Chư Prông bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng

Những năm qua, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng của cộng đồng người Jrai. Đến nay, toàn huyện có 60 đội cồng chiêng với 1.829 thành viên.

Hơn 1 tuần nay, vào các buổi tối, tất cả các thành viên 2 đội cồng chiêng người lớn và cồng chiêng “nhí” ở làng Iắt (xã Ia Boòng) tập trung về nhà sinh hoạt cộng đồng để tập luyện. Dưới sự hướng dẫn của ông Rơ Mah Bum và ông Kpuih Lô, mọi người phối hợp tập luyện ăn ý, nhịp nhàng.

 Người dân làng Iắt (xã Ia Boòng) góp tiền mua bộ cồng chiêng trị giá 35 triệu đồng để phục vụ tập luyện và biểu diễn. Ảnh: H.T

Người dân làng Iắt (xã Ia Boòng) góp tiền mua bộ cồng chiêng trị giá 35 triệu đồng để phục vụ tập luyện và biểu diễn. Ảnh: H.T

Ông Kpuih Lô phấn khởi cho biết: Các thành viên ai cũng tâm huyết với việc gìn giữ văn hóa cồng chiêng nên rất tích cực tham gia tập luyện. Vì thế, đội cồng chiêng người lớn đạt nhiều giải cao tại các hội thi, chương trình liên hoan văn hóa, văn nghệ do các cấp, ngành tổ chức. Đội cồng chiêng “nhí” thường xuyên biểu diễn tại các lễ hội của làng nên ngày càng tiến bộ.

Trực tiếp huy động người dân tham gia các buổi tập luyện, ông Rơ Mah Men-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Iắt-cho biết: Cồng chiêng là nét văn hóa đặc sắc của người Jrai. Vì thế, nhiều năm qua, người dân trong làng luôn có ý thức gìn giữ. Ngoài tích cực tập luyện cồng chiêng, người dân cũng gìn giữ các bộ cồng chiêng quý. Năm 2018, bà con còn đóng góp 35 triệu đồng để mua thêm 1 bộ cồng chiêng. Hiện làng có 3 bộ cồng chiêng. Hoạt động tập luyện, biểu diễn cồng chiêng được duy trì đều đặn vào cuối tuần.

Chị Phạm Thị Bích Ngọc-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Boòng-cho hay: Vào dịp Tết Nguyên đán hay ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, xã đều tổ chức chương trình văn hóa, văn nghệ để các đội giao lưu. Xã có 7 thôn, làng. Đến nay, 6 thôn, làng đã thành lập đội cồng chiêng.

 Các địa phương đã tranh thủ sự ủng hộ của các nghệ nhân để thành lập các đội cồng chiêng. Ảnh: Hồng Thương

Các địa phương đã tranh thủ sự ủng hộ của các nghệ nhân để thành lập các đội cồng chiêng. Ảnh: Hồng Thương

Ông Kpăh Thoắc-Chủ tịch UBND xã Ia Pia-thông tin: Nhiều năm qua, xã luôn tranh thủ sự ủng hộ của các nghệ nhân để duy trì hoạt động của các đội cồng chiêng. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Từ đó đã thành lập thêm được 2 đội cồng chiêng “nhí”.

“Xã có 7 thôn, làng, trong đó, 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số đều có đội cồng chiêng người lớn. Riêng cồng chiêng “nhí” thì xã có 3 đội. Hầu hết các đội đều duy trì biểu diễn trong các lễ hội của cộng đồng”-Chủ tịch UBND xã Ia Pia chia sẻ.

Trao đổi với P.V, ông Trần Quyết Thắng-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện-cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có việc duy trì hoạt động các đội cồng chiêng của người Jrai. Riêng từ năm 2018 đến nay, huyện đã tổ chức 19 lớp truyền dạy cồng chiêng.

Đồng thời, huyện tổ chức phục dựng nhiều lễ nghi truyền thống có sử dụng cồng chiêng của đồng bào Jrai và tổ chức các chương trình liên hoan, hội thi cồng chiêng để người dân được tham gia biểu diễn. Đặc biệt, nhiều địa phương trong huyện đã tranh thủ được sự ủng hộ của các nghệ nhân, người có uy tín để vận động thành lập các đội cồng chiêng và tổ chức tốt hoạt động liên hoan, biểu diễn cồng chiêng, xoang.

Huyện Chư Prông hiện có 60 đội cồng chiêng với 1.829 thành viên. Trong số này có 4 nghệ nhân có khả năng truyền dạy trình diễn cồng chiêng, chỉnh chiêng; 233 người biểu diễn giỏi. Toàn huyện có 372 bộ cồng chiêng với 6.762 chiếc (gồm 2.531 chiếc chiêng bằng, 4.231 chiếc chiêng núm).

“Thời gian tới, huyện tiếp tục tổ chức các liên hoan trình diễn cồng chiêng, sinh hoạt cộng đồng tại cơ sở. Đồng thời, triển khai các dự án bảo tồn di sản văn hóa và hướng dẫn, khuyến khích người dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, thể thao truyền thống của địa phương cũng như đề xuất công nhận nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có văn hóa cồng chiêng”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện nhấn mạnh.

HỒNG THƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chu-prong-bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-cong-chieng-post308490.html