Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân thăm Đại học Phương Đông Tashkent
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Uzbekistan, trưa 7/4 (theo giờ Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng đoàn đại biểu cấp cao nước ta thăm Đại học Phương Đông Tashkent.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội hy vọng, trong tương lai, nhiều sinh viên sẽ có cơ hội đến Việt Nam để học tập, làm việc, trải nghiệm trực tiếp cuộc sống và văn hóa của người Việt Nam, cũng như sự phát triển năng động của đất nước Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng đoàn đại biểu cấp cao nước ta thăm Đại học Phương Đông Tashkent.
Phát biểu tại trường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cảm ơn các thầy cô giáo đã góp công sức, trí tuệ trong việc giảng dạy tiếng Việt tại trường. Nhờ sự tận tâm, truyền cảm hứng của các thầy cô, ngày càng có nhiều sinh viên biết đến Việt Nam, tìm hiểu và yêu mến Việt Nam; bày tỏ xúc động trước những gương mặt trẻ đầy nhiệt huyết của các bạn sinh viên, những đại sứ văn hóa tương lai đã dành tình yêu và chọn tiếng Việt để học tập, chọn Việt Nam để trải nghiệm và kết nối.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nghiên cứu phương Đông không đơn thuần là việc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa hay ngôn ngữ của các quốc gia châu Á, mà còn là chìa khóa để giải mã những giá trị cốt lõi đã định hình nên các xã hội phương Đông qua hàng nghìn năm. Đây là nơi mà những giá trị nhân văn được bảo tồn, những ý tưởng lớn được ươm mầm, và những giải pháp sáng tạo được tạo ra để thúc đẩy sự tiến bộ và gắn kết toàn cầu trước một thế giới đầy biến động.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc nghiên cứu phương Đông giúp hiểu rõ hơn về sự giao thoa văn hóa, từ đó thúc đẩy sự hợp tác quốc tế và xây dựng một thế giới hòa bình, thấu hiểu lẫn nhau. Nghiên cứu phương Đông không chỉ là một lĩnh vực học thuật mà còn là một lăng kính quan trọng để nhìn nhận và giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Đại học Phương Đông Tashkent.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, lịch sử đã chứng minh, ngôn ngữ là cầu nối quan trọng để gắn kết con người với con người, dân tộc với dân tộc: "Việc các sinh viên học tiếng Việt không chỉ giúp hiểu về một ngôn ngữ, mà còn giúp khám phá một nền văn hóa giàu bản sắc của một dân tộc với hơn 100 triệu dân, có truyền thống kiên cường và sáng tạo, thân thiện và bao dung. Và hơn tất cả, các bạn đang góp một phần không nhỏ thắt chặt hơn tình hữu nghị giữa Việt Nam và Uzbekistan. Tôi hy vọng rằng, sau khi hoàn thành chương trình học, nhiều bạn sẽ trở thành những nhà ngoại giao, doanh nhân, giáo viên, phiên dịch viên, hoặc chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, trở thành cầu nối hợp tác giữa Việt Nam và đất nước các bạn, đóng góp vào sự phát triển chung của cả hai nước. Việt Nam chúng tôi luôn sẵn sàng chào đón các bạn".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, lịch sử đã chứng minh, ngôn ngữ là cầu nối quan trọng để gắn kết con người với con người, dân tộc với dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội mong, ngoài việc học ngôn ngữ, các sinh viên sẽ dành thời gian tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam để biết được sâu sắc về Việt Nam 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước; nhiều danh thắng quý giá, nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới; bên cạnh đó Việt Nam còn có nét ẩm thực phong phú, đa dạng, hấp dẫn, được nhiều du khách quốc tế đã từng thưởng thức và yêu thích.
Chủ tịch Quốc hội hy vọng, trong tương lai, nhiều sinh viên sẽ có cơ hội đến Việt Nam để học tập, làm việc, trải nghiệm trực tiếp cuộc sống và văn hóa của người Việt Nam, cũng như sự phát triển năng động của đất nước Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi biết Đại học Nghiên cứu Phương Đông Tashkent đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội từ năm 2011 và đã triển khai các chương trình nghiên cứu về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam; tin tưởng rằng, hợp tác hai nước sẽ ngày càng bền chặt hơn, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước sẽ càng sâu sắc hơn, cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, bền vững và thịnh vượng.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội và Phu nhân đã có cuộc gặp ngắn với Ban giám hiệu nhà trường, tại đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thúc đẩy quan hệ hợp tác về giáo dục giữa 2 nước, mong Đại học Phương Đông Tashkent và các trường đại học lớn của Việt Nam, thúc đẩy trao đổi sinh viên và giảng viên, phát triển các dự án nghiên cứu chung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giáo dục, tăng cường giao lưu văn hóa.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga chụp ảnh lưu niệm tại Đại học Phương Đông Tashkent.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng đề xuất Đại học Phương Đông Tashkent cử lãnh đạo, chuyên gia và học giả tham dự Hội thảo Việt Nam học lần thứ 7, dự kiến được tổ chức tại Việt Nam trong năm nay, do Đại học Quốc gia Hà Nội làm đầu mối tổ chức.
Đại học Phương Đông Tashkent, một trong những trường đại học danh tiếng tại Uzbekistan; trường đại học lâu đời nhất ở Uzbekistan về nghiên cứu phương Đông. Nơi đây chuyên đào tạo về các lĩnh vực khoa học xã hội, ngôn ngữ học, quan hệ quốc tế và nghiên cứu khu vực. Trưởng có nhiều chương trình hợp tác quốc tế với các trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Giảng viên của Trường là các chuyên gia, nhà ngoại giao và học giả uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu phương Đông. Đặc biệt, Trường có khoa giảng dạy tiếng Việt.