Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Không vì quy trình, thủ tục cứng nhắc mà làm chậm quá trình phát triển của đất nước

'Thực tiễn là thước đo. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì phải giải quyết ngay, không vì những quy trình, thủ tục cứng nhắc mà làm chậm quá trình phát triển của đất nước'. Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên thảo luận tổ sáng nay, 13.2.

Vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì phải giải quyết ngay

Thảo luận tại Tổ 13 sáng nay, 13.2, các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với các nội dung đề xuất sửa đổi tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhằm phục vụ công cuộc cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Các đại biểu cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát các vấn đề đã được Ủy ban Pháp luật lưu ý trong các báo cáo thẩm tra về 3 nội dung này.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, qua nhiều lần thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Chính phủ đã thống nhất quan điểm phải phân cấp mạnh cho Chính phủ để Chính phủ chủ động, kịp thời quyết định, điều hành, xử lý các vấn đề thực tiễn, giải quyết các điểm nghẽn, các rào cản để khơi thông nguồn lực phát triển.

"Thực tiễn là thước đo. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì phải giải quyết ngay, không vì những quy trình, thủ tục cứng nhắc mà làm chậm quá trình phát triển của đất nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nêu rõ, đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị trong quá trình xem xét, sửa đổi các Luật phải tiếp tục rà soát để bảo đảm phù hợp với các quy định của Hiến pháp, pháp luật hiện hành. Các luật sửa đổi trình Quốc hội tại Kỳ họp này phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, "khớp" với nhau.

Trao đổi làm rõ hơn một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu ra, như đề xuất bỏ HĐND cấp xã trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vừa qua Quốc hội đã cho thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... Những nơi thí điểm thì tiếp tục triển khai thực hiện, tổng kết và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét có nhân rộng được hay không.

Nêu rõ, hiện nay không thể "bỏ" HĐND cấp xã, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu không tổ chức HĐND cấp xã thì phải nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp; đây là vấn đề liên quan đến cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

"Chúng ta thực hiện cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Vậy thực hiện quyền làm chủ của nhân dân là ở đâu? Chính là ở Hội đồng nhân dân. Nếu đặt vấn đề không tổ chức Hội đồng nhân dân thì ngoài Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ra, nhân dân sẽ phát huy quyền làm chủ ở đâu? Cơ sở là nơi trực tiếp thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhân dân thông qua HĐND để thực hiện quyền làm chủ của mình, giám sát hoạt động của UBND", Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Quốc hội xem xét, thông qua các luật rất kỹ lưỡng. Thực tế, cùng một hệ thống pháp luật, có địa phương thực hiện tốt, rất chủ động, sáng tạo, không than khó gì với Trung ương, nhưng cũng có địa phương không thực hiện được, ách tắc việc này, việc kia thì lại đổ cho luật, cho nghị định, thậm chí có địa phương chưa làm đã than khó.

Để xử lý nhanh các công việc, vừa qua Quốc hội đã đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, giao quyền mạnh hơn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ủy quyền mạnh hơn cho Chính phủ.

"Lần này sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương là giao quyền mạnh cho Chính phủ, phân cấp mạnh cho Chính phủ, phân cấp mạnh cho địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát. Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện Luật, giám sát việc ban hành nghị định, thông tư của Chính phủ có đúng với là luật hay không. Hội đồng nhân dân địa phương cũng phải tăng cường chức năng giám sát mạnh hơn", Chủ tịch Quốc hội nói.

Cần có cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về quy định xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, "đây là chỉ sắp xếp tổ chức bộ máy thôi".

Chủ tịch Quốc hội nhất trí việc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét ban hành các văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội và định kỳ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Đây là điểm mới trong dự thảo Nghị quyết.

 Quang cảnh thảo luận tại Tổ 13

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 13

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy tới đây còn nhiều việc phải làm. Chỉ riêng về pháp luật đã có tới hơn 300 luật liên quan, hơn 5.000 văn bản liên quan nghị định, thông tư, không thể chỉ trong một Kỳ họp bất thường 6,5 ngày này có thể xử lý được hết mà phải tiếp tục thực hiện. Do đó, cần có cơ chế cho phép Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét ban hành các văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản giải quyết các vấn đề phát sinh để từ 1.3 tới bộ máy của nhà nước đi vào hoạt động.

"Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được sự hưởng ứng rất tốt trong nhân dân, trong cán bộ, đảng viên. Chúng ta sắp xếp để bộ máy tinh gọn nhưng phải mạnh. Làm thế nào để mạnh thì phải tạo điều kiện về cơ chế pháp lý thì bộ máy hoạt động mạnh. Muốn mạnh phải có con người. Phải chọn được người tinh hoa, người tài, người có đủ năng lực, phẩm chất để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân", Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhấn mạnh việc sửa đổi các Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý một số vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy phải bám sát chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật để bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tạo cơ sở pháp lý để bộ máy đi vào hoạt động, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nêu rõ "phải quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm nhưng phải bằng quyết làm nữa thì mới có sản phẩm cho đất nước".

Liên quan đến dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đánh giá, dự thảo Luật đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, thẩm quyền của Chính phủ và 8 nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể bảo đảm Chính phủ thực hiện chức năng của cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, tạo điều kiện cho Chính phủ chủ động, linh hoạt và tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Đại biểu cũng đánh giá cao việc quy định rõ về phân cấp, ủy quyền, làm rõ chủ thể, cơ chế chịu trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ với chính quyền địa phương.

“Quy định như tại Điều 8 dự thảo Luật sẽ làm rõ được chủ thể phân cấp, ủy quyền, cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp, ủy quyền. Đồng thời quy định rõ việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người được phân cấp ủy quyền không được phân cấp ủy quyền tiếp nhiệm vụ và quyền hạn mà mình đã được phân cấp, ủy quyền”, đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ khi ký các văn bản thay mặt Chính phủ; quy định rõ hơn về quyền hạn, nhiệm vụ của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đặc biệt là trong việc ban hành chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực; bổ sung quy định về nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan…

 ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nhất trí việc Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để toàn hệ thống các cơ quan nhà nước có thể tiếp tục hoạt động một cách liên tục, thông suốt trong và sau quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, ngay cả khi chưa kịp sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan, góp phần khẩn trương triển khai có hiệu quả cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Góp ý cụ thể về Điều 4 và Điều 6 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ, theo Kết luận số 121-KL/TW, Ban Chấp hành trung ương đã đồng ý với chủ trương sắp xếp theo hướng không tổ chức công an cấp huyện. Trên thực tế lực lượng Công an đã triển khai thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung tại Điều 6 để xác định việc thực hiện tố tụng hình sự, thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ do cơ quan nào đảm nhiệm để tránh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Điều 11 quy định việc rà soát văn bản trong thời gian 3 tháng kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực (1.3.2025). Đại biểu đề nghị cân nhắc khoản 2 - hoàn thành trước 28.2.2027 khi Nghị quyết hết hiệu lực - phải là "hoàn thành và bảo đảm các văn bản này có hiệu lực từ ngày Nghị quyết này hết hiệu lực".

Phạm Thúy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-khong-vi-quy-trinh-thu-tuc-cung-nhac-ma-lam-cham-qua-trinh-phat-trien-cua-dat-nuoc-post404359.html