Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính: Nghị quyết 68 là bước ngoặt về nhận thức và tư tưởng phát triển
Tôi thực sự rất phấn khởi và lạc quan. Nghị quyết 68 là một bước ngoặt về nhận thức và tư tưởng phát triển đất nước khi lần đầu tiên vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định một cách rõ ràng và dứt khoát.
LTS: Tuần Việt Nam lược ghi ý kiến của Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính xung quanh Nghị quyết 68.
“Tôi tin rằng, phần lớn các điểm nghẽn lâu nay sẽ được tháo gỡ”
Nghị quyết 68 đã xác định rõ vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân, xem doanh nghiệp tư nhân như những “chiến sĩ” trên mặt trận kinh tế. Đây là bước tiến mạnh mẽ trong tư duy phát triển. Trong bối cảnh mà trước đây doanh nghiệp tư nhân từng bị nhìn nhận với ánh mắt dè dặt, thì sự thẳng thắn ngày hôm nay là điều rất đáng hoan nghênh.
Nếu triển khai đầy đủ các nội dung trong Nghị quyết, tôi tin rằng phần lớn các điểm nghẽn lâu nay sẽ được tháo gỡ. Chúng ta sẽ có một khí thế mới, một tinh thần phát triển mới – từ Đảng, từ Nhà nước và từ chính cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tôi cũng muốn chia sẻ thực tế rằng việc thể chế hóa toàn bộ tinh thần của Nghị quyết sẽ cần nhiều thời gian. Thể chế không thể hoàn thiện chỉ trong ngày một, ngày hai. Dù vậy, vẫn có nhiều nội dung cốt lõi có thể giải quyết ngay và đó chính là điểm cần tập trung.
Tôi mong các doanh nhân dành thời gian nghiên cứu kỹ Nghị quyết, hiểu rõ tinh thần của nó, để từ đó chủ động tham gia góp ý và đồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn sắp tới. Quan trọng hơn, sau khi Nghị quyết đã được ban hành, chúng ta không nên mất thời gian bàn lùi rằng “nên thế này hay nên thế kia”, mà cần tập trung làm sao để triển khai hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Trung Chính: Doanh nghiệp và người dân không còn là những đối tượng thụ động, mà phải trở thành chủ thể kiến tạo thay đổi
Việc triển khai không chỉ là trách nhiệm của Đảng hay Chính phủ. Các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và tổ chức xã hội đều có thể tham gia đóng góp thiết thực vào quá trình này. Ví dụ, ngay từ giai đoạn xây dựng Nghị quyết trình Quốc hội, chúng ta hoàn toàn có thể tham gia góp ý và thực tế, dự thảo luôn được công khai lấy ý kiến. Đừng để lỡ giai đoạn này. Giai đoạn xây dựng luật, ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành là thời điểm then chốt.
Nghị quyết của Đảng là định hướng lớn, nhưng để triển khai được thì cần thông qua luật, chính sách của Quốc hội, và được thực thi qua các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành. Chính những văn bản này mới là yếu tố tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân.
Vì vậy, cá nhân tôi và đội ngũ của chúng tôi đang nỗ lực hết sức về thời gian và nguồn lực để theo sát tiến trình này. Chúng tôi cũng rất mong được quy tụ thêm trí tuệ, sự đồng hành của nhiều người để cùng nhau đóng góp vào việc xây dựng những chính sách thực thi cụ thể, khả thi và hiệu quả thực chất.
Thúc đẩy số hóa, công khai và minh bạch
Tôi chia sẻ một vài cập nhật liên quan đến chuyển đổi số và vai trò của Nghị quyết 68 trong việc thúc đẩy tính minh bạch trong hệ thống quản trị quốc gia.
Trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi số toàn diện các ngành, các cơ quan, tổ chức nhà nước với mục tiêu nâng cao tính công khai, minh bạch. Tất cả được thúc đẩy vận hành trong môi trường số, theo bốn cấp độ, hướng đến tỷ lệ số hóa đạt đến 99%.
Việc số hóa toàn bộ quy trình, dữ liệu và thông tin không chỉ là một mục tiêu kỹ thuật, mà còn là công cụ nền tảng để đảm bảo minh bạch trong quản trị từ đó, từng bước hạn chế cơ chế “xin – cho”, xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp và người dân. Đây cũng là tinh thần xuyên suốt của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đã triển khai trong những năm qua.
Lần đầu tiên trong Nghị quyết 68, những vấn đề then chốt mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đã được ghi nhận một cách đầy đủ. Điều này có ý nghĩa rất lớn. Từ đây, chúng ta có một “thước đo” để so sánh giữa chính sách ban hành và thực tế triển khai.
Nhờ vào công nghệ, việc rà soát, phân tích các văn bản pháp luật hiện hành theo tinh thần Nghị quyết 68 hoàn toàn có thể được thực hiện bằng máy. Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phát hiện mâu thuẫn, chồng lấn, trùng lặp hoặc thiếu sót, thậm chí đánh giá phạm vi và mức độ tác động một cách rõ ràng.
Từ góc độ công nghệ và cách tiếp cận thực tiễn, tinh thần của đội ngũ làm công nghệ rất chủ động, sẵn sàng tham gia trực tiếp vào quá trình triển khai. Chúng tôi xác định: Nếu trước đây chỉ dừng ở mức đề xuất hoặc góp ý chung, thì nay là lúc phải bắt tay vào làm thật.
Với tinh thần đó, tôi xin đại diện cho khối doanh nghiệp công nghệ, nhận trách nhiệm tập hợp tất cả những vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định pháp luật hiện hành mà doanh nghiệp trong các ngành đang gặp phải dù là trong lĩnh vực fintech, tài chính hay bất kỳ ngành nào. Chúng tôi mong các doanh nghiệp ghi nhận và phản ánh đầy đủ những vấn đề đang cản trở hoạt động đổi mới, sáng tạo và phát triển.
Tôi cam kết tất cả ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp, phân loại và phân tích nghiêm túc bởi đội ngũ chuyên gia độc lập – không chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ nhóm lợi ích nào.
Chúng tôi sẽ lựa chọn những vấn đề thực sự xác đáng và khả thi để đưa vào lộ trình hành động cụ thể, đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68.
Quá trình này không chỉ là góp ý, mà sẽ là một cơ chế phản hồi và cải thiện chính sách theo cách chủ động, có hệ thống. Đó cũng chính là cách chúng ta thúc đẩy thay đổi từ thực tiễn – bằng dữ liệu, bằng hành động, bằng tiếng nói của chính những người trong cuộc.
Kết nối với Nhân dân
Tôi đã đề xuất với Thủ tướng một sáng kiến cá nhân về việc thiết lập cơ chế kết nối chính thức với doanh nghiệp, hiệp hội và người dân để lấy ý kiến thực tế phục vụ việc thực thi Nghị quyết 68.
Cách tiếp cận của chúng tôi không đi theo lối mòn "xử lý từng vụ việc nhỏ lẻ", mà tận dụng công nghệ để thiết kế, củng cố quy trình góp ý, sàng lọc và phân tích chính sách một cách có hệ thống.
Tôi đã trao đổi với Tổng Biên tập VietNamNet về việc xây dựng một chuyên mục chính thức để tiếp nhận và truyền tải các ý kiến của doanh nghiệp, người dân về Nghị quyết 68.
Tôi cũng đề xuất rằng các hiệp hội nghề nghiệp cần đóng vai trò trung gian gắn bó hơn với hội viên, chủ động thu thập và tổng hợp các vướng mắc chính sách. Có vấn đề thì phải lên tiếng, có góp ý thì cần được ghi nhận. Đây chính là thời điểm để phát huy trí tuệ và vai trò đồng hành.
Về việc sửa đổi chính sách, chắc chắn không phải góp ý nào cũng được tiếp thu ngay. Chúng ta cần nhìn nhận một cách thực tế: Có những nội dung có thể giải quyết ngay; nhưng cũng có những vướng mắc cần thời gian, cần sửa luật.
Tôi muốn nhấn mạnh một điểm quan trọng: Doanh nghiệp và người dân không còn là những đối tượng thụ động, mà phải trở thành chủ thể kiến tạo thay đổi. Không thể trông chờ vào sự thay đổi đơn phương từ phía Nhà nước. Chính chúng ta – những người trong cuộc phải chủ động thúc đẩy quá trình này.
Điểm khác biệt lớn của Nghị quyết 68 so với các nghị quyết trước đây là gì? Trước kia, các nghị quyết thường đặt mục tiêu dài hạn 30–50 năm, không có thời hạn cụ thể. Còn nay, từ Nghị quyết 57, 66 đến 68, đã chuyển sang chu kỳ 5 năm – nghĩa là mục tiêu phải được kiểm điểm và điều chỉnh sau mỗi giai đoạn. Đây là bước tiến quan trọng, thể hiện cam kết chính trị và tính đo lường rõ ràng.
Tuy nhiên, điều này cũng tạo áp lực rất lớn cho các bộ, ngành. Vì giờ đây, không thể đặt mục tiêu rồi để đó, mà phải thực hiện, phải đo đếm được hiệu quả.
Việc triển khai nhiệm vụ không chỉ là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Các doanh nhân, các hiệp hội chính là những người trong cuộc. Những góp ý thực tiễn, chính xác và có đề xuất cụ thể sẽ là những đóng góp thiết thực và quý giá nhất lúc này.