Chú trọng phát triển ngành giống cây trồng

Giống là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định năng suất, chất lượng của cây trồng nên chất lượng của cây giống đóng vai trò quan trọng để sản phẩm tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Trang trại dưa lưới tại H.Long Thành vẫn chủ yếu phải sử dụng giống ngoại để trồng

Trang trại dưa lưới tại H.Long Thành vẫn chủ yếu phải sử dụng giống ngoại để trồng

Tuy là nước nông nghiệp nhưng lĩnh vực giống cây trồng ở nước ta vẫn còn nhiều thách thức như: số lượng giống được công nhận còn ít, đa số phải nhập khẩu, trên thị trường còn tồn tại giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Do đó, cần tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển ngành giống cây trồng trong nước bằng sự hỗ trợ thiết thực về mặt chính sách.

* Chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất

Với sự gia tăng nhanh về diện tích và sản lượng, sản xuất cây ăn trái tại Việt Nam đã và đang là trụ cột quan trọng trong nền nông nghiệp. Năm 2022, tổng diện tích trồng cây ăn trái trên cả nước đạt hơn 1,2 triệu ha với sản lượng khoảng 14 triệu tấn. Dự kiến cuối năm 2023, xuất khẩu cây ăn trái ước đạt 5 tỷ USD.

Tại diễn đàn "Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam" diễn ra ngày 26-12, Trưởng phòng Cây công nghiệp - cây ăn trái (Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quốc Mạnh nhận xét, tuy có hệ thống cơ cấu chủng loại đa dạng gồm 50 loại cây nhưng ngành cây ăn trái vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Tiêu biểu, cơ cấu giống chủ lực chủ yếu là cây địa phương, nhưng chỉ có 32 giống được công nhận từ năm 2008-2019. Mặc dù giai đoạn 2020-2022 tăng lên 120 giống nhưng nhìn chung, số lượng giống được công nhận còn rất ít.

Theo các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực giống cây trồng, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách về giống cây trồng như: công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng; bổ sung hướng dẫn về phương pháp giải trình tự gene; điều kiện gia hạn giống cây trồng; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam giống cây trồng chính…

Đồng Nai tuy có một số doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vốn cho công tác nghiên cứu, phát triển về giống cây trồng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nguồn cung cây giống trên thị trường vẫn phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu từ giống hoa, cây cảnh, cây ăn trái, nhất là những giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như: dưa lưới, dưa hấu không hạt, các loại rau ôn đới, các loại hoa cảnh giá trị cao…

Công ty TNHH Giống cây trồng Nông Hữu tại xã Long An (H.Long Thành) là doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Đài Loan, có thế mạnh nghiên cứu, sản xuất giống, nhất là giống cây hoa, rau màu… Mục tiêu của doanh nghiệp là sản xuất cây giống cung cấp cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu, nhất là thị trường nội địa vẫn còn rất giàu tiềm năng. Nguồn giống cung cấp đa dạng từ rau ăn lá, ăn trái nhiệt đới đến các loại rau ôn đới.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam Trần Xuân Định, hệ thống sản xuất giống của Việt Nam tuy nhiều nhưng năng lực hiện vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực của sản xuất hàng hóa, hướng đến xuất khẩu. Khâu yếu nhất của Việt Nam với ngành hàng hạt giống là giống rau, hoa. Mặc dù không thiếu những vùng khí hậu sản xuất được hạt giống các loại rau cận ôn đới nhưng Việt Nam vẫn phải nhập trên dưới 90% hạt giống rau, hoa với giá trị vài chục triệu USD. Số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh cây, hạt giống khá đông nhưng chưa thực sự mạnh. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long là vựa sản xuất lúa, trái cây nhưng số công ty sản xuất giống lúa lớn, có tiềm lực rất ít. Giống lúa là chủ lực nhưng vẫn còn trên 25% nông dân sử dụng giống “không cấp”.

* Cần hoàn thiện về chính sách

Cần hoàn thiện hơn về mặt chính sách, nhất là về Luật Trồng trọt để tạo môi trường phát triển giống cây trồng trong nước là nội dung được cả các cơ quan chức năng đến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng quan tâm, góp ý.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Công ty CP Nafoods Group (tỉnh Nghệ An) Nguyễn Văn Viết cho biết, giống cây là công nghệ lõi, chất lượng của giống đóng vai trò quan trọng để sản phẩm tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, thị trường cây giống, đặc biệt là cây ăn trái, vẫn tồn tại hiện tượng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Có nhiều doanh nghiệp không đầu tư máy móc, công nghệ, sử dụng các phương thức kiểm nghiệm thông thường nên giống không đảm bảo, gây nhiễu loạn thị trường. Đề nghị cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị nhằm ngăn chặn việc bán tràn lan các giống cây không rõ nguồn gốc. Cục Trồng trọt và các cơ quan chức năng cần kiểm soát, tìm cách ngăn chặn; đồng thời, hướng dẫn cho các doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc về chính sách; góp phần tái cơ cấu ngành, tăng thu nhập cho người dân trực tiếp sản xuất trên những cánh đồng.

Dưới góc nhìn khác, ông Nguyễn Thanh Minh, đại diện Trung tâm Hỗ trợ dịch vụ giống cây trồng - Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam chỉ ra, tình hình thực thi bản quyền giống cây trồng chồng chéo, gây khó cho người nghiên cứu. Kiến nghị Bộ NN-PTNT cần ban hành một văn bản liệt kê các trường hợp cụ thể, tránh việc quyết định hết hạn lại được tiếp tục gia hạn cho các công ty được sử dụng các sản phẩm giống, quyền tác giả bị chuyển đổi… Cần có một giới hạn cho quyền bảo hộ để tất cả mọi người có quyền sử dụng.

Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thị Mai Hiên cho hay, hiện có giống lúa, giống bắp đã hoàn thiện được toàn bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý, sử dụng, khai thác, sản xuất và kinh doanh. Thời gian tới, đề nghị sớm ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các giống cây trồng nông nghiệp chính là cà phê, cam, bưởi, chuối...

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202312/chu-trong-phat-trien-nganh-giong-cay-trong-1a64bed/