Chủ tịch HBC Lê Viết Hải tiết lộ thành công bước đầu trong xuất khẩu ngành xây dựng
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) cho rằng để nâng cao lợi nhuận, hướng đi tất yếu là phát triển ra thị trường nước ngoài. Ông Hải cũng tiết lộ thành công bước đầu của HBC trong xuất khẩu ngành xây dựng.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Ảnh: HBC
Đầu tư công được đẩy mạnh, khu công nghiệp được mở ra nhiều hơn và thị trường bất động sản hồi phục được cho là những động lực thúc đẩy giúp ngành xây dựng phát triển mạnh trong 2025.
Trong cuộc trò chuyện với VietTimes, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình Lê Viết Hải đã trải lòng về những cơ hội mới của doanh nghiệp xây dựng trong kỷ nguyên mới nói chung và Hòa Bình nói riêng.
Ngành xây dựng năm 2025 có nhiều tín hiệu tích cực
- Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của ngành xây dựng Việt Nam năm 2025?
- Không phải đợi tới năm 2025 mà ngay từ năm 2024, ngành xây dựng đã có sự phục hồi nhất định, nhờ các động lực như: làn sóng đầu tư công, thị trường bất động sản khởi sắc, du lịch trở lại… Đến năm 2025, sự phục hồi của ngành xây dựng càng rõ nét hơn, chắc chắn hơn.
Chúng ta thấy Chính phủ đang rất quyết tâm trong việc phát triển kinh tế, mở rộng đầu tư hạ tầng, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Bên cạnh đó, ngành du lịch tiếp tục phát triển mạnh. Những điều này đã mang lại cơ hội lớn về việc làm cho các doanh nghiệp xây dựng trong nước.
Có thể nói, cả 4 mảng của ngành xây dựng: nhà ở đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng, hạ tầng và công nghiệp đều có triển vọng tốt trong năm 2025. Không phải ngẫu nhiên một số tổ chức tư vấn quốc tế đánh giá ngành xây dựng trong năm 2025 có thể đạt gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng so với năm 2024.
- Hiện tại những chính sách thuế quan mới đang gây tác động tới sự phát triển của nền kinh tế nói chung, ngành xây dựng nói riêng. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?
- Tác động tiêu cực của "cuộc chiến thuế quan" là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, ở khía cạnh ngược lại, điều này cũng tạo ra lợi thế nhất định cho Việt Nam.
Việc Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ cho thấy rằng hàng hóa Việt Nam có sức cạnh tranh rất tốt, cả về khả năng sản xuất quy mô lớn, chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất Mỹ và giá cả hợp lý.
Mỹ có thể áp thuế cao, khiến hàng hóa Việt Nam vào Mỹ giảm sút, nhưng ngược lại, các nước khác sẽ đánh giá cao và nhập nhiều hàng hóa Việt Nam. Đó gọi là trong nguy có cơ. Vì thế, tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025 vẫn sẽ duy trì được mức tăng trưởng cao. Ngành xây dựng sẽ tiếp tục đà phục hồi.
- Về phía Hòa Bình, tập đoàn đã tranh thủ được những gì từ bối cảnh tốt của ngành xây dựng?
- Trong nửa đầu năm 2024, do các chỉ số tài chính chưa tốt, Hòa Bình rất khó tiếp cận các gói thầu lớn. Song, từ sau khi công bố báo cáo soát xét bán niên 2024 với sự cải thiện vượt bậc ở các chỉ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế… tập đoàn đã bắt đầu giành được các dự án lớn.
Từ tháng 8/2024 đến tháng 4/2025, chúng tôi đã trúng thầu tới 14 dự án với tổng giá trị trên 8.500 tỷ đồng, có thể kể đến như: Eaton Park (1.900 tỷ đồng), H2 Hoang Huy Commerce (1.500 tỷ đồng), NewTown Diamond (900 tỷ đồng)…
Năm nay, Hòa Bình đặt mục tiêu ký mới thêm hàng nghìn tỷ đồng, tạo nguồn việc ổn định cho năm nay và năm tiếp theo, bảo đảm hoàn thành mục tiêu kinh doanh đã đề ra.

Ngành xây dựng năm nay dự báo có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Hải Thu
Ra nước ngoài để cải thiện biên lợi nhuận
- Có một thực tế là biên lợi nhuận của ngành xây dựng Việt Nam rất thấp. Tới nay, khi nguồn việc đã nhiều hơn, tình trạng này đã được cải thiện chưa?
- Cạnh tranh trong ngành xây dựng Việt Nam vẫn rất khốc liệt do nguồn việc vẫn chưa ở mức "bùng nổ" trong khi số lượng nhà thầu lại rất lớn.
Từ 7–8 năm trước, báo cáo của Bộ Xây dựng đã ghi nhận con số "giật mình" về số lượng kĩ sư xây dựng của Việt Nam, đạt khoảng 9.000 kĩ sư/1 triệu dân, cao gấp 3 lần mức trung bình của thế giới. Số lượng công ty xây dựng cũng vì thế mà rất nhiều.
Về cơ bản, thị trường không có đủ việc cho lực lượng "khổng lồ" này. Chuyện thạc sĩ xây dựng, kĩ sư xây dựng bỏ nghề, đi chạy xe ôm, làm shipper không hiếm.
Điều này cũng khiến việc tuyển sinh ngành xây dựng của các trường đại học gặp khó khăn. Tôi là thành viên Hội đồng trường Đại học Xây dựng và Đại học Kiến trúc nên thấy rõ sự suy giảm của việc tuyển sinh, cả về số lượng và chất lượng. Trước đây, điểm trúng tuyển rất cao, nhưng mấy năm qua, do số lượng tuyển sinh không đạt, các trường đã phải giảm điểm để tăng cường chiêu sinh.
Bối cảnh như vậy nên các chủ đầu tư có vị thế "cửa trên" đối với các nhà thầu xây dựng. Đơn vị nào báo giá rẻ thì họ giao thầu. Thành ra, biên lợi nhuận gộp của các công trình rất thấp, 5% - 10% cũng đã là không dễ dàng.
Trường hợp là dự án lớn, đòi hỏi kĩ thuật cao thì nhà thầu mới có biên lợi nhuận gộp tốt hơn. Hòa Bình là tập đoàn xây dựng có thương hiệu nên mới có được mức giá tốt hơn nhiều đơn vị khác. Nhưng quản trị cũng phải rất khéo léo thì mới có lãi, trong ngành xây dựng, chỉ cần sơ suất, rủi ro là có thể lỗ ngay.
- Vậy theo ông, phải làm thế nào để nâng cao biên lợi nhuận của ngành?
- Tôi cho rằng thị trường xây dựng trong nước rất khó cải thiện biên lợi nhuận trong ngắn hạn. Vì vậy, hướng đi tất yếu là chúng ta phải xuất khẩu xây dựng, tức phát triển ở thị trường nước ngoài. Một số thị trường chúng tôi khảo sát có biên lợi nhuận khá tốt.
Trong khi đó, năng lực của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có thể cạnh tranh ngang ngửa, thậm chí tốt hơn các doanh nghiệp xây dựng nước ngoài.
- Tập đoàn đã phát triển ở thị trường nước ngoài như thế nào?
- Chúng tôi đã tiến ra thị trường nước ngoài từ nhiều năm trước và đã gặt hái những thành công ban đầu. Đây là định hướng lớn, mang tính chiến lược nên Hòa Bình quyết thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản. Gần nhất là năm qua, chúng tôi đã tập trung phát triển tại các thị trường Campuchia, Australia, Mỹ.
Đơn cử tại Mỹ, chúng tôi đang thương thảo với đối tác tại California để tiến tới một thỏa thuận liên doanh, nếu thành công chúng tôi sẽ có được những hợp đồng lớn.

Hòa Bình đã phát triển ra thị trường xây dựng nước ngoài từ nhiều năm trước. Ảnh minh họa: HBC
Tăng vốn để tăng tốc
- Vấn đề lớn của HBC hiện tại là nguồn vốn còn hạn chế, do lỗ lũy kế lớn. Tập đoàn tính toán giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tổ chức vừa qua đã thông qua kế hoạch phát hành 347 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 10 nhà đầu tư để thu về 3.470 tỷ đồng. Chúng tôi kì vọng có thể hoàn tất việc này ngay trong năm 2025 để kịp thời cải thiện năng lực tài chính, giúp Hòa Bình có cơ sở thắng thầu các dự án lớn hơn cũng như theo đuổi các định hướng chiến lược.
Trong quá khứ, HBC từng có "thập niên vàng", cứ 5 năm lại tăng doanh thu gấp 5 lần. Chúng tôi đã tính toán, nếu có thể tăng vốn thành công như kế hoạch, việc tái lập thành tích này là có cơ sở khả thi.
- Song song với kế hoạch tăng vốn là câu chuyện thu hồi công nợ. Năm 2024, Hòa Bình đã đạt được những bước tiến lớn trong việc này. Năm 2025 thì sao?
- Các khoản phải thu của HBC dự kiến sẽ thu hồi hết trong 3–5 năm. Năm nay, chúng tôi ước tính có thể thu hồi 400 tỷ đồng. Tất nhiên, khả năng phải trích lập thêm là có, vì điều này tương ứng với việc mở rộng quy mô thi công. Nhưng cơ bản, Hòa Bình có thể hoàn nhập khoảng 200 tỷ đồng.
- Một cách cụ thể, ông có thể nêu những cơ sở của kế hoạch kinh doanh năm 2025 để nhà đầu tư nhìn thấy tính khả thi?
Năm nay, Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng, đó không phải con số quá lớn. Với khối lượng công việc hiện có, việc đạt được là khả thi.
Về mục tiêu lợi nhuận 360 tỷ đồng, như trên đã nói, ước tính từ việc hoàn nhập dự phòng sẽ đóng góp 200 tỷ đồng, chuyển nhượng thiết bị và thoái vốn có thể mang về 50–60 tỷ đồng, còn lại là tới từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Kế hoạch kinh doanh 2025 có thể nói là thận trọng, được tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm khả năng hoàn thành.