Chủ tịch UBND tỉnh được quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác với quy định pháp luật

Phiên họp của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 19/2, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), trong đó Luật thể chế hóa quan điểm chỉ đạo về 'địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm'.

 Phiên họp của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thông qua nhiều dự thảo Luật, Nghị quyết quan trọng

Phiên họp của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thông qua nhiều dự thảo Luật, Nghị quyết quan trọng

Với 458 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 95,82%), Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Có ý kiến đề nghị thể chế hóa quan điểm chỉ đạo về "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" trong dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật, bảo đảm bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, bảo đảm phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", "cấp nào giải quyết hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó", đặc biệt là quy định tại Điều 4 (Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương), Chương III (Phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp) và các quy định tại Chương IV về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chính quyền địa phương từng cấp.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, Thường trực HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp và thống nhất với các quy định có liên quan.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp bảo đảm có sự phân biệt nhất định về phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở từng cấp, tạo cơ sở cho việc tiếp tục quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND các cấp trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước trong các luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi, ổn định, lâu dài của Luật.

Các đại biểu Quốc hội ấn nút điện tử thông qua dự án Luật

Các đại biểu Quốc hội ấn nút điện tử thông qua dự án Luật

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung các cơ chế đặc biệt để đổi mới mạnh mẽ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền địa phương khơi thông nguồn lực phát triển, chủ động và kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, đột xuất xảy ra trên thực tiễn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho bổ sung vào khoản 1 Điều 15 của dự thảo Luật quy định về việc HĐND cấp tỉnh được quyết định áp dụng thí điểm các chính sách đặc thù, đặc biệt, chưa được quy định trong pháp luật để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn sau khi đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung vào điểm e khoản 1 Điều 17 quy định về việc Chủ tịch UBND tỉnh được quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách khác quy định của pháp luật trong những trường hợp thật cần thiết vì lợi ích quốc gia, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn, báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Việc bổ sung các quy định này bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của địa phương nhưng vẫn bảo đảm được cơ chế kiểm soát của chính quyền cấp trung ương và bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chu-tich-ubnd-tinh-duoc-quyet-dinh-ap-dung-cac-bien-phap-cap-bach-khac-voi-quy-dinh-phap-luat-20250219093722089.htm