'Chưa bao giờ ngành ngân hàng 'khát' nhân lực công nghệ như hiện nay'

Ngành Ngân hàng Việt Nam đang cần đội ngũ công nghệ hiểu biết sâu rộng để thích ứng với chuyển đổi số, tự động hóa và an ninh mạng trong thời đại số.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: Vietnam+)

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: Vietnam+)

Phát biểu tại diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ với chủ đề “Ngân hàng thời đại số: Đổi mới mô hình và tái cấu trúc nhân lực” do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 16/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: “Chưa bao giờ ngành ngân hàng khát nhân lực về an ninh công nghệ thông tin như hiện nay. Chúng ta thấy một bức tranh thay đổi hoàn toàn, từ tiếp xúc trực tiếp đến cách thức quản trị, cách thức giám sát, nhân lực. Chúng ta đang phải thích nghi với thay đổi này.”

Ngân hàng không còn đứng riêng lẻ

Phó Thống đốc cho biết, trong thời gian qua các dịch vụ ngân hàng thực hiện tự động, không còn giao dịch viên đọc chứng từ ngân hàng nữa. Điều đó, đòi hỏi ngành ngân hàng phải tái cấu trúc quy trình, xây dựng quy trình nghiệp vụ thông minh. Điều đặc biệt quan trọng phải có một đội ngũ am hiểu về nghiệp vụ, về công nghệ thông tin đi cùng với nhau để xây dựng nghiệp vụ đó. Ngân hàng nào không làm được điều đó không tham gia được cuộc chơi. Như vậy, hình thành nên một đội ngũ ngân hàng mới, đó là công nghệ là nghiệp vụ hiểu biết lẫn nhau và đi cùng nhau.

"Cán bộ ngân hàng trước kia rất hiểu về kế toán, định tài khoản này, nợ tài khoản này... và công việc của họ là hạch toán. Nay, máy tự động hạch toán từ khâu quẹt tiền qua điện thoại trả tiền bán cá, bán rau... lập tức hệ thống trừ tiền của người mua hàng và chuyển qua người bán hàng. Thực tế khiến ngân hàng sinh ra đội ngũ nhân viên hoàn toàn khác trước đây. Một điểm rất khác nữa là số lượng và giá trị giao dịch. Trước kia chúng ta mơ là một ngày có 1 triệu giao dịch, còn bây giờ mỗi ngày có 50-100 triệu giao dịch tài chính. Nó thách thức chúng ta ở câu chuyện kiểm soát thế nào?," ông Dũng nói.

Theo Phó Thống đốc, hệ thống ngân hàng áp dụng AI vào công việc hạch toán, áp dụng công nghệ mới để kiểm soát, phát hiện những lỗi về giao dịch.

"Đến ngày hôm nay theo thống kê, cả nước có khoảng 200 triệu tài khoản tiền gửi, với 87% người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng, một con số mà năm 2017 không bao giờ chúng ta mơ tới. Và, nhân lực của ngân hàng cũng thay đổi, hầu hết các ngân hàng đã phải thành lập một khối chuyên trách, đó là khối dữ liệu, tương tự như là khối tín dụng để theo kịp khối lượng giao dịch, tài khoản," ông Dũng cho hay.

Do sự gia tăng của khối lượng giao dịch và tài khoản, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nhiều ngân hàng hiện nay đang coi rủi ro về công nghệ thông tin tương tự như rủi ro về tín dụng. Như vậy, ngân hàng sẽ hình thành một hệ thống quản lý rủi ro khác bao trùm lên đó là an ninh an toàn công nghệ thông tin.

 Các đại biểu tham gia Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ. (Ảnh: Vietnam+)

Các đại biểu tham gia Diễn đàn Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ. (Ảnh: Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng toàn bộ công việc của con người bây giờ đều thay đổi hoàn toàn, thay vì chăm sóc khách hàng trước đây trực tiếp thì bây giờ nghề chăm sóc khách hàng sẽ cần tư vấn về phần mềm, về hệ thống app lỗi như thế nào, sử dụng như thế nào. Rõ ràng đây là kỹ năng mới của nhân viên chăm sóc khách hàng. Các nhân viên giao dịch bình thường trước xử lý về các kỹ năng nghiệp vụ thì bây giờ phải xử lý sự cố về phần mềm, sự cố khi chuyển nhầm tiền, bị lừa đảo.

"Cứ 6 tháng đến 1 năm có một đời công nghệ mới ra đời. Các hệ thống tiếp theo của AI sẽ là hệ thống chủ động, nó như một sinh vật sống, sẽ tự động tư vấn cho chúng ta, tự động làm những công việc cần làm. Ngoài ra sẽ còn xu thế máy tính lượng tử, sẽ đặt ra vấn đề rất lớn về các loại mã hóa, đòi hỏi sự thay đổi toàn bộ. Do đó việc cập nhật trong đào tạo nhân lực công nghệ sẽ là việc làm liên tục," ông Duy nói.

Giải cho bài toán thiếu hụt nhân lực cách nào?

Ông Phạm Hà Duy - thành viên Ban Điều hành kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng số & Dữ liệu ABBANK chia sẻ, với ABBank thời gian vừa qua, nhân sự liên quan chuyển đổi số có thay đổi rất mạnh mẽ. Trước đây công nghệ như một ngành (như ngân hàng số), nhưng giờ đã thay đổi, là kỹ năng công nghệ. Khi tuyển dụng chỉ muốn tuyển người có kinh nghiệm 5 năm 10 năm làm ngân hàng, nhưng giờ cần người phải có công nghệ để thay vì dùng 10 người thì chỉ cần 5 người.

Với ABBank năm vừa qua có những vị trí công việc rất mới như trải nghiệm khách hàng, liên quan đến tăng trưởng số, kinh doanh số, marketing số, digital partnership. Như vậy cần có những con người mới, năng lực mới, nhiều kỹ năng tổng hòa trong một con người.

Phó Giáo sư, tiến sỹ Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, để đáp ứng xu thế, ngành Ngân hàng đã và đang tích cực nâng cao năng lực số cho cán bộ. Số lượt cán bộ của các ngân hàng được bồi dưỡng về chuyển đổi số, công nghệ, trí tuệ nhân tạo từ năm 2022 đến nay tăng mạnh. Là một trường đại học thuộc Ngân hàng Nhà nước, Học viện ngân hàng là trường đại học tiên phong ở Việt Nam ban hành chuẩn đầu ra 'Năng lực số' - bắt buộc với 100% người học.

Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng nhân lực số trong ngành Ngân hàng luôn ở mức cao, đặt ra thách thức lớn trong việc đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Do đó, bà Phạm Thị Hoàng Anh cho hay, Học viện Ngân hàng xác định cần tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái dạy học số, nâng cấp hạ tầng công nghệ, tăng cường năng lực số và mở rộng hợp tác. Xây dựng môi trường học tập số hóa toàn diện, phát triển các chương trình đào tạo liên ngành về Fintech, AI và khoa học dữ liệu…

Theo bà Hoàng Anh, để có được một nguồn cung nhân lực công nghệ đáp ứng đủ cầu trong ngành ngân hàng cần ban hành khung năng lực số cho ngành ngân hàng, theo vị trí công tác; tăng cường hợp tác theo “mô hình 3 nhà”: Ngân hàng nhà nước - Các cơ sở đào tạo - các cơ sở tài chính, khoa học công nghệ.

 Phó Giáo sư, tiến sỹ TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng chia sẻ tại diễn đàn. (Ảnh: Vietnam+)

Phó Giáo sư, tiến sỹ TS Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng chia sẻ tại diễn đàn. (Ảnh: Vietnam+)

"Chúng tôi mong muốn xây dựng được bộ tiêu chuẩn về đào tạo số cho ngành ngân hàng và mong muốn có được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước để có thể đào tạo tốt hơn, làm sao gắn kết lý thuyết với thực tiễn, sinh viên được tham gia nhiều hơn vào thực tiễn, có thêm kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu," bà Hoàng Anh nói.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng trong chương trình đào tạo của mình, Học viện Ngân hàng phải đào tạo những người hiểu về công nghệ AI, BigData nhưng cũng phải hiểu về ngân hàng, dịch vụ ngân hàng. Như vậy mới có thể kết hợp lại cho ra một đội ngũ nhân sự đáp ứng được nhu cầu trong tương lai.

Cũng đề xuất liên quan đến tăng nguồn nhân lực ngân hàng về công nghệ, Tiến sỹ Trần Văn Tùng - Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho rằng: "Có nhiều giải pháp tăng cung nhân lực nhưng một trong những giải pháp quan trọng và cần tập trung ngay từ bây giờ là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhân sự ngành ngân hàng. Chúng ta cần trang bị cho họ những kiến thức mới, kỹ năng số, hiểu biết về công nghệ như AI, để họ có thể làm chủ, sử dụng hiệu quả các công cụ số - ví dụ như chatbot, hệ thống phân tích dữ liệu - nhằm phục vụ tốt hơn cho nghiệp vụ của mình”./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chua-bao-gio-nganh-ngan-hang-khat-nhan-luc-cong-nghe-nhu-hien-nay-post1049914.vnp