Chủ tịch Quốc hội: đã có Ban chỉ đạo, tại sao hàng giả diễn ra số lượng lớn?
'Trong thời gian qua, chúng ta đã bắt nhiều tấn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Luật đã có, Ban chỉ đạo cũng đã có từ Trung ương đến địa phương nhưng tại sao lại để hàng gian, hàng giả, hàng nhái diễn ra với số lượng lớn như thế?' - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt vấn đề tại phiên thảo luận tổ ngày 23/5.
Ngày 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về 6 nội dung: (1) đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025; (2) phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023; (3) việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; (4) việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; (5) công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; (6) kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ 13 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hậu Giang, Lào Cai, Bắc Ninh, Đắk Lắk). Ảnh: Quochoi.vn
Người dân hoang mang vì hàng hàng giả, hàng nhái tràn lan
Phát biểu tại tổ 13 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hậu Giang, Lào Cai, Bắc Ninh, Đắk Lắk), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chỉ ra những khó khăn phải đối mặt trong những tháng còn lại của năm 2025. Theo đó, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại gia tăng, chính sách bảo hộ từ các nền kinh tế lớn tiềm ẩn rủi ro đối với xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Về mặt chủ quan, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tiến độ chậm. Sức mua, phục hồi chậm ở một số lĩnh vực, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước chưa thực sự mạnh mẽ. Người dân hoang mang, lo sợ vì hàng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan…
Những điều này đặt ra nhiều thách thức cho việc phát triển kinh tế, xã hội, đòi hỏi không được phép chủ quan, lơ là. Theo đó cần linh hoạt trong chiến lược thương mại, đàm phán quốc tế. Chú trọng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.Thúc đẩy lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hiện nay. Tăng cường xuất khẩu, bên cạnh củng cố thị trường truyền thống cần mở rộng các thị trường mới, nhiều tiềm năng.
“Đầu tháng 4/2025 tôi đã có chuyên công tác tại Armenia, Uzbekistan. Nước bạn cho biết rất cần thị trường Việt Nam và chúng ta cũng rất cần thị trường của hai nước này. Mới đây, đầu tháng 5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chuyến công tác tại Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus, đây là những thị trường truyền thống ở Trung Á mà chúng ta còn ít quan hệ. Trong thời gian tới chúng ta cần phải tăng cường” - Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phải chú trọng cải thiện an sinh xã hội, nhất là giải quyết tình hình thất nghiệp, không có việc làm. “Hiện nay chúng ta đẩy mạnh sắp xếp bộ máy nhưng sắp xếp xong thì số cán bộ, công chức, viên chức, nhóm đối tượng bị ảnh hưởng đó làm gì để tiếp tục ổn định cuộc sống, cần phải có giải pháp” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ 13. Ảnh: Quochoi.vn
“Muốn người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì hàng phải chất lượng”
Trước bức xúc của dư luận về vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng gần đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cũng như Ban chỉ đạo 389 tại các tỉnh cùng với các sở, ban, ngành liên quan phải tích cực vào cuộc, tăng cường quản lý thị trường, xử lý quyết liệt hơn nữa để người tiêu dùng tin tưởng, an tâm.
“Trong thời gian qua, chúng ta đã bắt nhiều tấn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Luật đã có, Ban chỉ đạo cũng đã có từ Trung ương đến địa phương nhưng tại sao lại để hàng gian, hàng giả, hàng nhái diễn ra với số lượng lớn như thế? Vấn đề này chúng ta phải kiểm điểm nghiêm túc. Với hơn 100 triệu dân, chúng ta có thị trường nội địa rất lớn. Muốn người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì hàng phải chất lượng” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Quốc hội tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng với Chính phủ cải cách thể chế pháp luật mạnh mẽ, thực sự tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025. Quốc hội đã làm việc trên tinh thần hết sức tích cực, khẩn trương, ngay tại Kỳ họp thứ 9, hai Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 ) được Quốc hội hết sức ủng hộ, thể chế hóa ngay thành Nghị quyết số 197 và Nghị quyết số 198 của Quốc hội.
"Chỉ trong chưa đầy 2 tuần sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết thì Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết thể chế hóa chủ trương của Đảng để triển khai thực hiện. Bây giờ khâu triển khai thực hiện làm sao cho tốt để từ nay tới 6 tháng cuối năm chúng ta phải đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nêu rõ, ngoài cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, còn nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước trong thời gian tới, trong đó kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025); 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2026); Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; Bầu cử Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp… Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian không còn nhiều, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Bong bóng giá vàng có thể bị "xì hơi"
Thảo luận ở tổ, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) phân tích về xu hướng tăng giá của vàng và tác động cực kỳ to lớn của mặt hàng kim loại quý này đối với lạm phát, bất ổn của kinh tế. Bong bóng giá vàng có thể bị "xì hơi".

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng thảo luận tổ. Ảnh: VOV
Dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cho biết, từ đầu năm đến nay giá vàng đã tăng gần 30% và lập đỉnh 28 lần, chạm mốc 3.500USD/ounce ngày 23/4/2025. Ngân hàng JPMorgan dự báo đà tăng giá vàng vẫn tiếp tục và có thể đạt mốc 4.000 USD/ounce vượt xa các dự báo trước đó. Báo chí từng thông tin có người lỗ hàng trăm triệu đồng chỉ trong vài ngày do biến động khó lường của giá vàng. Giá vàng tăng mạnh tạo ra tác động sâu rộng, không chỉ trong lĩnh vực tài chính mà còn ảnh hưởng đến đời sống của từng người dân.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, những tác động tiêu cực của giá vàng không thể bỏ qua. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong năm 2024, giá vàng tăng khoảng 13,78%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,2%. Đây là sự liên kết của giá vàng với hàng hóa tiêu dùng. Vàng tăng sẽ dẫn đến áp lực lạm phát lớn: “Khi hàng hóa tiêu dùng đắt đỏ, sẽ dẫn đến chi phí sản xuất và phân phối tăng theo. Điều này sẽ gây suy giảm sức mua của người dân, đặc biệt là đối với các nhóm thu nhập thấp, đồng thời làm gia tăng chi phí sinh hoạt cho đại bộ phận người dân” - đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ngân hàng Nhà nước cảnh báo nếu giá vàng tiếp tục tăng mạnh, chúng ta có thể phải đối mặt với một đợt lạm phát phi mã, khiến giá hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, xăng dầu và vật liệu xây dựng đẩy giá lên cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nền kinh tế. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải điều hành vàng rõ ràng, giảm thiểu biến động và đồng thời thúc đẩy đầu tư vào sản xuất thay vì vào các tài sản dễ biến động.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Thái Thu Xương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) cũng đề cập tình trạng giá vàng tăng quá mức thời gian qua mà không được kiểm soát. Khi giá vàng tăng, giá các mặt hàng thực phẩm cũng tăng theo gây khó khăn cho người dân, trong khi tỷ lệ người dân mất việc làm, thất nghiệp đang gia tăng. Giá vàng tăng hiện nay không phản ánh giá trị thực.
“Đặc biệt, khi giá vàng tăng cao, người dân tiếp tục đổ xô đi mua bán, đầu cơ càng làm cho giá vàng tăng đột biến. Khi giá vàng tăng đã kéo theo giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng theo càng làm cho đời sống người dân gặp khó khăn, lạm phát càng tăng cao. Vì thế các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xem giá vàng tăng vì đâu để từ đó có giải pháp để ghìm cương giá vàng” - đại biểu Thái Thu Xương nói.