Chủ tịch Trung Quốc: Trung Quốc sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài
CNN, NYT, Reuters ngày 22/9/2021 đưa tin, phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm thứ Ba, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc phát triển năng lượng xanh và carbon thấp, đồng thời sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài.
Chủ tịch Trung Quốc không cho biết thông tin chi tiết, nhưng động thái này sẽ giúp hạn chế đáng kể nguồn tài chính cho các nhà máy nhiệt điện than ở các nước đang phát triển. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhắc lại các cam kết từ năm 2020 rằng Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất về lượng khí thải carbon dioxide trước năm 2030 và đạt trung hòa carbon trước năm 2060. Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, vẫn phụ thuộc nhiều vào than cho nhu cầu năng lượng trong nước. Cho đến nay, Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới, cũng là nước cung cấp tài chính lớn nhất cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài, với quy hoạch điện than khổng lồ 40 GW. Việc đốt than phát thải nhiều carbon hơn đốt khí đốt tự nhiên hoặc dầu mỏ trong sản xuất điện.
Trung Quốc đã phải chịu áp lực ngoại giao nặng nề đối với việc chấm dứt tài trợ các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài. Đa số các quốc gia đang phát triển đã giảm mạnh việc khai thác và đốt than. Các dự án than của Trung Quốc đã gặp phải cản trở đáng kể ở các nước như Bangladesh, Kenya do sự phản đối của các nhóm môi trường. Cam kết của Trung Quốc có thể giúp thế giới dễ dàng hơn trong việc đáp ứng các mục tiêu của thỏa thuận Paris giảm lượng khí thải carbon. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Trung Quốc đã tuyên bố không tài trợ cho các dự án than mới như một phần của cam kết phát triển toàn cầu.
Phản ứng của các bên
Tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được đưa ra sau các động thái tương tự của Hàn Quốc và Nhật Bản đầu năm nay. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Đặc phái viên khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ John Kerry đã kêu gọi Trung Quốc có các cam kết như các đối tác châu Á trên. Đặc phái viên khí hậu John Kerry nhanh chóng hoan nghênh tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gọi đây là “một đóng góp to lớn” và “sự khởi đầu tốt đẹp” cho những nỗ lực cần thiết để mang lại thành công cho Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26 tại Glasgow, Scotland (31/10-12/11/2021). John Kerry cho biết Mỹ đã trao đổi với Trung Quốc trong một thời gian khá dài về vấn đề này và rất vui mừng khi biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra quyết định quan trọng này.
Chính quyền Biden đã đưa các chính sách về giảm thiểu biến đổi khí hậu trở thành ưu tiên hàng đầu và tìm cách hợp tác với Bắc Kinh trong lĩnh vực này. Một trong những động thái đầu tiên của Tổng thống Mỹ Biden sau khi nhậm chức là tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ về biến đổi khí hậu, đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận Paris.Mỹ đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc ngừng tài trợ xây dựng các nhà máy than ở nước ngoài. Trong năm 2020, Mỹ đã có mức sản xuất than thấp nhất so với bất kỳ năm nào kể từ năm 1965 và nhiệt điện chỉ chiếm 19% trong tổng sản lượng điện của Mỹ. Trước thềm các cuộc họp của Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Biden đã kêu gọi tất cả các quốc gia hành động để làm chậm lại biến đổi khí hậu, nếu không sẽ có nguy cơ tiến gần đến "một điểm không thể quay lại", thay thế các cam kết bằng hành động trước Hội nghị về biến đổi khí hậu ở Glasgow. Alok Sharma, Chủ tịch Hội nghị COP26 hoan nghênh cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc ngừng xây dựng các dự án than mới ở nước ngoài. cho biết đây cũng là một chủ đề chính trong các cuộc thảo luận của ông trong chuyến thăm Trung Quốc.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres hoan nghênh cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc ngừng tài trợ các dự án than ở nước ngoài và cả cam kết của Tổng thống Mỹ Biden làm việc với Quốc hội Mỹ để tăng gấp đôi quỹ khí hậu vào năm 2024, lên 11,4 tỷ USD mỗi năm để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu./.