Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt đại tướng Pháp - Raoul Salan
Những ngày này của 77 năm trước, Cách mạng Tháng Tám giành được nền độc lập và thống nhất đất nước thì chỉ 2 tháng sau, ngày 23/10/1945, Raoul Salan - mệnh danh 'tướng thực dân' (Le Général Colonial) và 'người bảo vệ đế quốc' (Le Defenseur de l'Empire) đã đặt chân lên đất Sài Gòn theo lệnh của Chính phủ Pháp để thực hiện mưu đồ 'lập lại chủ quyền của Pháp trên các lãnh thổ của Liên bang Đông Dương'. Theo Hiệp ước Potsdam, 2 nước Anh và Trung Hoa Dân quốc (Tàu Tưởng) làm nhiệm vụ giải giới và hồi hương quân Nhật ở Đông Dương nhưng từ ngày 23/9/1945, quân Anh đã hỗ trợ quân Pháp tái chiếm nhiều thành thị và tuyến giao thông của Việt Nam ở phía Nam vĩ tuyến 16. Sau đó (ngày 01/11/1945), Salan bay ra Hà Nội, rồi bay sang Trùng Khánh (ngày 05/01/1946) để thương thuyết với Tàu Tưởng về 'lập lại chủ quyền của Pháp ở Hà Nội'. Vậy Raoul Salan đóng vai trò 'tướng thực dân' để 'bảo vệ đế quốc' như thế nào?
Tiến sĩ (TS) Sử học Phan Văn Hoàng (học trò của cố Giáo sư Trần Văn Giàu) đã dịch, phân tích và bình luận các tác phẩm Indochine rouge, Memoires (1 và 2) của Raoul Salan. Sau 43 năm tại ngũ, được thăng quân hàm đại tướng ở tuổi 57, Salan từng làm Phó Tổng chỉ huy rồi Tổng chỉ huy đạo quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, đã viết sách và hồi ký sau khi về hưu. Raoul Salan còn là tướng được thưởng nhiều huân, huy chương nhất nước Pháp. Trong bài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mắt đại tướng Pháp Raoul Salan đăng trên Tạp chí Hồn Việt số 136, tháng 5/2019, TS.Phan Văn Hoàng đã viết: Lần đầu tiên đặt chân lên Thủ đô Hà Nội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, Salan rất ngỡ ngàng trước tinh thần quật khởi của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, độc lập và tự do. Salan ghi hồi ký: “Ở Hà Nội, mọi người hô từ ĐỘC LẬP, nắm tay giơ cao... Tôi có thể đọc các khẩu hiệu viết trên tường hay trên biểu ngữ giăng ngang đường phố: ĐỘC LẬP HAY LÀ CHẾT, ĐỘC LẬP, ĐỘC LẬP, ĐỘC LẬP, NƯỚC Việt NAM CỦA NGƯỜI VIệT NAM, HỒ CHÍ MINH MUÔN NĂM”... Sau khi có những tiếp xúc ở Hà Nội, Salan nhận định: “Việt Minh tiến triển cực kỳ nhanh chóng, đã trở thành một đối thủ mà chúng ta sẽ phải tranh luận với họ một cách gian lao, nhọc nhằn, chặt chẽ với nhiều khó khăn”. Ở một đoạn hồi ký khác, Salan viết: “Trước mặt tôi là đội ngũ đang đi theo và giúp đỡ ông thầy (tức Bác Hồ) của họ. Họ sẵn sàng hy sinh tất cả để làm thành công cuộc cách mạng mà họ đã tư duy trong bưng biền và những suy nghĩ chín chắn trong nhà tù”. Tại một đoạn hồi ký khác, Salan ghi nhận uy tín Bác Hồ: “Phần lớn dân chúng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, xem ông như người dẫn đường của họ... họ ủng hộ hầu như hoàn toàn chính sách của ông”.
Ở Hà Nội, Salan được Bác Hồ cho gặp vào chiều ngày 08/02/1946 tại Bắc Bộ phủ. Salan ghi ấn tượng đầu tiên về Bác Hồ: “Một người có vầng trán cao, đôi mắt sắc sảo, có vẻ một nhà tu hành khổ hạnh”.
Nói với tướng Pháp, Bác Hồ đã tỏ rõ người Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, độc lập. Bác cho thấy “Cách mạng Tháng Tám đã giành lại độc lập và thống nhất cho dân tộc Việt Nam. Việt Nam muốn là bạn của nước Pháp”. Bác mời cơm Salan, thể hiện sâu sắc thiện ý nhân văn. Đáng tiếc là Bác càng nhấn mạnh về hòa bình - xây dựng, hợp tác - phát triển... Salan càng bộc lộ mưu đồ hiếu chiến, lôi cả “uy lực” và vũ khí hiện đại của Pháp ra đe dọa. Cuối cùng, ông ta đã lộ tẩy mình sang Việt Nam là để dàn xếp với Trung Hoa Dân quốc về việc Pháp đem quân chiếm các tỉnh, thành phía Bắc vĩ tuyến 16 thay cho quân Trung Hoa. “Nếu Việt Nam không chống lại việc này thì hai bên dễ hiểu nhau hơn”; và “... chúng tôi rất mạnh, tại sao không thừa nhận điều đó?”. Bác Hồ bình tĩnh nói: “Tôi rất vững tin rằng, cho dù cả thế giới có chống lại chúng tôi, chúng tôi vẫn không chấp nhận làm nô lệ”. Khi tiễn Salan xuống cầu thang ở Bắc Bộ phủ, Bác nhẹ nhàng nói với Salan: “Chiều nay, chúng ta là những người bạn nhưng ngày mai, có lẽ chúng ta sẽ là đối thủ của nhau. Tôi mong rằng chúng ta sẽ mãi mãi là bạn bè với nhau”. Rất tiếc, “chúng ta càng nhân nhượng, Pháp càng lấn tới” nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (ngày 19/12/1946): “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Khi Pháp chịu mở Hội nghị Fontainebleau tại Pháp, Salan được cử làm Trưởng ban Quân sự của phái đoàn Pháp. Bác Hồ được Chính phủ Pháp mời thăm chính thức nước Pháp, đi cùng chuyến bay với Salan. Sau này, Salan ghi hồi ký: “Chuyến công cán rất thú vị, cho phép tôi thực hiện một chuyến đi đặc biệt bên cạnh một con người đặc sắc”.
Từ “chuyến đi đặc biệt” này, Salan càng khâm phục tài thông thạo ngoại ngữ của Bác Hồ: “Mặc dù rời nước Anh từ năm 1917 và nước Pháp từ năm 1923, ông Hồ vẫn nói tiếng Anh và tiếng Pháp rất lưu loát”.
Ngày 03/6/1946, Bác Hồ và Salan đến Chandernagor. Trong số Việt kiều ra đón, Salan thấy “một bà cụ lao tới, sụp mình xuống đất và hôn chân ông Hồ. Ông vội đỡ bà cụ lên và nói: “Chị ơi, chúng ta bắt tay nhau, nhé”. Cảnh này thật cảm động và tôi có thể đo lường được uy tín của Chủ tịch”.
Ngày 11/6/1946, khi máy bay tạm dừng ở Calcutta (Ấn Độ), Tổng lãnh sự Pháp - Christian Foucher đến chào Bác Hồ. Salan viết: “Ông Hồ đã trả lời không chút lúng túng với nhà ngoại giao của chúng tôi khi ông này dùng những câu văn hoa để chào đón và chúc Hội nghị (Fontainebleau) thành công”.
Còn nhớ, ngày 30/5/1946, tại Việt Nam học xá (Hà Nội), đồng bào và sinh viên tổ chức lễ tiễn Bác Hồ sang thăm nước Pháp theo lời mời. Sau bài nói chuyện của Bác Hồ, Salan có đôi lời phát biểu: “... Tôi tháp tùng vị chủ tịch đáng kính của các bạn đi Paris... Nhân dân Pháp rất quý chuộng và cảm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Xúc động trước tình cảm mà nhân dân Việt Nam dành cho Bác Hồ, Salan kết thúc bài phát biểu bằng lời hô: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm! Nhân dân Việt Nam muôn năm!”. Đây là viên tướng thực dân duy nhất đã dám hô khẩu hiệu như vậy! Nhưng tâm địa thật của Salan thì vẫn là thực dân. Bởi sau đó, ngày 07/10/1947, với tư cách tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Bắc Đông Dương, Salan quyết một phen lập công to với mẫu quốc, đã mở cuộc tấn công quy mô lớn vào căn cứ địa Việt Bắc - “đánh thẳng vào trái tim Việt Minh” với âm mưu bắt sống cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Salan đưa 800 quân tinh nhuệ Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, còn y thì ngồi trên máy bay đưa ống nhòm nhìn xuống theo dõi, chỉ huy. Vào lúc 11 giờ 35 phút, Salan nhận được báo cáo của đại tá Henri Sauvagnac: “Hồ Chí Minh đã bị bắt và đã yêu cầu chấm dứt chiến tranh”. Hồn vía Salan bay bổng lên chín tầng mây, mừng đến nỗi không cần kiểm chứng. Salan bay ngay về Hà Nội “báo tiệp” cho cấp trên để tân công. Từ Sài Gòn, cao ủy Bollaert và quyền Tổng chỉ huy Battet cũng cả mừng, vội xách cặp bay ra Hà Nội. Phen này chắc phải tổ chức tiệc mừng lớn để tôn vinh Raoul Salan là anh hùng và thưởng Bắc đẩu bội tinh! Thế rồi, tất cả bọn thực dân “tai to mặt lớn” ấy đều tiu nghỉu và bùng lên cơn giận dữ vì đó chỉ là tin vịt! Do quá chủ quan, háo thắng, Salan phải một phen ê chề vì những lời trách mắng của thượng cấp!./.