Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như 'bán đàn vịt giời'

Đây là hình ảnh ví von mà TS. Luật sư Phạm Hồng Điệp dành cho câu chuyện kinh doanh tín chỉ carbon còn nhiều bất định, chưa rõ hình dung hiện nay, từ đó nói lên mong muốn của doanh nghiệp sớm có cơ chế thí điểm cho thị trường này ở Việt Nam.

TS. Luật sư Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (Ảnh: Phương Thảo)

TS. Luật sư Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (Ảnh: Phương Thảo)

Việc hình thành và vận hành thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Trước tiên là sự nhận thức về thị trường này của doanh nghiệp, tổ chức và xã hội vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, việc tham gia thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam còn những vấn đề như: Quy định của pháp luật Việt Nam về tín chỉ carbon, cơ sở pháp lý để được công nhận tín chỉ carbon hiện nay tại Việt Nam.

Bên cạnh cơ hội, những vướng mắc liên quan tới tín chỉ carbon hiện nay tại Việt Nam còn tồn tại ở cả doanh nghiệp phát thải lẫn doanh nghiệp cung cấp, kinh doanh tín chỉ carbon.

Là doanh nghiệp tiên phong về mô hình kinh doanh xanh, TS. Luật sư Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền đã chia sẻ tại Hội thảo "Thị trường tín chỉ carbon: Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững" ngày 26/10 về những kinh nghiệm thực tiễn.

Ví von kinh doanh tín chỉ carbon như “bán đàn vịt giời”, ông Điệp cho rằng cái khó là làm sao để “đàn vịt giời” đó ở lại với chúng ta và bán được lãi, khung pháp lý chính là giải pháp mấu chốt.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Điệp chỉ ra các khoảng trống trong thị trường carbon ở Việt Nam, gồm: Quy trình thẩm định tính hợp lệ của tín chỉ, căn cứ xác định loại tín chỉ, cân đối cung cầu hàng hóa tín chỉ, sự sẵn sàng của cơ chế, doanh nghiệp.

Một góc Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền

Một góc Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền

Doanh nghiệp cũng còn nhiều khó khăn khi tiếp cận tài chính xanh, báo cáo tóm tắt hoạt động liên quan đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG), nhiễu loạn thông tin về thị trường, tín chỉ carbon. Do đó, Chủ tịch HĐQT Shinec kiến nghị sớm hoàn thiện khung pháp lý chính sách để doanh nghiệp áp dụng lấp đầy các khoảng trống này.

“Doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các văn bản quy định mà doanh nghiệp có thể áp dụng, thực tế nhiều văn bản ban hành nhưng doanh nghiệp rất khó áp dụng bởi chồng chéo, vướng mắc với các quy định khác. Hy vọng cơ quan quản lý nhà nước sớm hoàn thiện khung pháp lý để giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường carbon”, Luật sư Phạm Hồng Điệp bộc bạch.

Theo ông Điệp, carbon là thị trường lớn, doanh nghiệp nhìn thấy đây là cơ hội vàng, ai đi sớm làm sớm sẽ có lợi, ai đi muộn sẽ phải trả giá nhiều hơn. Hiện Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền coi mô hình sinh thái đang theo đuổi là bài tập rèn luyện để đến năm 2028-2029 khi khung pháp lý hoàn thiện doanh nghiệp có thể kịp thời nắm bắt cơ hội.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đang tập hợp đa dạng ngành nghề, doanh nghiệp với mức phát thải khác nhau. Mô hình quản trị áp dụng thông qua ESG, sử dụng nguyên vật liệu giảm phát thải, tiết kiệm điện, tối ưu giảm và tuần hoàn nước.

Doanh nghiệp mong mỏi sớm có cơ chế thí điểm cho thị trường carbon

Bàn về khung pháp lý thị trường này, TS. Nguyễn Phương Nam, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn & Dịch vụ Đổi mới khí hậu KLINOVA, Đánh giá viên quốc tế của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cho rằng, tín chỉ carbon là một loại hàng hóa rất mới trên thế giới không chỉ ở Việt Nam nên nếu áp dụng các quy định đã có sẽ không phù hợp.

Đây là bài toán vĩ mô và vi mô, khung thể chế không chỉ xây dựng từ trên xuống mà cần kết hợp thực tiễn đi lên, tuy nhiên thiếu định hướng lớn sẽ không thể trúng mục tiêu đề ra. Ông Nam kiến nghị cơ quan nhà nước tập trung nhiều vào thị trường hạn ngạch, bởi khi nhu cầu đủ lớn sẽ giúp thị trường sớm đi vào khuôn khổ.

Ông Nam nhận định, bản chất thị trường carbon không phải mua bán đúng một lần duy nhất mà là các giao dịch mua đi bán lại. Mặc dù đây là sản phẩm của tương lai, nên hy vọng thể chế sớm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào sân chơi này, hình thành hàng hóa trước tiên thì mới tính đến hình thành thị trường.

Các chuyên gia tham gia thảo luận tại hội thảo (Ảnh: Phương Thảo)

Các chuyên gia tham gia thảo luận tại hội thảo (Ảnh: Phương Thảo)

“Cần có cơ chế thí điểm để doanh nghiệp có thêm tự tin tham gia vào thị trường này với các dự án xanh, hình thành tín chỉ carbon, tạo sự sẵn sàng khi thị trường chính thức đi vào vận hành. Việc ban hành cơ chế thí điểm sớm là rất cần thiết, bởi không có cơ chế thí điểm, doanh nghiệp thực sự khó khăn để thực hiện”, TS. Nguyễn Phương Nam nêu vấn đề.

Cùng suy nghĩ ví von tín chỉ carbon như "đàn vịt giời”, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng cho rằng thị trường này thay đổi từng ngày từng giờ và chưa định hình rõ rệt, câu chuyện kiểm định là cần thiết để hình dung rõ hơn về thị trường carbon và hình thành các tiêu chí, phân loại.

Trong việc hình thành thị trường carbon, ông Thành nhìn nhận vai trò Nhà nước đặc biệt quan trọng để hình thành đúng hướng, bởi liên quan đến các hoạt động giao dịch, quyền tài sản và phân phối.

Về việc Bộ Tài chính được giao xây dựng Sàn Giao dịch tín chỉ carbon, Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ, khuyến nghị điều này, TS. Võ Trí Thành cho rằng Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc và Trung Quốc.

“Trong 10 năm tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần vừa làm vừa chạy, không thể đợi thể chế hoàn thiện mới làm sẽ bị trễ so với nhịp độ của thế giới”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Phương Thảo

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chu-tich-hdqt-shinec-kinh-doanh-tin-chi-carbon-nhu-ban-dan-vit-gioi-719684.html