Xu hướng phát triển ngành công nghệ số tại các trường đại học
Nhiều doanh nghiệp hiện nay yêu cầu lao động có kinh nghiệm, trình độ và kỹ năng chuyên môn liên quan đến công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI). Nắm bắt xu hướng này, một số trường đại học lớn tại Hà Nội đã mở mới các ngành học ứng dụng công nghệ số để đào tạo sinh viên.

Các sinh viên làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo, Ðại học Bách khoa Hà Nội.
Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Ðại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ số tại Việt Nam.
Ngay từ năm 2017, trường đã mở mới chương trình đào tạo thạc sĩ khoa học dữ liệu; năm 2019 mở chương trình cử nhân khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI). Tại đây, sinh viên được đào tạo chuyên môn về nghiên cứu, xử lý, phân tích, biểu diễn dữ liệu; đổi mới sáng tạo, phát triển các hệ thống AI…
Em Tạ Ngọc Minh, sinh viên năm cuối ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông cho biết: "Em lựa chọn ngành AI vì em nhận thấy AI có thể là cầu nối nhiều lĩnh vực như khoa học dữ liệu, toán, thống kê… Em mong muốn sau khi tốt nghiệp đại học sẽ trở thành một giảng viên hoặc một chuyên gia về lĩnh vực AI để tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao".
Tháng 6 năm 2024, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông ra mắt chương trình đào tạo đầu tiên tại Việt Nam về kỹ sư chuyên sâu đặc thù về trí tuệ nhân tạo tạo sinh-Generative AI Engineer Program (GenAI).
Tại buổi ra mắt chương trình, PGS, TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Với chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù có thời hạn đào tạo chuẩn 1,5 năm, chúng tôi mong muốn không chỉ đào tạo nguồn nhân lực là cử nhân Ðại học Bách khoa Hà Nội, mà còn đào tạo các bạn cử nhân từ các cơ sở đào tạo khác trong cả nước có nhu cầu và mong muốn theo đuổi ngành nghề hứa hẹn trong tương lai".
Ðề cập đến nhu cầu việc làm liên quan đến lĩnh vực AI tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, TS Ðinh Viết Sang, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (BKAI), Ðại học Bách khoa Hà Nội cho biết, theo đánh giá hồi tháng 9/2023 của CNBC (kênh tin tức kinh doanh hàng đầu thế giới), số lượt tìm kiếm việc làm về GenAI trên Indeed đã tăng gần 4.000% trong năm 2022 và số cơ hội việc làm về GenAI đã tăng 306% so với cùng kỳ tháng 9/2022. Công việc yêu cầu kỹ năng GenAI có lương cao hơn 47% so với các công việc không liên quan tới GenAI, dù các công việc này đều trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Một môi trường đào tạo khác về khoa học công nghệ và AI là Ðại học Kinh tế Quốc dân. Năm 2024, nhà trường mở mới năm ngành công nghệ gồm: Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo (AI), Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin và An toàn thông tin. Việc mở mới các ngành này có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa, nâng cao vị thế nhà trường trong bối cảnh quốc tế, đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên trong thời đại công nghệ số.
PGS, TS Hà Minh Hoàng, khoa Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, Trường Công nghệ, Ðại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Một điểm nổi bật trong chương trình đào tạo ngành trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu là nhiều học phần được tổ chức theo hướng thực hành chủ động, nơi sinh viên được trực tiếp làm việc cùng giảng viên, tự mình tìm tòi, khám phá và giải quyết vấn đề. Mô hình này giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề, một năng lực cốt lõi trong bối cảnh AI ngày càng thay thế con người trong nhiều lĩnh vực".
Các trường đại học tư thục cũng không nằm ngoài cuộc đua về công nghệ số; trong đó phải kể đến Trường đại học Phenikaa với chương trình đào tạo vật liệu thông minh và trí tuệ nhân tạo (ngành Công nghệ vật liệu), Trường đại học Thăng Long với chuyên ngành đào tạo Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ tri thức…
Ngày 22/7/2024, Trường đại học CMC thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC cũng chính thức công bố chiến lược chuyển đổi "AI University", đào tạo các ngành công nghệ theo chuẩn ABET, các giáo trình cập nhật liên tục trong nước và trên thế giới với cam kết tạo việc làm cho tất cả các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.
Có thể thấy, xu hướng phát triển ngành công nghệ số, nhất là AI tại các trường đại học ở Hà Nội đang trở thành một phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Với sự mở rộng của các chương trình đào tạo công nghệ số, sinh viên sẽ có cơ hội để phát triển kỹ năng và kiến thức trong lĩnh vực này, giúp các em có lợi thế trong thị trường lao động, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghệ số tại Việt Nam.