Chủ quan với thận ứ nước, bé gái nguy kịch vì khối nước 80cm trong ổ bụng
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận và điều trị thành công cho một bệnh nhi nữ X.Y.X đến từ tỉnh Khánh Hòa, mắc bệnh thận ứ nước từ trong bào thai. Trường hợp này đặc biệt đáng chú ý do sự chủ quan của phụ huynh, dẫn đến tình trạng khối nước phát triển khổng lồ, gây giảm chức năng thận và đe dọa tính mạng của trẻ.
Ths.BS Phan Lê Minh Tiến, khoa Thận - Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, khi nhập viện, bé X có bụng rất to, ăn uống kém, mệt mỏi và thở khó khăn. Kết quả siêu âm cho thấy một khối nước khổng lồ chiếm toàn bộ ổ bụng, với đường kính lên đến 80cm. Bác sĩ kết luận bé mắc thận ứ nước khổng lồ, nghi ngờ do hẹp khúc nối bể thận - niệu quản bẩm sinh.
Ths.BS Lê Nguyễn Yên - Phó khoa Thận - Niệu và là phẫu thuật viên chính chia sẻ, ca phẫu thuật kéo dài gần hai giờ, ekip phẫu thuật đã chuyển lưu 1,5 lít nước tiểu ra da và cắt bỏ đoạn hẹp bẩm sinh giữa thận và niệu quản. Sau phẫu thuật, tình trạng của bé X đã cải thiện đáng kể.
BS.CKII Phan Tấn Đức - Trưởng khoa Thận - Niệu, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thăm khám thận cho trẻ ngay sau sinh, đặc biệt khi siêu âm tiền sản đã phát hiện dấu hiệu bất thường. Ông cảnh báo rằng một quả thận bị bệnh có thể gây quá tải cho quả thận còn lại.
TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hàng năm bệnh viện tiếp nhận và điều trị khoảng hơn 100 trường hợp mắc bệnh thận ứ nước.
Ứ nước thận gây áp lực lên thận làm ảnh hưởng đến khả năng lọc và loại bỏ chất thải của thận lâu dài. Điều này có thể làm suy giảm chức năng thận và ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.
Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng do các bất thường bẩm sinh như hẹp đoạn nối của thận vào niệu quản. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến của ứ nước thận ở trẻ em. Vì vậy, BS Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh, việc phát hiện sớm và giải quyết tắc nghẽn là giải pháp duy nhất nhằm bảo tồn chức năng thận.
Về quá trình tầm soát và chẩn đoán, BS Phạm Ngọc Thạch khuyến nghị: thông qua siêu âm thai kỳ trước sinh có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của thận ở thai nhi. Nếu đường kính bể thận > 20mm, khả năng cao bé sẽ cần phẫu thuật sau sinh.
Sau sinh, phụ huynh nên đưa trẻ đến thăm khám tại chuyên khoa Thận - Tiết Niệu Nhi để được các chuyên gia tầm soát và theo dõi kịp thời.