Chủ tịch Quốc hội: 'Cứ không làm được gì lại đổ hết cho thể chế là không đúng'
Sáng 24/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Cứ không làm được gì lại đổ hết cho thể chế là không đúng
Liên quan đến việc khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm nên không dám làm vẫn còn chậm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại các Kỳ họp trước, các đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề tại sao lại có tình trạng nêu trên, do vướng mắc về hệ thống pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện, hay do cả hai và mức độ đến đâu?
Chủ tịch Quốc hội thông tin, để giải đáp những câu hỏi này, tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội đã giao cho Chính phủ nhiệm vụ tổng rà soát hệ thống pháp luật hiện nay, từ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ, các quyết định cá biệt của Thủ tướng có tính quy phạm pháp luật.
Chính phủ đã tích cực và nghiêm túc triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thành lập một tổ công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm tổ trưởng để thực hiện rà soát hệ thống pháp luật, bảo đảm tính độc lập về kết quả rà soát, đồng thời hỗ trợ công tác rà soát của Chính phủ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tuy đánh giá độc lập, nhưng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật, đều thống nhất cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát nói chung và trong 22 lĩnh vực trọng tâm nói riêng đều cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; cơ bản đáp ứng các yêu cầu về tính thống nhất, tính đầy đủ, tính đồng bộ, tính khả thi, kiến tạo phát triển đất nước và hội nhập quốc tế...
“Kết quả rà soát này phù hợp với kết luận của Trung ương và Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, giải đáp được câu chuyện "cứ không làm được gì lại đổ hết cho thể chế" là không đúng. Chẳng lẽ năm ngoái tăng trưởng hơn 8% là do hệ thống pháp luật năm ngoái tốt hơn năm nay? Không phải như vậy. Tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội chịu tác động của rất nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, cả trong nước và ngoài nước. Hệ thống pháp luật nước ta ngày càng hoàn thiện, ngày càng đầy đủ hơn”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ trong lĩnh vực đầu tư công, Luật Đầu tư công có một vài điểm nhưng cũng không vướng mắc gì cho khâu tổ chức thực hiện. Thực tế cũng cho thấy, có những năm như năm 2020 giải ngân đầu tư công đạt gần 100%, năm nay chúng ta phấn đấu đạt 95% kế hoạch trong khi tổng mức đầu tư công cao gấp đôi các năm khác, lên đến gần 700 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết, cũng không phải tất cả vướng mắc đều do khâu tổ chức thực hiện. Qua rà soát cho thấy, có vướng mắc do hệ thống pháp luật còn có những điểm chồng chéo, chưa hợp lý, nhưng số lượng văn bản phát hiện chồng chéo, mâu thuẫn là không nhiều.
Nhiều nội dung địa phương phản ánh thì thực chất không phải do luật có vướng mắc mà là do chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, hoặc do cách hiểu ở dưới chưa đúng hoặc địa phương hỏi nhưng bộ, ngành không trả lời, trả lời chung chung, cũng có những văn bản ban hành chưa kịp thời...
Một kết luận rất đáng mừng nữa, theo Chủ tịch Quốc hội là có đến 70% số lượng các văn bản phát hiện có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo thì hiện đã nằm trong các dự án luật đang chuẩn bị được Quốc hội xem xét, thông qua.
Giải quyết được các dự án chậm triển khai sẽ kích thích được thị trường bất động sản
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề cập đến những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, đặc biệt là giải pháp tháo gỡ cho các dự án “đắp chiếu” nhiều năm.
Theo Bí thư Hà Nội, Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai, vừa qua thành phố đã hủy hơn 100 dự án. Sau khi thu hồi, thành phố làm quy trình đấu thầu, đấu giá hàng nghìn héc ta.
Vừa qua đã có nhiều quyết sách, chủ trương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản nhưng hiệu quả thực chất vẫn còn hạn chế do gặp phải những vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư.
Từ thực tiễn ở Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, trước đây nhiều doanh nghiệp được giao đất thực hiện dự án mà không qua đấu thầu. Doanh nghiệp nhận đất nhưng không thực hiện dự án, gây lãng phí nguồn, khiến nhân dân bức xúc.
“Nếu chiếu theo quy định pháp luật hiện nay thì việc giao đất cho doanh nghiệp như vậy là sai. Trước đây, không đấu thầu, không đấu giá, chỉ giao như vậy là doanh nghiệp bỏ vốn ra làm, cái thì giải phóng mặt bằng xong, cái đầu tư hạ tầng nửa vời”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu thực tế.
Điều đáng bàn là, để làm tiếp các dự án như trên “cũng thấy lo”, vì không biết tháo gỡ những vướng mắc về mặt cơ chế bằng cách nào. Để các dự án này "chạy" được, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng: "Phải chăng Quốc hội cho giám sát tổng thể, sau đó cho chủ trương tính đúng, tính đủ theo giá đất hiện nay, dự án nào không có khả năng triển khai tiếp thì thu hồi"?.
Theo Bí thư Hà Nội, nếu giải quyết được các dự án chậm triển khai sẽ kích thích được thị trường bất động sản, thị trường vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm… đồng thời còn góp phần thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.