Chủ tịch Quốc hội: Bầu cử diễn ra sớm hơn, dự kiến ngày 15/3/2026
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, dự kiến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày Chủ nhật 15/3/2026 và ngày 6/4/2026 họp phiên họp thứ nhất của Quốc hội khóa mới.
Sáng nay (16/4), tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề: “Về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề: “Về sửa đổi hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031"
Kỳ họp thứ 9 có khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 60 ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào MTTQ Việt Nam… mở ra cục diện mới phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới với tầm nhìn lâu dài.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, để đáp ứng yêu cầu này, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 2 nhóm nội dung chính, đó là các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của MTTQ Việt Nam, vai trò tập hợp các giai cấp, tầng lớp, hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, đến từng hộ gia đình.
Nêu các quy định tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội hình thức văn bản là Nghị quyết của Quốc hội, tương tự như đã thực hiện tại các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1988, 1989 và 2001.
"Đặc biệt coi trọng việc lấy ý kiến nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp (từ ngày 6/5 - 5/6). Đề nghị Chính phủ cùng với Mặt trận tiến hành khoa học, dân chủ, thực chất, công khai, minh bạch, lưu ý việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo Luật dân chủ ở cơ sở", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Các đại biểu dự hội nghị
Chủ tịch Quốc hội thông tin, theo báo cáo của Chính phủ, có khoảng 19.220 văn bản ở Trung ương và địa phương ban hành có nội dung chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp của việc thực hiện chủ trương tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gồm 1.180 văn bản của Trung ương, 18.040 văn bản của địa phương.
Quốc hội sẽ sửa những nội dung liên quan trong các luật như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Cán bộ, công chức, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các luật về tố tụng, Luật Xử lý vi phạm hành chính…
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, khi tiến hành sửa đổi, bổ sung, đặc biệt lưu ý đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm, phân định rành mạch thẩm quyền giữa Trung ương với địa phương, giữa cấp tỉnh với cấp xã, xác định rõ việc nào của chính quyền cấp huyện cần điều chuyển cho chính quyền cấp xã hoặc giao chính quyền cấp tỉnh để tạo thuận lợi cho địa phương trong quá trình thực hiện.
Tính đến ngày 14/4, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua 31 dự án luật, 12 nghị quyết; cho ý kiến đối với 10 dự án luật, chưa kể các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã sẽ xem xét, quyết định trong thời gian diễn ra kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là một khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử các kỳ họp Quốc hội.

Toàn cảnh hội nghị
Về phương án xử lý, theo Chủ tịch Quốc hội, ưu tiên cao nhất cho phương án xử lý các vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp bằng các nguyên tắc chung, có tính khái quát, áp dụng được trên diện rộng mà chưa cần phải sửa đổi, bổ sung ngay các luật, nghị quyết của Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác.
Tùy theo phạm vi, yêu cầu, nội dung các vấn đề cần xử lý, Quốc hội có thể xem xét bổ sung quy định chuyển tiếp trong các luật, nghị quyết sẽ được thông qua tại kỳ họp như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các luật về tổ chức bộ máy, Nghị quyết về sáp nhập tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…sửa đổi, bổ sung các điều của Nghị quyết số 190/2025/QH15 hoặc ban hành 1 nghị quyết mới quy định nguyên tắc để xử lý các nội dung này.
Ngoài các dự án luật, nghị quyết đã có trong chương trình thông qua tại Kỳ họp thứ 9, dự kiến khoảng 20 dự án luật cần được bổ sung vào chương trình.
Đối với các luật, nghị quyết của Quốc hội có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương các cấp mà chưa thể sửa đổi, bổ sung được ngay thì Chính phủ và các cơ quan theo thẩm quyền chủ động ban hành văn bản để phân định tạm thời nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo các nguyên tắc chung đã được xác định trong Nghị quyết số 190 của Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Việc sửa đổi Hiến pháp và các luật, nghị quyết có liên quan phải được hoàn thành trước ngày 30/6/2025 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Trong đó, quy định điều khoản chuyển tiếp để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là trước ngày 15/8/2025, các đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là trước ngày 15/9/2025. Có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình, kế hoạch thực hiện.
Chủ tịch Quốc đặc biệt lưu ý công tác quán triệt trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, tuyên truyền, vận động rộng rãi trong toàn dân, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao, quyết tâm thực hiện trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Dự kiến số lượng bầu 500 đại biểu Quốc hội, cơ cấu nhà khoa học
Liên quan đến phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 – 2031, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết bối cảnh cuộc bầu cử lần này thể hiện ở 4 vấn đề đó là, những đổi mới trong Hiến pháp 2013; Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp: cấp tỉnh và cấp xã; sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc MTTQ Việt Nam.
Đặc biệt dự kiến bầu cử sớm hơn so với kỳ bầu cử trước để tạo sự đồng bộ với cấp ủy các cấp, kịp thời triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV. Dự kiến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 là ngày Chủ nhật 15/3/2026 và ngày 6/4/2026 họp phiên họp thứ nhất của Quốc hội.

Các đại biểu dự hội nghị tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội
Theo đó, phương hướng, nhiệm vụ tổ chức và công tác chuẩn bị, tinh thần chung là như bầu cử nhiệm kỳ trước, tuy nhiên, có yêu cầu mới là: ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bầu cử, trong quản lý danh sách cử tri, niêm yết danh sách ứng cử viên và công bố kết quả.
Số lượng đại biểu Quốc hội, dự kiến số lượng là 500 đại biểu, trong đó tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất là 40%. Định hướng chung về cơ cấu: Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) khoảng 10%; đại biểu tái cử khoảng 30%; đại biểu nữ tỷ lệ ít nhất 35%, đại biểu là người dân tộc thiểu số ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội. Đặc biệt có cơ cấu ĐBQH là các nhà khoa học.
Số lượng đại biểu HĐND, căn cứ vào quy mô dân số từng đơn vị hành chính; thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Định hướng chung đại biểu là người ngoài Đảng, phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 10% ở từng cấp. Đại biểu trẻ tuổi (dưới 35 tuổi), phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 15%. Đại biểu tái cử, phấn đấu đạt tỷ lệ không dưới 30%; bảo đảm ít nhất 35% người trong danh sách chính thức những người ứng cử là phụ nữ. Bảo đảm tỷ lệ hợp lý là người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm dân số của từng địa phương.
Về tiêu chuẩn đại biểu, cơ bản như kỳ bầu cử trước, tuy nhiên, có điểm mới là: ưu tiên người có trình độ về khoa học công nghệ; người được đào tạo cơ bản về pháp luật. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quán triệt yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 vừa qua là phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chuẩn khác.
Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 vừa qua, công việc trước mắt rất bộn bề, thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi cấp bách, nhân dân, cán bộ đảng viên đang mong chờ, nhiệm vụ phía trước rất nặng nề, gian khó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước cử tri và nhân dân.
Đảng ủy Quốc hội sẽ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ Nghị quyết số 60 ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; phối hợp chặt chẽ, thực chất, thường xuyên với Đảng ủy Chính phủ (hai bên sẽ tiến hành cuộc họp liên tịch vào chiều 22/4 để rà soát kỹ lưỡng, toàn diện, thống nhất nội dung, chương trình Kỳ họp); quán triệt kỹ lưỡng tới Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổ đảng các đoàn đại biểu Quốc hội để Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp.