Chủ tịch Kido chia sẻ bước ngoặt chuyển hướng kinh doanh bánh kẹo sang thực phẩm thiết yếu

Chủ tịch Kido Trần Kim Thành lần đầu giải thích với cổ đông lý do Tập đoàn quyết định đổi hướng từ mảng bánh kẹo truyền thống sang ngành thực phẩm thiết yếu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức sáng ngày 19/6.

Năm 2024, Tập đoàn Kido đặt kế hoạch doanh thu thuần 13.000 tỷ đồng. Ảnh: HC

Năm 2024, Tập đoàn Kido đặt kế hoạch doanh thu thuần 13.000 tỷ đồng. Ảnh: HC

Thành công nằm ở khả năng bán hàng

Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) tiền thân là Công ty cổ phần Kinh Đô, hoạt động chủ yếu trong mảng bánh kẹo. Đến năm 2014, Công ty bán lại mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại, đổi tên thành Kido và chính thức thâm nhập vào mảng thực phẩm thiết yếu.

Ông Trần Kim Thành cho biết, bước chuyển dịch này thực tế xuất phát từ cách đây 16 năm, ngay thời điểm cơn bão tài chính vừa càn quét kinh tế toàn cầu. Lãnh đạo KDC nhận ra rằng chỉ những ngành nghề gắn liền với nhu cầu thiết yếu hàng ngày mới đủ tiềm lực vượt qua sóng gió.

Do đó, ông Thành ấp ủ kế hoạch chuyển đổi Kido từ lĩnh vực kinh doanh từ bánh kẹo sang mảng hàng thiết yếu. Tuy nhiên, phải đến năm 2014, ý tưởng này mới được hiện thực hóa, khi Tập đoàn tìm được đối tác để nhượng lại mảng bánh kẹo.

Ông Trần Kim Thành - Chủ tịch Kido chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông. Ảnh: HC

Ông Trần Kim Thành - Chủ tịch Kido chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông. Ảnh: HC

Với nguồn lực tài chính dồi dào, Kido rót tiền mua lại công ty sản xuất dầu ăn và chính thức bước chân vào lĩnh vực thực phẩm thiết yếu. Sau gần 10 năm, hiện Công ty giữ thị phần đứng đầu trong ngành kem với thị phần 47% chủ yếu thương hiệu Celano và Merino; đứng thứ hai trong ngành Dầu ăn với các thương hiệu Tường An, Marvela, Olita; dẫn đầu ngành bơ thực vật với gần 75% thị phần và đứng đầu sản xuất bánh bao với thương hiệu Thọ Phát...

Về cách kinh doanh, ông Trần Kim Thành cho rằng, chìa khóa thành công đôi khi không nằm ở sản phẩm hay quản trị mà chính là khả năng bán hàng. Việc giữ được kênh phân phối bằng nhiều sản phẩm đa dạng mới tạo ra đầu ra ổn định.

"Nhờ nắm giữ lợi thế cơ bản này, Kido đã vượt qua đại dịch COVID-19 một cách nhẹ nhàng trong khi nhiều đại gia cùng ngành phải đóng cửa vì khó khăn", Chủ tịch KDC cho biết.

Ông Thành cũng nhấn mạnh, quá trình củng cố nội lực cũng nên được chú trọng. Nếu không liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp sẽ khó lòng tồn tại trên thị trường. Ông cũng nói thêm khối lượng công việc của Kido đã tăng rất nhiều so với trước đây vì thị trường trở nên khó khăn hơn nhiều, công ty thậm chí phải khai thác thị trường ở những vùng sâu, vùng xa.

“Dù cho 6 tháng đầu năm vẫn còn khó khăn, chúng tôi vẫn kỳ vọng vào nỗ lực của ban điều hành và sự phát triển của ngành hàng. Chúng tôi mong muốn Kido khôi phục lại quy mô đáng có”, Chủ tịch Trần Kim Thành chia sẻ.

Kế hoạch kinh doanh tham vọng với doanh thu 13.000 tỷ đồng

Năm 2024, Tập đoàn Kido đặt kế hoạch doanh thu thuần 13.000 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2023 và lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.

Để hoàn thành kế hoạch vừa nêu, lãnh đạo Tập đoàn Kido cho biết đã xây dựng kế hoạch hành động, phân hóa cụ thể vai trò cho từng mảng kinh doanh cốt lõi.

Cụ thể, với ngành dầu ăn - bơ, Tập đoàn Kido sẽ tối ưu hóa chuỗi cung ứng sản phẩm và nguyên liệu, chủ động dẫn dắt và phát triển đa dạng hóa danh mục sản phẩm, tập trung khai thác tối đa kênh bán lẻ, tạo không gian nhằm gia tăng thị phần, rút ngắn khoảng cách so với các đối thủ, đẩy mạnh khai thác thị trường tại từng khu vực.

Đối với ngành hàng gia vị, trong năm 2024, Tập đoàn đa dạng hóa danh mục sản phẩm và ngành hàng gia vị thiết yếu như nước mắm, hạt nêm, nước tương, bột gia vị…; tăng cường liên kết, hợp tác cùng các đối tác lớn nhằm đẩy nhanh tiến độ và hiện thực hóa chiến lược “Lấp đầy gian bếp Việt”.

Ở mảng bánh tươi và bánh có thời gian sử dụng dài, Tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng sản phẩm, tiếp tục tìm kiếm những dòng sản phẩm ngon của thế giới, phân phối thông qua thương hiệu Kido.

Với ngành hàng bánh bao, sau thương vụ M&A cùng Thọ Phát, giai đoạn 2024 - 2028, Tập đoàn tập trung tái định vị và xây dựng Thương hiệu Thọ Phát và Mỹ Hương đáp ứng được yêu cầu đại diện cho ngành hấp và các phân khúc thị trường khác nhau.

Tập đoàn đặt mục tiêu mở rộng thị trường ra miền Trung và miền Bắc, xây dựng hệ thống 1.000 đại lý tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc, phát triển 50.000 điểm bán trên toàn quốc. Phát triển hệ thống miniBAO với 12.000 cửa hàng.

Với ngành hàng kem, chiến lược phát triển ngành hàng kem, năm 2024, Tập đoàn sẽ tập trung vào 3 mũi nhọn chính gồm tập trung tăng trưởng tối đa ở thị trường To-Go; mở rộng và phát triển nhanh ở thị trường kem tại nhà; thâm nhập vào thị trường xuất khẩu.

Dựa trên nền tảng và chuỗi giá trị cốt lõi, Kido Foods triển khai chiến lược mở rộng các ngành hàng khác như giải khát, “ice-cream yogurt” và “frozen bakery”.

Song song cùng 5 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, dự án xúc tiến thương mại E2E trên nền tảng TikTok sẽ tiếp tục là công cụ đắc lực cho Tập đoàn trong việc triển khai các chiến lược marketing, quảng bá sản phẩm, thử thị trường, nắm bắt hành vi của người tiêu dùng, đặc biệt phát triển doanh số cho các ngành hàng thông qua hình thức livestream.

Huyền Châm - Lý Tuấn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chu-tich-kido-chia-se-buoc-ngoat-chuyen-huong-kinh-doanh-banh-keo-sang-thuc-pham-thiet-yeu.html