Chủ nghĩa bảo hộ môi trường và hậu quả với các nước nghèo
Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng thuế carbon tại biên giới, một biện pháp nhằm ngăn chặn việc di dời các công ty gây ô nhiễm sang các quốc gia khác, nơi các quy định về môi trường ít nghiêm ngặt hơn.
Bắt đầu từ tháng 10/2023, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng thuế carbon tại biên giới, một biện pháp nhằm ngăn chặn việc di dời các công ty gây ô nhiễm sang các quốc gia khác, nơi các quy định về môi trường ít nghiêm ngặt hơn. Nhận định về tác động của quyết định này, nhật báo Le Monde cho biết nhiều nhà xuất khẩu ở các nước nghèo đang rất lo ngại khi thời điểm cuối năm đang đến gần.
Từ tháng 10/2023, EU sẽ đưa vào áp dụng từng phần thuế carbon tại biên giới, được gọi là “cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới”. Điều này sẽ buộc các doanh nghiệp châu Âu phải khai báo hàm lượng carbon trong các sản phẩm nhập khẩu. Ban đầu quy định này sẽ áp dụng trong một số ngành như thép, xi măng hoặc nhôm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ phải mua tín chỉ carbon, được cho là để bù đắp cho lượng phát thải carbon được tạo ra trong quá trình sản xuất ở nơi khác.
Đây là một biện pháp nhằm ngăn chặn việc di dời các công ty gây ô nhiễm sang các quốc gia, nơi các quy định về môi trường ít nghiêm ngặt hơn. Theo nghiên cứu của ông David Luke, Giáo sư tại Trường Kinh tế London, thuế carbon này có thể khiến xuất khẩu của châu Phi sang châu Âu giảm 5,7% và GDP của họ sẽ giảm 0,91%, tương đương 16 tỷ USD (khoảng 14,6 tỷ euro).
Việc đánh thuế phát thải carbon đang dẫn đến sự tái cấu trúc hoạt động thương mại toàn cầu dựa trên lợi thế so sánh mới là sản xuất với lượng phát thải thấp. Nếu thuế carbon được áp dụng đồng đều trên toàn cầu, điều này sẽ thuận lợi cho các nước ở phía Bắc như Đức, Nhật Bản, Phần Lan, Mỹ, là các nhà sản xuất lớn trên thế giới và có mức độ phát thải carbon thấp.
Mức thuế này sẽ gây thiệt hại cho các nước ở phía Nam như Campuchia, Peru và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), nơi tỷ lệ lượng phát thải khí ở mức cao. Đó là nhận xét mà bà Mathilde Le Moigne, Giáo sư Đại học Zurich, đã đưa ra trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 với tựa đề "Mua sản phẩm xanh thay cho sản phẩm địa phương: Thương mại quốc tế có thể giúp cứu hành tinh của chúng ta thế nào".
Lợi thế so sánh
Tuy nhiên, vị trí địa lý của nhiều quốc gia được gọi là "phía Nam Bán cầu", nơi có nhiều ánh nắng Mặt Trời, có thể trở thành một lợi thế so sánh. Nhà kinh tế trưởng Beata Javorcik tại Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu (EBRD) giải thích: "Ngày nay, rất khó để vận chuyển năng lượng tái tạo, ví dụ từ Bắc Phi đến châu Âu, nhưng nếu hoạt động sản xuất thép diễn ra ở đó nhờ các trung tâm năng lượng Mặt Trời khổng lồ được lắp đặt tại đó, thì năng lượng tái tạo sẽ trở thành một lợi thế so sánh. Để thực hiện điều này, các nước giàu phải giúp đỡ các nước nghèo sản xuất năng lượng tái tạo".
Theo đánh giá của nhà kinh tế học Arvind Subramaniam trong một bài báo gần đây đăng trên tạp chí Project Syndicate, so với cách tiếp cận của châu Âu, chính sách của Mỹ về chuyển đổi năng lượng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nước có thu nhập thấp.
Vào mùa Hè năm 2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), trong đó cung cấp khoản đầu tư khoảng 370 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, vận tải, tiết kiệm năng lượng và công nghệ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, kèm điều kiện một phần của số tiền đầu tư này sẽ được cấp cho các công ty và dự án nội địa.
Bằng cách khuyến khích đổi mới công nghệ và thúc đẩy quy mô kinh tế, IRA có thể hạ giá năng lượng và tạo điều kiện triển khai ở các nước đang phát triển, ông Subramaniam giải thích. Nếu năng lượng không có carbon trở nên rẻ hơn, điều này sẽ giúp giảm chi tiêu công ở các nước nghèo này, vì hiện nay họ đang phải trợ cấp cho việc mua nhiên liệu.
Quan điểm này vẫn gây tranh cãi và chưa có sự đồng thuận, đặc biệt là giữa các quốc gia đang phát triển. Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ, Raj Kumar Singh, mới đây đã cho rằng các chương trình trợ cấp của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang hạn chế các nỗ lực chống biến đổi khí hậu bằng cách ủng hộ những người theo chủ nghĩa bảo hộ.
Sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ môi trường này, cho dù dưới hình thức tăng trợ cấp hay đánh thuế carbon ở biên giới, đều phản ánh sự kết thúc của toàn cầu hóa, một quá trình được thúc đẩy bởi sự gia tăng giao dịch thương mại và giúp giảm nghèo đói trong các nước đang phát triển mặc dù không giảm bớt bất bình đẳng.
Tình hình mới
Trong tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bày tỏ lo ngại về sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu, vốn bị chia rẽ bởi những rạn nứt địa chính trị.
IMF nhận định trong dự báo hồi tháng 4/2023: trong 10 năm qua, tỷ lệ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa các quốc gia cùng định hướng địa chính trị đã không ngừng tăng và việc leo thang căng thẳng chính trị có thể dẫn đến sự tái cấu trúc các dòng vốn trên toàn cầu, đặc biệt có tác động đáng kể tới các nước đang phát triển.
Trong bối cảnh mới này, tính linh hoạt và khả năng thích ứng của chuỗi giá trị được ưu tiên hơn là giảm thiểu chi phí và tối ưu hiệu suất. Điều này khiến các nước đang phát triển bị hất ra ngoài, do khó đáp ứng được yêu cầu mới và thiếu năng lực cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh quốc tế ngày càng phức tạp.
"Khi một quốc gia nghèo giao thương với một quốc gia phát triển, quốc gia phát triển cần đầu tư vào việc hiện đại hóa bộ máy sản xuất của quốc gia nghèo, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn hơn hoặc nâng cao năng lực sản xuất", chuyên gia Beata Javorcik nhấn mạnh.
Biện pháp bảo hộ môi trường cũng góp phần làm suy yếu cơ chế hợp tác đa phương giữa các quốc gia, vốn dựa trên các quy tắc chung và giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế quốc tế. Và theo nhận định của ông Ralph Ossa, nhà kinh tế trưởng tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại thế giới dựa trên các quy tắc đang bị đe dọa thay thế bởi thương mại thế giới dựa trên sức mạnh và quyền lực, trong đó các quốc gia nhỏ sẽ là bên thua cuộc./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chu-nghia-bao-ho-moi-truong-va-hau-qua-voi-cac-nuoc-ngheo/298306.html