập sang tư thục, Bộ tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, đặc biệt là việc thành lập hội đồng trường theo quy định của pháp luật.

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có quyết định chuyển từ dân lập sang tư thục từ năm 2019. Tuy nhiên, vấn đề của trường là chưa thành lập hội đồng trường.

“Thực chất trách nhiệm thành lập hội đồng trường là của các nhà đầu tư” – Thứ trưởng thông tin và cho biết, Bộ GD&ĐT chỉ quản lý về công tác đào tạo, còn về mặt tổ chức bộ máy, tài chính, tài sản của trường không thuộc Bộ quản lý.

Bộ GD&ĐT nhiều lần đôn đốc nhắc nhở, làm việc với đại diện các bên liên quan và hướng dẫn Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề chủ yếu liên quan đến dân sự, lợi ích giữa các nhà đầu tư nên chưa họp để thống nhất bầu ra hội đồng trường.

Liên quan đến công tác tuyển sinh, đào tạo, Thứ trưởng cho biết, từ năm 2020 đến nay, Bộ GD&ĐT đã tiến hành 1 lần thanh tra và 4 lần kiểm tra công tác hoạt động đào tạo tuyển sinh của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Qua đó phát hiện hai sai phạm của trường về đào tạo liên thông và tuyển sinh vượt số lượng theo quy định. Bộ GD&ĐT đã có xử phạt hành chính.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chu-ky-kho-tren-bang-tot-nghiep-khong-anh-huong-den-quyen-loi-cua-sinh-vien-post685765.html