Chủ tịch Quốc hội: Công trình văn hóa phải phục vụ được người dân, không phải xây xong rồi không ai đến

Chiều 8-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Các đại biểu thảo luận tổ chiều 8-6. Ảnh: PHAN THẢO

Các đại biểu thảo luận tổ chiều 8-6. Ảnh: PHAN THẢO

Chính phủ đã trình Quốc hội về chương trình này với tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng, chiếm 63% (bao gồm vốn đầu tư phát triển 50.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 27.000 tỷ đồng).

Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ thêm để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của chương trình. Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tán thành với sự cần thiết đầu tư chương trình. Việc thực hiện chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Thảo luận chiều 8-6, đại biểu Quốc hội (ĐB) Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) đồng ý triển khai chương trình, nhưng ĐB băn khoăn chương trình có nguồn lực lớn, đối tượng thụ hưởng rộng, thời gian kéo dài, nhiều nhiệm vụ, mục tiêu… Do đó, ĐB đề nghị việc triển khai phải nhanh, kịp thời, vì thực hiện chậm sẽ mất nhiều thời gian, hiệu quả thấp.

Bên cạnh đó, vai trò, năng lực của con người thực hiện phải được chú trọng. “Văn hóa là lĩnh vực rộng, để văn hóa đi vào từng gia đình, từng người dân, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển thì việc triển khai chương trình phải chú ý tính hiệu quả”, ĐB nêu.

 ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long): Ảnh: PHAN THẢO

ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long): Ảnh: PHAN THẢO

ĐB Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) cũng đồng ý chương trình nhưng băn khoăn việc chồng chéo, trùng lắp với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, nhất là dự án dành cho bà con dân tộc thiểu số, ĐB cho rằng nên tích hợp về chương trình văn hóa.

Về quá trình triển khai, rút kinh nghiệm từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều địa phương gặp khó khăn, lúng túng, ĐB Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị chương trình này phải nghiên cứu cơ chế triển khai. Việc triển khai nên phân cấp nhiều cho các địa phương để họ linh hoạt, chủ động trong thực hiện; Trung ương chỉ nên quản lý mục tiêu và giám sát, còn thực hiện giao địa phương.

ĐB Ngọc Ánh cũng cho rằng, cần có giải pháp cụ thể để phát huy, phát triển các hình thức dân ca, dân vũ, nhằm có những nét văn hóa hết sức đặc sắc của các địa phương, trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc biệt.

 ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định). Ảnh: PHAN THẢO

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định). Ảnh: PHAN THẢO

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, chương trình có nguồn lực lớn, đề nghị tập trung đầu tư cho con người. “Những khoản đầu tư cho các công trình văn hóa đã trùng với các chương trình khác thì không đầu tư, mà dành để đầu tư cho con người. Trong lĩnh vực này, yếu tố con người là quan trọng nhất. Cần đầu tư để con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, bồi dưỡng các phẩm chất, giá trị văn hóa cốt lõi”, ĐB Nguyễn Văn Cảnh nêu.

Chương trình cũng dự kiến bao gồm đầu tư xây dựng và hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia. Về điều này, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần cân nhắc về tính hiệu quả, nguồn lực.

ĐB Lò Thị Luyến (Điện Biên) ủng hộ chương trình văn hóa nhưng cũng đề nghị rà soát kỹ để tránh chồng chéo, trùng lắp. Hiện nay các dự án văn hóa trong các chương trình mục tiêu quốc gia bị vướng mắc ở các địa phương, chậm thực hiện, do đó nên chuyển, tích hợp với chương trình văn hóa này để triển khai. “Quan trọng nhất là khi triển khai chương trình, phải quan tâm đến giải pháp thực hiện hiệu quả, quan tâm xem địa phương được thụ hưởng gì, người dân được thụ hưởng ra sao, các sản phẩm đầu ra thế nào”, ĐB Lò Thị Luyến nêu.

Phát biểu tại thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của văn hóa, đồng chí ủng hộ chương trình nhưng cũng còn nhiều băn khoăn. Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu Quốc hội thông qua chương trình thì tiền đã có, vấn đề là quy hoạch phải tốt.

Các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa phải gần dân, phục vụ được dân. “Các thiết chế văn hóa cũng cần được hoàn thiện. Hiện nay, các công trình văn hóa nhiều, di tích nhiều nhưng chưa được phát huy, do đó thời gian tới phải phát huy tốt hơn thì mới thu hút được khách du lịch”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

 Các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ chiều 8-6

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ chiều 8-6

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, nguồn lực triển khai chương trình cũng phải tính toán kỹ, vì hiện chúng ta đang có cùng lúc nhiều chương trình phải làm. Thủ tục thực hiện cũng phải nhanh, không được chậm trễ. Đầu tư các công trình văn hóa phải vì mục tiêu phục vụ dân, không phải xây xong rồi không ai đến.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, văn hóa là sức mạnh rất quan trọng để tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, bộ máy, con người thực hiện phải bảo đảm năng lực.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chu-tich-quoc-hoi-cong-trinh-van-hoa-phai-phuc-vu-duoc-nguoi-dan-khong-phai-xay-xong-roi-khong-ai-den-post743709.html