Chủ tịch Quốc hội: Chính quyền địa phương sau sắp xếp đã vận hành tốt
Sáng 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4, 5 và 6/2025. Việc tổ chức vận hành thử nghiệm hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã mới sau sắp xếp là một trong những nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm, đánh giá cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành Phiên họp. Ảnh: VPQH
Sắp xếp lại không chỉ để gọn hơn mà còn để phát triển mạnh mẽ hơn
Trình bày tóm tắt Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4, 5 và 6/2025, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cho biết, cử tri và nhân dân cho rằng, thời gian qua Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nhất là việc triển khai khẩn trương, nghiêm túc các điều kiện phục vụ hoạt động của cấp ủy, chính quyền các xã (mới), tổ chức vận hành thử nghiệm hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã mới sau sắp xếp.
Đây là những tiền đề quan trọng để sáng 30/6 trên địa bàn cả nước đồng loạt tổ chức Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương về sáp nhập, thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã được diễn ra trang trọng, nghiêm túc, đúng quy định.
Lễ Công bố là sự kiện chính trị trọng đại, có tính lịch sử của đất nước, khi giang sơn sắp xếp lại không chỉ để gọn hơn mà còn để phát triển mạnh mẽ hơn. Sự kiện này không chỉ có ý nghĩa chính trị, hành chính đặc biệt quan trọng mà còn thể hiện quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước trong việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kết quả của sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; khẳng định tinh thần đổi mới, đoàn kết và thống nhất trong toàn quốc.
Qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tổng hợp được 998 kiến nghị của cử tri và đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Đến nay, Thường trực Ủy ban đã nhận được kết quả giải quyết, trả lời đối với 212 kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 9, tỷ lệ giải quyết, trả lời đạt 21,2%. Hiện còn 786 kiến nghị đang được trả lời, Thường trực Ủy ban sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ quan giải quyết, trả lời đúng hạn và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Cử tri cũng rất quan tâm đến việc triển khai và thực hiện 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị; hết sức quan tâm đến các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian qua, tạo thêm động lực, nguồn lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, sau sáp nhập, thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã mới, chính quyền địa phương đã được vận hành tốt, nhất là tại các xã thành lập mới ở khu vực đô thị. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại các xã thành lập mới ở vùng sâu, vùng xa phải quan tâm bố trí địa điểm làm việc, nghỉ ngơi của cán bộ, công chức được điều chuyển về xã mới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: VPQH
Từ thực tế đi kiểm tra một số phường, xã cho thấy, trung tâm dịch vụ hành chính công ở các phường, xã mới hoạt động rất tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. “Có những thủ tục hành chính trước đây là phải 10 ngày, nhưng do áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, có hướng dẫn thực hiện các nghị định của Chính phủ, các thông tư về phường xã thì đã rút xuống còn 4 ngày, người dân rất mừng” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, cần tiếp tục tập huấn về thủ tục hành chính, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về ý nghĩa, yêu cầu của tinh gọn bộ máy hành chính, đặc biệt là làm rõ hơn mục tiêu cuối cùng là để phục vụ người dân tốt hơn, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân; đồng thời, tiếp tục động viên các tầng lớp nhân dân, động viên cán bộ, công chức, nhất là những đồng chí hiện nay thay đổi môi trường công tác, đi xa hơn.
Quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm tra chất lượng, xuất xứ hàng hóa
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng phản ánh một số tình trạng cần được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quan tâm, có giải pháp khắc phục hạn chế trong thời gian tới như: tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng; tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng; tình trạng biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra như nhiều đợt mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở một số địa phương; việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân sẽ làm tăng chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Cùng với đó, tình trạng cháy nổ vẫn diễn ra, nhiều vụ gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tình hình đuối nước xảy ra vào mùa hè do nhu cầu vui chơi giải trí, đặc biệt là bơi lội của trẻ em và người lớn tăng lên; việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp chia tách thửa đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật đất đai chưa phù hợp với thực tế…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương 2 cấp cần tập trung quản lý chặt chẽ và tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là chú ý thực hiện tập trung vào hai lĩnh vực là thực phẩm ăn uống hàng ngày và thuốc trị bệnh như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga trình bày báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VPQH
Đồng thời, cần chú ý thực hiện cung ứng hàng hóa ở các siêu thị, các cửa hàng của Nhà nước và tư nhân để người dân có thể yên tâm tiêu dùng, tạo dựng niềm tin; có giải pháp cân đối cung cầu, bình ổn giá vật liệu xây dựng, qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên cả nước.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh thông tin, theo chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đã thảo luận, thống nhất với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường dự kiến sẽ tổ chức phiên giải trình với các Bộ liên quan đến 2 nhóm hàng chính, đó là thuốc giả và thực phẩm giả. “Theo kế hoạch trong tháng 7 hoặc đầu tháng 8, Ủy ban sẽ nhận báo cáo của các Bộ, ngành, các địa phương, đồng thời là đi khảo sát thực tế. Trong tháng 8 sẽ cùng với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ủy ban Dân nguyện và Giám sát tổ chức phiên giải trình” - ông Nguyễn Đắc Vinh cho hay.
Quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, Chính phủ cần đánh giá tác động của Thỏa thuận thương mại Việt - Mỹ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, qua đó có các chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trong tình hình mới. “Việc này Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, nhưng hiện nay đây là việc rất quan tâm của doanh nghiệp, kể cả xuất khẩu và nhập khẩu”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.