Chủ tịch HĐQT Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ: 'Cần đảm bảo công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước'
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết: Doanh nghiệp tư nhân gặp bất lợi so với doanh nghiệp nhà nước, đây là vấn đề đã được đề cập nhiều lần nhưng không được giải quyết triệt để.
+ Ông đánh giá thế nào về vai trò của kinh tế tư nhân hiện nay?
- Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam. Hiện nay, khu vực này đóng góp 51% GDP, 30% ngân sách nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm. Kinh tế tư nhân không chỉ là một thành phần của nền kinh tế, mà còn là động lực hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo.
Tầm quan trọng của kinh tế tư nhân một lần nữa được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại trong một bài phát biểu gần đây, đồng thời Tổng Bí thư đã đề xuất 7 biện pháp nhằm phát triển kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới, đó là: Hoàn thiện nền kinh tế thị trường, bảo vệ quyền sở hữu, hỗ trợ doanh nghiệp lớn và nhỏ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải cách thể chế, tối ưu hóa nguồn lực và phát triển bền vững.
Những biện pháp này nhằm đảm bảo mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân chiếm 70% GDP, và trong 3 năm tới, môi trường kinh doanh của Việt Nam phải lọt vào top 3 ASEAN.
Có thể thấy rằng, đây là mục tiêu rất thách thức. Do đó, để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra cần sự triển khai hiệu quả từ cả Chính phủ và chính bản thân doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Airlines. Ảnh: HUBA
+ Ông có thể chia sẻ những khó khăn, thách thức mà kinh tế tư nhân đang đối mặt hiện nay?
- Kinh tế tư nhân Việt Nam đang đối mặt với ba thách thức lớn. Khó khăn đầu tiên đó là quá trình triển khai các cơ chế, chính sách. Hiện nay, việc cải cách dễ bị cản trở bởi hệ thống cơ chế, quy định pháp luật chưa được cập nhật kịp thời, chưa tính đến sự thiếu hiệu quả và đồng bộ của bộ máy triển khai và thực thi.
Thứ hai đó là chênh lệch tiếp cận nguồn lực. Doanh nghiệp tư nhân gặp bất lợi so với doanh nghiệp nhà nước. Đây là vấn đề đã được đề cập nhiều lần nhưng không được giải quyết triệt để, gây ức chế rất lớn cho các doanh nghiệp tư nhân.
Thứ ba, đó là áp lực từ mục tiêu tham vọng. Việt Nam đặt mục tiêu trong 3 năm tới, môi trường kinh doanh của Việt Nam phải lọt vào top 3 ASEAN, mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực vượt bậc từ không chỉ chính bản thân doanh nghiệp, mà còn từ sự nỗ lực của các cấp quản lý nhà nước.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tôi cho rằng cần phải cải cách thể chế liên tục và đủ mạnh để tạo ra sự khác biệt. Đồng thời, cần phải có kế hoạch, lộ trình, phân công cụ thể đối với từng mục tiêu đề ra, chứ không kết quả sẽ khó đạt như kỳ vọng.
+ Vậy để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra, ông có đề xuất, kiến nghị gì với Chính phủ?
- Như đã nói, để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng, tôi mong muốn Chính phủ xây dựng lộ trình chi tiết và đặt mục tiêu cụ thể kèm mốc thời gian rõ ràng. Đồng thời, Chính phủ cần tăng cường giám sát, thiết lập hệ thống đánh giá với các chỉ số đo lường cụ thể.
Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, thông qua các chính sách ưu đãi như đất đai, thuế, vốn vay,...
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đảm bảo công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, điều chỉnh chính sách để tránh thiên vị với tiêu chí minh bạch cho tất cả.
Chúng ta cần thành lập tổ chức chuyên trách cấp Chính phủ. Một tổ chức chuyên trách cấp Chính phủ sẽ đảm bảo sự tập trung, giám sát chặt chẽ và phối hợp hiệu quả.
Về việc phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp, Chính phủ có thể đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp, thông qua các cuộc họp định kỳ để giải quyết vướng mắc.
Chính phủ cũng cần xem ba thành phần kinh tế: Kinh tế Nhà nước, Kinh tế Tư nhân và Kinh tế hộ cá thể, là “kiềng ba chân” của nền kinh tế. Chính phủ cần ban hành chính sách đồng bộ, thúc đẩy hợp tác, đảm bảo công bằng và giám sát chặt chẽ để gắn kết ba thành phần này, tạo nội lực vững chắc cho Việt Nam.
Nói tóm lại, để 7 biện pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm thành công, Chính phủ cần tạo môi trường minh bạch, hỗ trợ thiết thực và lập tổ chức chuyên trách, trong khi doanh nghiệp phải chủ động đổi mới và hợp tác. Việc gắn kết “kiềng ba chân” sẽ giúp đạt mục tiêu 70% GDP và top 3 ASEAN, mang lại sự thịnh vượng cho đất nước.
+ Xin cảm ơn ông!