Tiết kiệm, chống lãng phí: Cần một cuộc cải cách thực chất

Theo đại biểu Quốc hội, muốn tạo bứt phá bền vững, công tác tiết kiệm, chống lãng phí cần một cuộc cải cách thực chất, có những hành động cụ thể, rõ ràng.

Thiếu lớp học, thừa trụ sở công

Tại phiên thảo luận ở Tổ vào sáng ngày 23/5 về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn Hải Phòng) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành nền kinh tế, đặc biệt là duy trì ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh đầy biến động.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn TP Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn TP Hải Phòng

Liên quan đến vấn đề thực hành tiết kiệm, đại biểu cho rằng, ngoài việc tinh giản bộ máy, cần có cơ chế thu hồi hoặc đánh thuế cao đối với đất chậm sử dụng. Ông đề xuất áp dụng hệ số sử dụng đất: nếu sau thời hạn giao đất mà chủ đầu tư không triển khai đúng tiến độ thì cần có biện pháp xử lý rõ ràng, từ phạt thuế đến thu hồi.

Không thể để tình trạng địa tô đất bị găm giữ hàng chục năm mà không ai đụng đến. Đó là một hình thức lãng phí tài nguyên nghiêm trọng và làm giảm hiệu quả đầu tư”- ông nhận định.

Ngoài ra, đại biểu đặc biệt quan tâm tới sức ép thi cử trong giáo dục phổ thông, nhất là kỳ thi vào lớp 10. “Đây là một điểm nghẽn tâm lý đang khiến nhiều học sinh mất định hướng và tự ti về năng lực bản thân”- đại biểu dẫn chứng từ phản ánh của cử tri và nhấn mạnh: “Chúng ta đang thiếu lớp học nhưng lại thừa trụ sở công”.

Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Chu Hồi đề nghị cần xem xét lại tính cần thiết của kỳ thi này, nhất là trong bối cảnh có nhiều trường, học sinh chen chúc nộp đơn từ 2 giờ sáng.

Đại biểu đề nghị: “Nếu có thể thay đổi một kỳ thi, chúng ta có thể giải quyết nhiều vấn đề từ áp lực tâm lý đến định hướng học tập. Đây cũng là cách thể hiện tính nhân văn và phù hợp với chủ trương nuôi dưỡng thế hệ tương lai của Đảng và Nhà nước. Nó không chỉ là câu chuyện về giáo dục, mà còn là biểu hiện rõ ràng của sự bất hợp lý trong phân bổ nguồn lực công”.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, đến lúc cần nhìn thẳng vào những điểm nghẽn cũ, như quản lý đất đai, sử dụng tài sản công để thực hiện cải cách một cách thực chất, thay vì chỉ điều chỉnh mang tính kỹ thuật.

Từ con số tiết kiệm ngân sách đến giải pháp chống lãng phí

Góp ý tại Tổ, đại biểu Nguyễn Minh Quang (Đoàn TP. Hải Phòng) đồng tình với đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách.

Có thể khẳng định, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong việc hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật và tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách gây lãng phí nguồn lực như trong quản lý đất đai, xử lý các dự án chậm triển khai, hay tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước yếu kém”- đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Minh Quang - Đoàn TP Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Minh Quang - Đoàn TP Hải Phòng

Theo đại biểu, việc tiết kiệm chi ngân sách trong năm 2024 đạt hơn 64.000 tỷ đồng từ 30 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Đây là một con số cụ thể, có ý nghĩa thực chất.

Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, đã sắp xếp, xử lý 205.862 cơ sở nhà, đất và thu hồi 172 dự án chậm đưa vào sử dụng với diện tích gần 7.000 ha. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng phát huy hiệu quả, với tổng số tiền kiến nghị thu hồi về ngân sách lên tới hơn 85.000 tỷ đồng.

Có thể nói, năm 2024, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt nhiều kết quả tích cực”- ông nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông, bên cạnh những kết quả nêu trên, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế.

Trước hết, việc hoàn thiện thể chế vẫn là “nút thắt” lớn gây lãng phí nguồn lực, đặc biệt là trong quản lý đất đai, phân cấp phân quyền và cắt giảm thủ tục hành chính. Một số quy định pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn chung chung, thiếu cụ thể, gây khó khăn trong triển khai.

Tình trạng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Việc chậm giải ngân không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư mà còn phát sinh chi phí lớn, làm lãng phí nguồn lực và phải chuyển nguồn cuối năm.

Toàn cảnh phiên họp tại Tổ chiều 23/5

Toàn cảnh phiên họp tại Tổ chiều 23/5

Trong quản lý tài sản công, nhiều trụ sở, nhà công vụ sau sắp xếp chưa được xử lý dứt điểm, gây lãng phí và tiềm ẩn rủi ro. Công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là vấn nạn quảng cáo sai sự thật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, quyền lợi và niềm tin của nhân dân.

Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Minh Quang đề nghị cần giao rõ trách nhiệm cho từng bộ, ngành theo hướng: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, đúng như Thủ tướng đã yêu cầu. Đồng thời, cần sớm hoàn thiện cơ chế pháp lý và tăng cường phối hợp liên ngành để quản lý hiệu quả hơn, tránh gây thiệt hại cho người dân cũng như ngân sách nhà nước.

Từ những vấn đề cụ thể đó, các đại biểu đều cho rằng, chống lãng phí cần được nhìn nhận như một cuộc cải cách thể chế quy mô, chứ không chỉ là những khẩu hiệu hay những kế hoạch tiết kiệm chi tiêu hành chính.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tiet-kiem-chong-lang-phi-can-mot-cuoc-cai-cach-thuc-chat-389015.html