Doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc: Mắc kẹt giữa thương chiến
Vừa quay cuồng với thay đổi về thuế, vừa không thể sớm đổi nguồn cung, doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc chỉ còn biết 'chịu trận' giữa thương chiến.
Quay cuồng với diễn biến thuế
Trải qua nhiều lần thay đổi chỉ trong tháng 4 năm nay, tổng mức thuế được Mỹ áp trên toàn bộ hàng nhập khẩu Trung Quốc là 145%. Đặc biệt, một số sản phẩm chịu thuế tới 245%. Tuy nhiên, với hàng điện tử tiêu dùng, gồm các sản phẩm như điện thoại thông minh và máy tính, Nhà Trắng đã thông báo miễn thuế vào ngày 11/4/2025 - động thái giúp những cái tên như Apple thở phào.
Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump khẳng định đây là biện pháp ngắn hạn, chỉ áp dụng cho tới khi có kết luận điều tra về chất bán dẫn, điện tử và dược phẩm. Vài ngày sau, Mỹ tiếp tục siết việc NVIDIA bán chip AI sang Trung Quốc. Những thay đổi chóng mặt trong chính sách thuế của Nhà Trắng không chỉ khiến chính phủ các nước, mà cả doanh nghiệp (DN) trên toàn thế giới, nhất là DN Mỹ làm ăn ở Trung Quốc, quay cuồng.
Hiện, câu hỏi lớn nhất đối với các DN này là tương lai sắp tới sẽ ra sao. Theo Wall Street Journal, Washington đang cân nhắc giảm thuế với Trung Quốc và trong một số trường hợp có thể giảm hơn 50% để hạ nhiệt căng thẳng. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói thuế với Trung Quốc có thể sẽ giảm còn 50-65%.
Reuters dẫn nguồn tin cho biết, Mỹ đang xem xét một cách tiếp cận theo từng cấp độ, tương tự đề xuất được Hạ viện đưa ra vào năm ngoái. Cụ thể, Mỹ có thể áp thuế 35% với hàng Trung Quốc được xem là không đe dọa an ninh quốc gia và ít nhất 100% với các mặt hàng được xem là có tầm quan trọng chiến lược. Dự luật này đề xuất áp dụng thuế theo lộ trình 5 năm.
Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu Bắc Kinh cũng hạ thấp rào cản thương mại. Trước đó, khi trả lời báo giới tại Phòng Bầu dục hôm 22/4/2025, ông Trump nhận định 145% là mức thuế rất cao và sẽ không giữ nguyên con số hiện tại, nhưng chắc chắn "mức mới sẽ không về 0", ông nói. Các nguồn tin cho biết ông Trump vẫn chưa ra quyết định cuối cùng, trong khi nhiều cuộc thảo luận đang diễn ra và nhiều phương án khác nhau được cân nhắc.

Hiện, câu hỏi lớn nhất với các DN Mỹ ở Trung Quốc là tương lai sắp tới sẽ ra sao?
Thấp thỏm và "chịu trận" vì trừng phạt
Không chỉ thấp thỏm chờ đợi diễn biến thuế kế tiếp, DN Mỹ làm ăn ở Trung Quốc trên thực tế đã và đang phải "chịu trận" vì thương chiến. Phản ứng trước thuế đối ứng, Bắc Kinh đã lập tức đáp trả khi áp thuế 125% trên hàng Mỹ và siết xuất khẩu nhiều khoáng sản quan trọng.
Trong một động thái mới, Bắc Kinh tuyên bố sẽ chuyển sang các biện pháp mới, tập trung vào hệ thống pháp lý và gây ra tác động nhanh hơn, ví dụ như mở điều tra và đưa DN Mỹ vào danh sách hạn chế hoạt động.
Sau lần đầu thương chiến với Mỹ, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống pháp lý mới để ứng phó với các lệnh trừng phạt từ bên ngoài. Hệ thống này gồm áp lệnh trừng phạt với DN tuân thủ lệnh trừng phạt của nước khác, kiểm soát xuất khẩu, danh sách thực thể không đáng tin cậy, qua đó cho phép cấm nhân viên nước ngoài nhập cảnh hoặc chặn mọi hoạt động kinh doanh với Trung Quốc.
“
Lấy Boeing làm ví dụ, nếu bị trừng phạt theo cách này, hãng sẽ nhanh chóng đối mặt với tình trạng đơn hàng bị hủy và sụt giảm nhanh chóng. Thực tế, ngày 15/4, Cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc đã yêu cầu các hãng hàng không ngừng nhận máy bay mới từ Boeing. Chắc chắn các lãnh đạo DN Mỹ tại Thượng Hải hay Bắc Kinh sẽ không thể xem nhẹ động thái mang tính biểu tượng này.
Năm 2024, tổng doanh thu từ thị trường Trung Quốc của DN niêm yết ở Mỹ là khoảng 300 tỷ USD. Apple, Nike và Starbucks có mặt ở khắp nơi, trong khi Tesla bán khoảng 40% lượng xe tại thị trường tỷ dân chỉ trong quý I năm ngoái. Chi nhánh của các DN này tuyển dụng hàng chục nghìn lao động trình độ cao. Do đó, việc bị đưa vào danh sách hạn chế hoạt động sẽ gây ra thiệt hại vô cùng to lớn.
Hơn nữa, làn sóng chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc để giảm rủi ro lại làm tăng nguy cơ tổn thương cho DN Mỹ, bởi sắc thuế của Nhà Trắng áp trên tất cả đối tác. Ví dụ, để đàm phán giảm thuế với Nhà Trắng, các nước có thể đề xuất kiểm soát xuất xứ để chặn việc hàng Trung Quốc "đội lốt" nước sở tại vào Mỹ - điều có thể khiến DN Mỹ hoạt động tại cả hai nước chịu gánh nặng thuế kép.
Đến nay, các cuộc trả đũa nhắm vào ngành dịch vụ Mỹ vẫn chưa được triển khai toàn diện, nhưng nếu diễn ra, các DN khác sẽ rất khó hoạt động ở Trung Quốc, vì các lĩnh vực cốt lõi như ngân hàng, kiểm toán, tư vấn và luật là xương sống của thương mại. Bắc Kinh hiện đã khiến một số dịch vụ này khó hoạt động hơn bằng các quy định liên quan đến an ninh quốc gia và hạn chế chia sẻ thông tin. Một số hãng luật quốc tế đã thu hẹp hoạt động hoặc đóng cửa văn phòng ở Trung Quốc. Nếu bị siết thêm, khả năng hợp tác thương mại với DN nước này chắc chắn sẽ suy giảm.
Không thể sớm thay đổi nguồn cung
Vậy, liệu DN Mỹ sẽ rời Trung Quốc để trở lại nước nhà, đúng như mục tiêu mà Washington muốn khi đặt cược vào sắc thuế áp trên các nước có chi phí lao động thấp? Câu trả lời là rất khó trong ngắn hạn, hoặc thậm chí không thể. Trước áp lực thương chiến, các DN lớn như Amazon và Apple sẽ xoay xở tốt hơn số đông, một phần vì đã trữ hàng từ trước thương chiến. Với quy mô của mình, họ đủ sức chịu tổn thất và có khả năng thương lượng trực tiếp với ông Trump.
Nhưng, với DN nhỏ đặt sản xuất tại Trung Quốc, việc mất một lô hàng có thể khiến họ phá sản và thay thế nguồn cung cũng không phải lựa chọn khả thi. Mục tiêu của Washington đằng sau chính sách thuế có thể dễ dàng đạt được, nhưng là với bối cảnh của những năm 1980, khi Trung Quốc là lựa chọn hấp dẫn cho sản xuất giá rẻ với chi phí nhân công thấp. Bấy giờ, chỉ một biến động trong chi phí là đã có thể buộc ngành sản xuất về Mỹ.
Tuy nhiên, sau hàng chục năm, lợi thế sản xuất ở Trung Quốc giờ không chỉ gói gọn ở chi phí lao động, mà còn cả cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và trình độ chuyên môn được tích lũy. Không điều gì trong số này có thể thay thế được ở Mỹ trong 1 năm, chứ đừng nói 1 tháng. Để hiểu rõ điều này, trước tiên cần biết đến 2 loại tri thức trong sản xuất là techne và metis, theo cách phân loại của nhà nhân học James C. Scott.
Techne, có thể hiểu là tri thức kỹ thuật và lý thuyết, đề cập đến bằng sáng chế, bản thiết kế, công nghệ. Tuy nhiên, sản xuất còn được vận hành nhờ metis là tri thức thực tiễn, là sự hiểu biết đời thường về cách mọi thứ hoạt động và kỹ năng mà cấp quản lý khó lòng hiểu được. Ví dụ, metis có thể gồm hiểu biết về đặc tính của một loại máy móc cụ thể, thao tác thủ công tinh vi hay kỹ thuật gỡ lỗi phần mềm.
Vì được truyền lại không chính thức, tổ trưởng dây chuyền hay công nhân thường chỉ học được metis từ người đi trước nhiều kinh nghiệm hơn. Mỹ không thiếu techne, dù vài lĩnh vực vẫn xếp sau Trung Quốc. Nhưng, sau hàng chục năm tập trung vào các ngành dịch vụ cao cấp thay vì sản xuất, Mỹ thiếu metis cần thiết để bắt kịp Trung Quốc.

Sau hàng chục năm, lợi thế sản xuất ở Trung Quốc giờ không chỉ gói gọn ở chi phí lao động, mà còn cả cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và trình độ chuyên môn được tích lũy
Nếu nhìn từ góc độ này, công cuộc hồi sinh ngành sản xuất ở Mỹ sẽ thực sự bắt đầu từ con số "0" với nhiều ngành công nghiệp. Dù có thể tự củng cố tri thức theo thời gian, Mỹ sẽ phải đánh đổi bằng nhiều năm và vô số sai lầm, giống những gì mà chính Trung Quốc đã trải qua.
Rốt cuộc, trong khi vừa quay cuồng với những thay đổi về thuế, vừa không thể sớm đổi nguồn cung, DN Mỹ sản xuất và kinh doanh ở Trung Quốc chỉ còn biết "chịu trận" trong thấp thỏm.