Chủ tịch Quốc hội: Di sản văn hóa cần được xem là nguồn lực cho phát triển

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua.

Sáng 17/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Di sản văn hóa quy định tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể và di sản tư liệu, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được thông qua, bao gồm: Chính sách 1 về hoàn thiện quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể (di tích; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia), di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; Chính sách 2 về nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ trung ương đến địa phương; Chính sách 3 về tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bám sát, nội luật hóa các nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của UNESCO về đối tượng, loại hình, tên gọi các loại hình di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa...

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Về sở hữu di sản văn hóa, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình nội dung này; đồng thời, quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có).

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra.

Về Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa, một số ý kiến cho rằng, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước” yêu cầu Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động các quỹ tài chính của một số luật, do vậy đề nghị tiếp tục cân nhắc về việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa.

Di sản là nguồn lực cho phát triển

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc sửa đổi căn bản Luật Di sản văn hóa là phù hợp. Góp ý về chính sách nhà nước về di sản văn hóa tại dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, di sản văn hóa cần được xem là nguồn lực cho phát triển, cần được bảo tồn và phát huy. Mối quan hệ bảo tồn và phát huy cần được rà soát trong tổng thể văn bản luật với tinh thần kiến tạo phát triển. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung chủ trương, chiến lược về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư, kinh tế văn hóa; bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn, phát huy di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, di sản văn hóa quý hiếm có nguy cơ thất truyền…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần xem xét giữa di sản tư liệu và bảo vật quốc gia được quy định trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với tài liệu lưu trữ, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt được quy định trong Luật Lưu trữ (sửa đổi), đồng thời đề nghị cần rà soát tính thống nhất với Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, nhất là liên quan đến phê duyệt triển khai và có ý kiến đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa là không thống nhất với Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Quy hoạch chỉ có quy định danh mục quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, không có quy hoạch di tích, danh lam thắng cảnh. Theo dự thảo luật, trong quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lại tách ra thành di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt với loại di tích thông thường, với thẩm quyền, quy trình thủ tục khác nhau. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hai phần này vẫn nằm trong loại quy hoạch đã được quy định, hay bổ sung quy hoạch mới, căn cứ lập quy hoạch này như thế nào, loại quy hoạch nào được tổ chức thực hiện trong quy hoạch quốc gia.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay, có hơn 20 luật có liên quan đến di sản; trong quá trình rà soát, cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc, cầu thị để tránh việc các quy định bị chồng chéo, giao thoa. Về di sản tư liệu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là vấn đề mới, khi Việt Nam tham gia các điều ước quốc tế, di sản tư liệu được UNESCO công nhận, xác định là một loại hình di sản độc lập với loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, được thể hiện thông qua chương trình ký ức thế giới của UNESCO về di sản được công bố năm 1992 và hướng dẫn thực hiện năm 2002. Thời điểm đó, Việt Nam đã tham gia chương trình này và thống nhất, cam kết thực hiện. Theo UNESCO thì loại hình này không nằm trong di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Do đó, cần có một điều khoản riêng hoặc xây dựng một chương riêng về di sản tư liệu...

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/chu-tich-quoc-hoi-di-san-van-hoa-can-duoc-xem-la-nguon-luc-cho-phat-trien-i728506/