Mỹ ráo riết nhập khẩu, giá cước vận chuyển có thể tăng đột biến

Các hãng vận chuyển đang tận dụng 90 ngày tạm dừng thuế quan để vận chuyển hàng hóa vào Mỹ. Tuy nhiên, chính điều này khiến chi phí chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt nguy cơ leo thang.

 Washington và Bắc Kinh cho biết hai bên đã thống nhất ngừng áp thuế trong 90 ngày. Ảnh: Reuters.

Washington và Bắc Kinh cho biết hai bên đã thống nhất ngừng áp thuế trong 90 ngày. Ảnh: Reuters.

CNBC dẫn nhận định của các chuyên gia logistics, cho rằng việc tạm dừng áp thuế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo ra tâm lý tích cực cho doanh nghiệp nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp đang ráo riết đẩy nhanh quá trình vận chuyển hàng hóa nhằm tránh nguy cơ thuế quan tăng trở lại sau 90 ngày.

"Nhiều khách hàng của tôi đã chất sẵn hàng nghìn container tại Trung Quốc, chỉ chờ nhập khẩu", ông Paul Brashier, Phó chủ tịch chuỗi cung ứng toàn cầu tại ITS Logistics, nhận định. Ông dự đoán trong 4-6 tuần tới, lượng container nhập khẩu vào Mỹ sẽ tăng đột biến.

Đẩy nhanh tốc độ vận chuyển hàng hóa để tránh thuế tăng trở lại

"Mức thuế 30% trong vòng 90 ngày sẽ giúp hàng hóa lưu thông trở lại", ông Bruce Kaminstein, thành viên của NY Angels, nhận xét. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng sự bất ổn trong chính sách thương mại của Mỹ vẫn là mối lo ngại lớn đối với các doanh nghiệp. "Họ đang bị bắt làm 'con tin' của một chính sách thất thường”, vị chuyên gia bình luận.

Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng nhu cầu vận chuyển sẽ tăng đột biến, do nhiều doanh nghiệp nhập khẩu muốn tăng tốc vận chuyển hàng hóa nhằm tránh nguy cơ thuế tăng trở lại vào tháng 8.

Chi phí của chúng tôi sẽ tăng gần 40%. Vì thế, chúng tôi phải tăng giá cho các lô hàng vào mùa thu

Ông Rick Muskat, Chủ tịch Deer Stags

Ông Rick Muskat, Chủ tịch của hãng giày dép Deer Stags, cho biết việc tạm dừng áp thuế sẽ giúp họ tiếp tục nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, nhưng giá cước container có khả năng tăng vọt do nhu cầu bị dồn nén.

"Chi phí của chúng tôi sẽ tăng gần 40%", ông Muskat chia sẻ. "Vì thế, chúng tôi phải tăng giá cho các lô hàng vào mùa thu".

Những lo ngại xoay quanh tương lai của các cuộc đàm phán thương mại cũng khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lo lắng.

"Phần lớn hàng hóa cho dịp lễ hội sẽ cần phải rời khỏi Trung Quốc vào tháng 8 và tháng 9. Các doanh nghiệp dự kiến nhập trước rất nhiều hàng tồn kho do không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra sau thời gian tạm dừng 90 ngày", ông Muskat nhận định.

Ông Muskat tiết lộ Deer Stags từng phải gánh chịu mức thuế 145% cho một lô hàng. Họ đã chuyển lô hàng này đến kho bảo thuế để chờ xem có được giảm thuế hay không. Chi phí lưu trữ bổ sung cho container này là hơn 10.000 USD.

"Bây giờ, chúng tôi sẽ phải vận chuyển lô hàng tồn kho đó đến trung tâm phân phối, và gánh chịu mọi chi phí liên quan mà không có lý do chính đáng nào cả!", ông Muskat chia sẻ.

Chi phí chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt nguy cơ leo thang

Theo các chuyên gia, mức thuế 30% hiện tại vẫn là một thách thức lớn đối với biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sản phẩm tiêu dùng, vốn thường dao động trong khoảng 40-50%.

Ông Alan Baer, CEO của công ty logistics OL USA, nhận định: "Đối với các nhà nhập khẩu nói chung, mức thuế 30% vẫn có thể gây khó khăn cho lợi nhuận tổng thể". Ông cũng lưu ý rằng sự gia tăng đột biến về khối lượng hàng hóa có thể tạo ra những rào cản khác về không gian vận chuyển và giá cả, đặc biệt khi số lượng chuyến tàu bị hủy đang gia tăng.

Dữ liệu từ Xeneta cho thấy tính đến ngày 20/4, công suất vận chuyển trên tuyến thương mại xuyên Thái Bình Dương từ Trung Quốc đến Bờ Tây nước Mỹ đã giảm 17% so với mức trung bình 4 tuần trước đó. Số lượng chuyến tàu bị hủy trong cùng kỳ đã tăng tới 86%.

Ông Bruce Kaminstein cho rằng các doanh nghiệp sẽ phải kết hợp giữa việc tăng giá bán, chấp nhận giảm một phần biên lợi nhuận và cắt giảm chi phí cố định để đối phó với tình hình này.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh những bất ổn hiện tại đang gây khó khăn lớn cho các chủ doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch và đưa ra quyết định dài hạn.

Ông Steve Lamar, Tổng giám đốc điều hành của Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ, cho rằng việc tạm dừng thuế quan là một tín hiệu tích cực, nhưng không ngăn được nguy cơ giá cả tăng cao. "Đáng buồn thay, mức thuế 30% còn lại (cộng thêm vào thuế hiện hành) vẫn sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ tốn kém hơn trong mùa tựu trường và lễ hội", ông Lamar chỉ ra.

Ông cũng cảnh báo rằng nếu giá cước vận chuyển tăng đột biến do tình trạng gián đoạn vận tải, doanh nghiệp có thể mất nhiều tháng để khắc phục và đẩy chi phí, giá cả lên cao hơn nữa.

Ông Matt Priest, Tổng giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ, cho biết một số sản phẩm giày trẻ em vẫn phải chịu mức thuế 97,5% ngay cả sau khi đã giảm thuế.

Hàng tồn kho cạn kiệt ở các ngành công nghiệp quan trọng

Ngoài lĩnh vực bán lẻ, các CEO trong nhiều ngành nghề cũng bày tỏ lo ngại về tác động của thuế quan. Ông Eric Byer, CEO Liên minh Phân phối Hóa chất Mỹ, cho biết chuỗi cung ứng hóa chất đã chịu thiệt hại không nhỏ. Việc bổ sung hàng tồn kho trong thời gian tạm dừng thuế quan sẽ diễn ra gấp rút, có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung cục bộ.

Ông Paul Brashier dự đoán mùa vận chuyển cao điểm năm nay sẽ bắt đầu sớm và kéo dài đến quý III, do có nhiều dự án xây dựng và sản xuất lớn được lên kế hoạch triển khai vào năm 2026, đòi hỏi các công ty phải đáp ứng thời hạn và chuẩn bị nguồn cung từ trước.

Bên cạnh đó, bất kỳ tiến triển nào liên quan đến chính sách thuế của chính quyền ông Trump và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất đều có thể thúc đẩy nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong năm 2026.

Ông Peter Sand, chuyên gia phân tích tại Xeneta, cảnh báo rằng sự gia tăng này có thể dẫn đến giá cước vận tải đường biển tăng đột biến, có khả năng lên tới 20% trong ngắn hạn trên tuyến đường từ Trung Quốc đến Bờ Tây nước Mỹ.

Ông Sand cho rằng các hãng vận chuyển sẽ tận dụng cơ hội 90 ngày tạm dừng thuế quan để vận chuyển càng nhiều hàng hóa càng tốt vào Mỹ, gây áp lực tăng giá cước.

Trên thực tế, các hãng tàu cũng đã cắt giảm năng lực vận chuyển trên tuyến Trung Quốc - Mỹ và chuyển hướng sang những tuyến đường khác. Điều này có thể mất nhiều thời gian để khôi phục, dẫn đến tình trạng giá cước tăng vọt trong ngắn hạn.

Ông Stephen Edwards, Tổng giám đốc điều hành Cảng Virginia, cho biết họ đã nghiên cứu và lên kế hoạch cho các kịch bản có thể dẫn đến sự gia tăng lượng container từ Trung Quốc, dựa trên kinh nghiệm từ thời kỳ dịch Covid-19 hay tắc nghẽn kênh đào Panama.

Ông Edwards nhấn mạnh điều quan trọng nhất đối với chuỗi cung ứng là sự ổn định và rõ ràng về chính sách. "Một khi chúng ta biết được 'sân chơi' là gì, chuỗi cung ứng sẽ rất linh hoạt. Đúng là có những bộ phận mất nhiều thời gian hơn để thích ứng, nhưng rất nhanh chóng, tất cả sẽ điều chỉnh được với môi trường mới", ông nói.

Ông Steve Lamar kết luận rằng điều cần thiết hiện nay là một thỏa thuận dài hạn, không chỉ với Trung Quốc mà còn với tất cả đối tác thương mại khác, để các doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định về thương mại, đầu tư và nguồn cung ứng dài hạn.

Huy Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/my-rao-riet-nhap-khau-gia-cuoc-van-chuyen-co-the-tang-dot-bien-post1553065.html