Chủ tịch COP28: Các quốc gia G20 cần thúc đẩy hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu
Chủ tịch COP28 kêu gọi các quốc gia G20 thúc đẩy hành động để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
G20 chiếm tới 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu
Ngày 28/7, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), ông Sultan Al Jaber, đã kêu gọi Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu.
Bởi nền kinh tế G20 chiếm tới 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, ông Al Jaber cho biết các quyết định của nhóm có thể có ảnh hưởng lớn đến kết quả nói chung. Vì vậy, ông kêu gọi các quốc gia G20 thúc đẩy hành động để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Chủ tịch COP28 cũng kêu gọi các nước đoàn kết và hợp tác nhằm tăng quy mô sử dụng năng lượng tái tạo, khử carbon toàn diện hệ thống năng lượng và xây dựng một hệ thống không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được tiến bộ về khả năng thích ứng, một phần quan trọng của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhắc lại sự cần thiết phải chú trọng tới các khoản chi hỗ trợ cho việc thích ứng, vốn hiện chỉ chiếm khoảng 10% trong số tiền được phân bổ cho các chương trình làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu.
Cần gấp rút hành động
Mới đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia gấp rút hành động chống biến đổi khí hậu, đồng thời đưa ra lời cảnh báo sau khi các nhà khoa học xác nhận ba tuần qua là thời gian nóng nhất từ trước tới nay. Ông nhấn mạnh "Khi các đám cháy rừng hoành hành khắp Nam Âu, Bắc Phi, các nhà khoa học khí hậu hàng đầu của Liên Hợp Quốc cho biết hầu như chắc chắn rằng tháng 7/2023 sẽ là tháng nóng nhất phá vỡ mọi kỷ lục".
"Biến đổi khí hậu là đây. Nó thật đáng sợ và đó mới chỉ là sự khởi đầu. Hậu quả của nó sẽ rất bi thảm với trẻ em, các gia đình mất nhà cửa trong đám cháy và người lao động phải làm việc trong cái nóng như thiêu đốt. Còn đối với toàn bộ hành tinh, đó là một thảm họa" - Ông Guterres bày tỏ lo ngại.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của châu Âu (C3S), nhiệt độ toàn cầu tháng 7 đã phá vỡ nhiều kỷ lục nắng nóng. Carlo Buontempo, Giám đốc C3S cho biết nhiệt độ trong tháng này cao tới mức các nhà khoa học tin rằng nó đã phá vỡ các kỷ lục từng được ghi nhận từ những năm 1940.
Những dữ liệu đại diện cho khí hậu như vòng gỗ và lõi băng cho thấy nhiệt độ trong giai đoạn này có thể là "chưa từng có trong lịch sử vài nghìn năm qua", thậm chí là khoảng 100.000 năm. Tháng nóng nhất trước đây từng được ghi nhận vào tháng 7/2019.
Trong phát biểu của mình, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh sự cần thiết của hành động toàn cầu về khí thải, thích ứng khí hậu và tài chính khí hậu. Ông Guterres cho hay mặc dù biến đổi khí hậu là hiển nhiên nhưng chúng ta vẫn có thể ngăn chặn điều tồi tệ nhất. Nhưng để làm được như vậy, chúng ta phải biến "một năm nóng bỏng thành một năm cháy bỏng tham vọng". Trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt đang trở thành "bình thường mới”, ông Guterres kêu gọi đầu tư thích ứng cần tăng mạnh trên toàn cầu để cứu hàng triệu người khỏi tác động của biến đổi khí hậu, nhất là ở các nước đang phát triển.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng thúc giục nhà lãnh đạo các nước phải đẩy mạnh hành động vì khí hậu và công bằng khí hậu, trong đó có vai trò rất lớn của các nước thuộc Nhóm G20. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc dự kiến tổ chức vào tháng 9 tới, Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các nước phát triển cam kết đạt mức trung hòa carbon sớm nhất vào năm 2040 và đối với các nền kinh tế mới nổi là năm 2050.