Chủ tịch Vinaconex: Không có chuyện rút khỏi dự án Cát Bà Amatina
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Vinaconex khẳng định sự việc nhận hoàn trả 2.200 tỷ đồng từ chủ đầu tư Cát Bà Amatina là hoạt động luân chuyển vốn bình thường.
Ngày 24/4, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 với toàn bộ tờ trình đều được thông qua.
Không có chuyện rút khỏi Cát Bà Amatina
Ở phiên thảo luận, cổ đông có câu hỏi về việc Vinaconex nhận hoàn trả 2.200 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, UPCoM: VCR) - chủ dự án Cát Bà Amatina (Hải Phòng) sau hơn 2 năm hợp tác. Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị khẳng định đây là hoạt động luân chuyển vốn bình thường giữa hai bên, không có chuyện công ty mẹ rút khỏi dự án trọng điểm như một số phương tiện truyền thông đưa tin.
Chia sẻ về dự án Cát Bà Amatina, ông Đào Ngọc Thanh cho biết dự án này đã tạm dừng hơn chục năm qua và chỉ mới khởi động lại từ năm 2020. Đến nay, dự án đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, các căn hộ trên đó đều có sổ đỏ, công tác thi công hạ tầng cơ bản đã xong.
Năm 2024, Vinaconex lên kế hoạch đưa dự án vào kinh doanh nếu thị trường bất động sản hồi phục. Đây là vấn đề quan trọng nhất, cần cân nhắc kỹ thời điểm của thị trường để tối ưu lợi ích thu được, đặc biệt đối với một dự án nghỉ dưỡng chứ không phải dự án nhà ở có nhu cầu cấp thiết như Cát Bà Amatina. Lãnh đạo Vinaconex hy vọng, nếu thị trường khởi sắc, có thể sẽ chuyển từ bán lẻ sang bán buôn hoặc bán một phần dự án để được giá hơn.
"Vinaconex ICT là công ty con nên chúng tôi đang tiếp tục bơm vốn cho dự án Cát Bà Amatina. Hiện, chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm đối tác và thể nào cũng ghi nhận một phần doanh thu của dự án trong năm nay", Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông thông tin tới cổ đông.
Trần tình thêm về chuyện nhận hoàn trả 2.200 tỷ đồng, Vinaconex cho biết số tiền này vốn huy động từ kênh trái phiếu mà có, sau này được góp vào để xây dựng 2 tòa khách sạn trong dự án. Tuy nhiên, với diễn biến thị trường ảm đạm như thời gian qua, ban lãnh đạo đã quyết định tạm thu hồi khoản tiền về để cân đối nợ trái phiếu, giảm áp lực trả lãi chờ đợi giai đoạn thuận lợi hơn.
Cố giữ biên lợi nhuận tối thiểu 2%
Liên quan tới câu hỏi giá vật liệu xây dựng tại dự án sân bay Long Thành có chiều hướng gia tăng, gây rủi ro đến kết quả kinh doanh của Vinaconex, ban lãnh đạo cho biết, doanh nghiệp đang triển khai hai gói thầu giá trị lớn ở "siêu dự án" này theo đúng sở trường năng lực là làm bê tông cốt thép, công tác mái kính, trần…
Giá trị bê tông cốt thép khoảng 500 tỷ đồng, Vinaconex đã chủ động mua trước nguyên vật liệu, dự kiến tháng 8/2024 có thể xong toàn bộ phần bê tông. Còn về phần mái, kết cấu thép thì nguyên liệu đều nhập khẩu hết. Phần sân đường bãi đỗ có giá trị trên ngàn tỷ đồng, Vinaconex cũng đã chủ động mua trước đá base, còn xi măng và thép thì nguồn cung nhiều.
"Dự án trọng điểm như sân bay Long Thành được Nhà nước đặc biệt quan tâm, luôn tạo điều kiện cho nhà thầu bằng hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Vinaconex chọn giải pháp chủ động đặt hàng lấy hàng trước để vào bãi trữ. Vì vậy, chúng tôi cơ bản kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu nên không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi phần vật liệu", ông Dương Văn Mậu, Phó Tổng giám đốc thường trực Vinaconex chia sẻ.
"Sân bay Long Thành là hạng mục lớn của nền kinh tế Việt Nam, là công trình lớn phải xây lắp hàng chục năm. Tuy nhiên Vinaconex cam kết sẽ làm tất cả những điều gì tốt nhất, uy tín nhất để trở thành nhà thầu lớn xây dựng dự án sân bay Long Thành", ông Đào Ngọc Thanh tiếp lời.
Song, đối với những dự án đầu tư công khác, vị Chủ tịch Hội đồng quản trị thừa nhận tồn tại khó khăn và thách thức nhất định. Chẳng hạn, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, trên thị trường đều khẳng định nhà thầu sẽ thua lỗ và thực tế đã có rất nhiều nhà thầu bỏ cuộc. Vậy nhưng đến thời điểm hiện tại, Vinaconex vẫn đứng vững, vẫn tiếp tục triển khai bất chấp có chỗ phải chịu lỗ. Điều đó nói lên bản lĩnh và uy tín của một nhà thầu lớn, là phương châm Vinaconex luôn hướng tới và đích cuối cùng là để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân được tốt hơn.
"Khó khăn bủa vây nhưng chúng tôi sẽ cố gắng đạt biên lợi nhuận tối thiểu 2% trong thời gian tới", Chủ tịch Đào Ngọc Thanh khẳng định trước cổ đông.
Kế hoạch "lãi to" là khả thi
Sau năm lợi nhuận sau thuế giảm sút mạnh, sang tới 2024, Vinaconex tự tin đặt mục tiêu lãi sau thuế 950 tỷ đồng, tăng 140% so với kết quả thực hiện năm trước (396 tỷ đồng). Mục tiêu tổng doanh thu cũng cao hơn khoảng 15% năm trước lên 15.000 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Vinaconex tin rằng, kế hoạch kinh doanh năm 2024 được xây dựng trên những cơ sở chắc chắn, nên 90% sẽ hoàn thành. Riêng quý I, doanh nghiệp cho biết đã ước lãi trên dưới 400 tỷ đồng, biến mục tiêu ngày càng trở nên khả thi.
Về kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023, Vinaconex sẽ phát hành thêm 64 triệu cổ phiếu cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 12% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 12 cổ phiếu). Sau khi chia cổ tức, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn lại của Vinaconex tính theo Báo cáo tài chính kiểm toán 2023 là 136,5 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị cũng công bố phương án chào bán gần 120 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chiếm 20% tổng số cổ phiếu lưu hành, với tỷ lệ 20% (người nắm giữ 5 cổ phiếu được quyền mua 1 cổ phiếu phát hành). Giá chào bán dự kiến 10.500 đồng/cổ phiếu, theo đó số tiền thu về hơn 1.200 tỷ đồng, được sử dụng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Thời điểm thực hiện hai phương án phát hành trên đây sẽ được Hội đồng quản trị quyết định sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Tính ra, nếu hai đợt phát hành diễn ra như kỳ vọng, vốn điều lệ của Vinaconex sẽ tăng từ 5.344 tỷ đồng lên 7.182 tỷ đồng.