Chùa Bà Ðức Sanh ở Phan Thiết

Theo truyền thuyết văn hóa tín ngưỡng dân gian Trung Hoa xưa thì thượng đế đã đưa 'Tam vị Thánh Mẫu' là Vân Tiêu, Bích Tiêu và Quỳnh Tiêu xuống trần phụ trách việc an thai sinh nở cho phụ nữ, lại phù hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt mà dân gian gọi là Mẹ Sinh, Mẹ Dưỡng và Mẹ Độ. Đồng thời trong 'Thánh Mẫu' còn có 12 Bà Mụ trông coi 12 con giáp nữ gọi là 'Thập nhị hoa nương' và 12 Bà Mụ trông coi 12 con giáp nam gọi là 'Thập nhị thiên can'. Niềm tin vào Thánh Mẫu 'Bà Chúa Thai Sanh' hiển linh, luôn chở che, bảo bọc thai nhi và phù trợ cho người mẹ trong sinh nở được 'mẹ tròn con vuông' được thể hiện qua lập chùa để thờ phụng chiêm bái.

Chùa Bà Ðức Sanh ở Phan Thiết

Tại Phan Thiết từ xưa đã có một thiết chế văn hóa tín ngưỡng dân gian mang màu sắc và nội dung như vậy, người Hoa gọi là “Đức Sanh Tự”, còn người Việt gọi là “chùa Bà Đức Sanh”. Chùa được sự bảo hộ của vương triều nhà Nguyễn qua 2 sắc phong:

- Sắc xã Đức Thắng, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận thờ phụng ba vị Thánh mẫu nương nương tôn Thần là đức Thai sanh Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu, Bích Tiêu, giúp nước cứu dân từng nhiều lần hiển hiện linh ứng, trước đây chưa được dự phong. Ta nay vâng theo mệnh sáng của trời, nghĩ nhớ đức tốt của thần, phong là thần Dực bảo Trung hưng Linh phù, chuẩn cho thờ phụng như cũ. Thần thì phải giúp đỡ bảo vệ cho dân đen của ta, kính đấy! (Sắc ngày 8 tháng 10 năm Duy Tân thứ 7- 1911).

- Sắc xã Đức Thắng, phủ Hàm Thuận, tỉnh Bình Thuận theo lệ trước đây thờ phụng ba vị Thánh Mẫu là Vân Tiêu, Quỳnh Tiêu, Bích Tiêu tôn thần vốn đã được tặng là thần Linh phù Dực bảo Trung hung, giúp nước cứu dân từng nhiều lần hiển hiện linh ứng, đã được ban cấp sắc phong chuẩn cho thờ tự. Nay gặp ngày lễ lớn mừng thọ 40 tuổi của trẫm, tuân theo lời chiếu ban ơn đã làm lễ cho nâng bậc, gia phong tặng thêm là Thượng đẳng thần trang huy, vẫn chuẩn cho thờ phụng như cũ cứ theo phép tắc của nước đã ban mà thực thi cho đúng. Kính đấy! (Sắc ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9-1924).

Cả 2 sắc này được cất giữ trang trọng tại đình làng Đức Thắng. Hàng năm, vào ngày lễ vía Bà (19 tháng 3 Âl) thì Ban Trị sự chùa phải làm lễ để rước sắc từ đình về chùa (lễ Nghệ Sắc). Xong lễ phải làm nghi thức đưa sắc từ chùa về đình lại (Nghệ Sắc hồi đình) theo sắc vua phép nước đã ban…

* * *

Chùa Bà Đức Sanh nằm chung một khuôn viên sát bên hữu đình làng Đức Thắng (tại góc ngã tư đường Chu Văn An - Triệu Quang Phục, TP. Phan Thiết) tạo thành một quần thể kiến trúc bề thế và trang nghiêm, mang đậm sắc thái của công trình kiến trúc đình chùa miếu ở thế kỷ 18 - 19. Theo hồ sơ di tích cấp quốc gia đình làng Đức Thắng (1991) thì chùa Bà Đức Sanh cũng được tạo dựng dưới thời vua Thiệu Trị (sau khi đã xây dựng đình làng Đức Thắng) ban đầu chỉ là một ngôi thờ am nhỏ đơn sơ, đến năm Tự Đức thứ 6 (1853), nhân dân địa phương đóng góp công của để xây dựng ngôi chùa kiên cố. Dưới thời vua Thành Thái, năm Nhâm Dần (1902) xây dựng nhà Võ Ca và 2 cổng phụ. Dưới thời vua Duy Tân, năm Tân Hợi (1911), chùa được trùng tu lớn trở thành một quần thể kiến trúc tôn nghiêm, hoàn chỉnh hơn, bao gồm: Chính môn, Tam quan, Tiền sảnh, Võ ca, Lầu chuông - Lầu trống, Chính điện, nhà Nhóm, nhà Khói. Đặc biệt, tuy ở giữa trung tâm thành phố nhộn nhịp nhưng chùa có sân rộng, cột cờ cao, có giếng nước và sân vườn với hoa kiểng cây trái xanh tươi tạo cảm quan an tịnh.

Đức Sanh Tự (chùa Bà Đức Sanh).

Quần thể kiến trúc chùa Bà Đức Sanh được xây dựng lắp ghép bằng kỹ thuật và nguyên vật liệu dân gian truyền thống đương thời, trong đó kết cấu gỗ là phần chính. Hầu hết các vì cột, kèo, trính, con đội… được làm từ các loại gỗ quý và được gờ canh, trau chuốt tinh xảo, tạo dáng công phu, tinh tế bằng kỹ thuật thủ công truyền thống phù hợp với chức năng của từng bộ phận. Mái chùa được lợp ngói âm dương, tường xây bằng gạch đá với chất kết dính vôi vữa, các họa tiết điêu khắc, chạm trổ, đắp nổi ở ngoại và nội thất đều là những hợp chất được pha chế theo kinh nghiệm và kỹ thuật dân gian. Đến nay, toàn bộ kiến trúc chùa Bà Đức Sanh vẫn giữ được nét kiến trúc dân gian xưa, vừa hài hòa uyển chuyển nhưng cũng đầy nét trang nghiêm, huyền bí của một thiết chế văn hóa tâm linh.

Ở trung tâm chính điện đặt khám thờ “Tam vị Thánh Mẫu” được bài trí trang nghiêm với bộ tượng gồm 8 pho. Khám được đóng ghép và chạm trổ nhiều hình tượng nghệ thuật tỉ mỉ và công phu. Phần trên cùng của lọng khám trang trí hai con phụng ẩn mây hướng đầu vào mặt trời chính giữa (lưỡng phụng triều nhật). Hai bên rìa tả hữu chạm khắc hình tượng long ẩn mây và đề tài mai điểu, rìa dưới khắc nổi mặt rồng vờn mây, hai góc ngoài cùng trang trí đề tài “long mã phụ hà đồ”, bốn góc trong chạm trổ các hình tượng tứ linh. Tất cả được sơn son thếp vàng rực rỡ.

Khám tả và hữu thờ “Thập nhị thiên can” và “Thập nhị hoa nương” tức 12 Bà Mụ trông coi 12 con giáp nam và 12 Bà Mụ trông coi 12 con giáp nữ, mỗi khám thờ đặt 6 pho tượng và một bức tranh vẽ 6 Bà Mụ tay ẵm 6 đứa trẻ trông rất hiền từ, nhân hậu, gần gũi với cuộc sống đời thường. Bên trên các lọng khám chạm nổi hình tượng “lưỡng long triều nhật” với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo và điêu luyện. Hai bên tả hữu trang trí đôi phụng múa lượn, ẩn mình trong các dải hoa lá, dây leo trải dài mềm mại từ trên xuống. Bốn góc ngoài cùng khắc nổi các họa tiết hoa lá, cuốn thư mang đầy cảnh sắc thiên nhiên. Trên hai khám này khắc ghi nhiều văn tự Hán Nôm cổ ca ngợi công đức và sự linh ứng của các Bà Mụ trong việc phù hộ cho người phụ nữ khi mang thai, sinh nở và nuôi con.

Trước 3 khám thờ ở Chính điện trang trí 3 bức bao lam gỗ được đóng ghép và chạm khắc công phu, tinh tế nhiều hình tượng, họa tiết rất sinh động, bức ở trung tâm khắc nổi 4 chữ lớn (đại tự): Đại đức viết sinh (Cứu sống con người chính là đức lớn). Và bài trí 5 bức hoành phi chạm nổi chữ Hán trên nền gỗ và xung quanh rìa trang trí các hình tượng rồng, phụng và tứ bửu, gồm các câu: Ân thâm dự dưỡng (Ghi nhớ ơn sâu đã dưỡng nuôi), Xuân dục hải hàm (Ơn nuôi nấng sánh tựa biển khơi), Đức hậu khôn sinh (Đức dày sánh bằng trời đất), Cảm ứng tùy thế (Cảm ứng tùy đời), Hậu đức tải vật (Đức dày có thể làm thay đổi sự vật).

Trung tâm nội thất chính điện treo 2 liên đối được làm bằng gỗ quý, khắc chìm chữ Hán và sơn son thếp vàng: Trạc nhĩ quyết linh, khai chuyển hỗn nguyên đầu yến dực/Dương hồ tại thượng, quân cao thần miếu sơ nhân quan (Vòi vọi linh thiêng, mở rộng hỗn nguyên nhờ che chở/Mênh mông như tại, cao dày miếu mạo mọi người xem); Huệ thi thiên địa phiền sinh thịnh/Phúc ấm càn khôn dưỡng dục đa (Ơn nghĩa ban ra do trời đất, càng phồn thịnh/Phúc lộc đủ đầy bởi càn khôn, nuôi dưỡng nhiều).

Phía trước Chính điện là nhà Võ Ca (nhà Múa Hát), thuở trước vào các kỳ lễ lớn thường tổ chức hát múa diễn xướng các làn điệu dân gian và hát bội, nay đã mai một, thay vào đó là đội múa của các thiếu nữ dâng hoa trong các kỳ lễ tế. Và nội thất nhà Võ Ca đặt một khám thờ ở gian giữa để thờ 5 Bà Ngũ Hành, bài trí 5 pho tượng bà và các đồ tế tự, cùng các liên đối: Đức Thắng tài nguyên đa hảo cảnh/Sanh đường hiển hách độ quần tân (Đạo đức hơn của cải nhiều cảnh tốt/Nhà sanh linh hiển độ nhân dân), Đa nhân đạo nghĩa báo ân thâm/Mẫu sinh tại nghĩa phụng hương phù (Vì đạo nghĩa mọi người báo ơn sâu/Nghĩa sinh thành ghi khắc khó quên).

Mặt hậu Chính điện bài trí 3 khám thờ các bậc Tiền, Hậu hiền và các hương linh nam nữ có nhiều đóng góp công sức cho chùa từ khi tạo lập tới nay với hơn 100 bài vị, cùng liên đối: Tự quan mỹ thành công bất hủ/Hội tâm ký ức ảnh do lưu (Vẻ mỹ quan của chùa còn ghi công bất hủ/Hình ảnh về hội luôn ghi lại trong ký ức).

* * *

Từ khi tạo lập đến nay, chùa Bà Đức Sanh đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần tâm linh, tín ngưỡng của người dân Phan Thiết và các tỉnh lân cận, đặc biệt là đối với người phụ nữ với thiên chức duy trì nòi giống, mang thai, sinh nở, nuôi con khỏe mạnh. Đó là giá trị văn hóa tâm linh, mang đậm tính nhân văn. Bên cạnh đó, Đức Sanh Tự còn là một công trình kiến trúc dân gian khá quy mô, bề thế được bảo lưu gần như nguyên vẹn những giá trị vốn có ban đầu và còn gìn giữ khá nhiều di vật, hiện vật cổ có giá trị. Đặc biệt trong số đó phải kể đến những tài liệu chữ Hán được lưu giữ tại chùa được coi là nguồn sử liệu quý để nghiên cứu về lịch sử khai lập vùng đất Phan Thiết, quá trình tạo dựng, trùng tu chùa cũng như sự hình thành và tồn tại của tín ngưỡng thờ Mẫu tại Phan Thiết.

Qua đó, năm 2005 chùa Bà Đức Sanh đã được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Và ngày thêm nhiều bà con địa phương và khách thập phương đến tham quan, chiêm bái…

Ghi chép của Võ Ngọc Văn

- Tài liệu tham khảo chính: Hồ sơ Khoa học Di tích Chùa Bà Đức Sanh (Bảo tàng Bình Thuận - 2005).

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/chua-ba-%C3%B0uc-sanh-o-phan-thiet-143093.html