Chủ tịch Quốc hội: Nhiều nơi cứ bí thư, chủ tịch mới là thay đổi quy hoạch
Chủ tịch Quốc hội trăn trở vấn đề quy hoạch ở các tỉnh thiếu tính dài hạn, bí thư, chủ tịch ở nhiệm kỳ này quy hoạch như thế rồi nhiệm kỳ sau lại thay đổi.
Tại phiên thảo luận tổ chiều nay (10/5), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Luật Quy hoạch được Quốc hội khóa XIV ban hành và Chính phủ có Nghị định, thông tư hướng dẫn, nhưng đến nay nhiều vấn đề ách tắc. Do đó, lần sửa luật này, cần tính toán cẩn trọng hơn, tích hợp, đồng bộ, liên kết các quy hoạch quốc gia - tỉnh - vùng.
Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tới đây, cần quy định rõ cơ chế phối hợp giữa bộ ngành, địa phương trong lập, thẩm định, thực hiện quy hoạch. Đặc biệt, cần tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại thảo luận tổ chiều nay. (Ảnh: Quochoi.vn)
Về phạm vi sửa đổi, Luật Quy hoạch lần này tập trung phục vụ cho sắp xếp bộ máy hành chính theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Quốc hội sẽ quyết, Chính phủ, bộ ngành phân cấp xuống địa phương, chứ không phải một danh mục dự án Quốc hội quyết rồi, địa phương lại phải lên làm việc với bộ ngành.
"Lần này sửa luật Quy hoạch phải phân cấp, phân quyền mạnh. Quốc hội ban hành luật khung, Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn, bộ ngành ra thông tư để địa phương thực hiện và làm đồng bộ", ông Mẫn nói.
Điều Chủ tịch Quốc hội đặc biệt quan tâm là quy hoạch phải đảm bảo tính minh bạch và đồng bộ. "Phải quy định rõ những việc như công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân, đặc biệt nhóm chịu tác động trực tiếp của quy hoạch; thiết lập cơ chế giám sát đảm bảo quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện vì lợi ích cục bộ", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Nhắc đến bài học kinh nghiệm khi đi nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội cho biết mỗi tỉnh, thành phố ở các nước có sa bàn quy hoạch với tầm nhìn dài hạn và người dân được xem.
Trong khi đó, ở nước ta, nhiều khi bí thư, chủ tịch nhiệm kỳ này quy hoạch như thế nhưng nhiệm kỳ sau người khác nên lại thay đổi, bổ sung quy hoạch. Vì thế, quy hoạch không có tính minh bạch, công khai, đồng bộ do liên tục thay đổi.
Đây là vấn đề cần tính toán thật kỹ, cần tăng cường cơ chế thực thi và giám sát. Quy hoạch minh bạch, công khai dưới sự giám sát của nhân dân, được nhân dân đồng thuận thì triển khai sẽ tốt, khả thi, theo lời ông Mẫn.
Về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng cần rút ngắn theo hướng giản lược các bước, không phải xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch, không phải thực hiện đánh giá môi trường, sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, ông lưu ý cần cân nhắc vì với những điều chỉnh làm thay đổi quy mô, nội dung lớn như thay đổi định hướng phát triển mục tiêu sử dụng đất mà không đánh giá môi trường chiến lược sẽ tác động xấu tới môi trường, tiềm ẩn rủi ro cho phát triển bền vững.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn Bắc Ninh) đánh giá, nước ta có hệ thống quy hoạch rất phức tạp, với 3 loại quy hoạch do Quốc hội phê duyệt, 39 loại quy hoạch ngành quốc gia và 63 quy hoạch cấp tỉnh do Thủ tướng phê duyệt. Các loại quy hoạch này có mục đích, tiêu chí và thời hạn khác nhau, gây khó khăn trong việc đảm bảo tính thống nhất và liên kết.
"Với hệ thống quy hoạch như vậy thì làm thế nào, cơ sở nào để đánh giá, bảo đảm sự thống nhất, phù hợp của các loại quy hoạch với nhau. Điều này gần như không tưởng", ông Bảo nêu quan điểm.
Dẫn thông tin từ giám sát tối cao của Quốc hội về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội vừa qua, đại biểu Bảo cho biết, giám sát đã chỉ ra một trong những vấn đề cần phải tháo gỡ khó khăn chính là hệ thống quy hoạch và hệ thống pháp luật về quy hoạch. Dù vậy, theo đại biểu, Luật Quy hoạch hiện nay vẫn chưa giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn vừa qua.
Do vậy, về lâu dài, theo đại biểu, cần có sự nghiên cứu, cải cách sâu rộng hơn về thể chế, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của các nghị quyết về chiến lược phát triển. Cần xác định rõ vai trò của quy hoạch là công cụ quản lý nhà nước cứng hay là công cụ định hướng phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả.