Microsoft hợp tác sử dụng AI đẩy nhanh quy trình cấp phép nhà máy điện hạt nhân
Microsoft và Phòng thí nghiệm Quốc gia Idaho (INL) hôm nay (16/7) công bố hợp tác để nghiên cứu cách trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị các tài liệu cần thiết để xin cấp phép xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới.
Sử dụng công nghệ AI của Microsoft
Microsoft và INL cho biết họ sẽ sử dụng công nghệ AI của Microsoft để tạo ra các báo cáo phân tích kỹ thuật và an toàn, vốn là một phần không thể thiếu trong quy trình xin giấy phép xây dựng và vận hành cho các cơ sở hạt nhân tại Mỹ.

Microsoft hợp tác Phòng thí nghiệm Quốc gia Idaho sử dụng AI đẩy nhanh quy trình cấp phép nhà máy điện hạt nhân.
Các hệ thống AI, được huấn luyện trên một khối lượng lớn các hồ sơ thành công trong quá khứ, sẽ tổng hợp dữ liệu từ các nghiên cứu và biên soạn thành các hồ sơ phức tạp dài hàng trăm trang.
"Hệ thống này được thiết kế để con người chỉnh sửa. Người dùng có thể xem xét từng phần và chỉnh sửa nếu cần, bằng tay hoặc với sự hỗ trợ của AI, tùy thuộc vào quyết định của họ", Giám đốc AI mảng kinh doanh dân sự liên bang tại Microsoft, Nelli Babayan chia sẻ.
Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5 ký các sắc lệnh hành pháp nhằm đẩy nhanh quy trình cấp phép cho các nhà máy điện hạt nhân mới, với mục tiêu rút ngắn thời gian từ vài năm xuống còn khoảng 18 tháng, trong bối cảnh các trung tâm dữ liệu AI đang làm tăng vọt nhu cầu năng lượng.
Theo phó giám đốc bộ phận nghiên cứu an toàn và quy định hạt nhân tại INL, Scott Ferrara, công nghệ này cũng có thể giúp tối ưu hóa việc sản xuất năng lượng từ các nhà máy hạt nhân hiện có. Các cơ sở hạt nhân hiện tại phải nộp báo cáo đánh giá về khả năng tăng công suất và xin sửa đổi giấy phép vận hành.
"Có rất nhiều dữ liệu từ khoảng 82 lần nâng cấp đã được thực hiện trước đây. Hệ thống có thể tận dụng dữ liệu này để hỗ trợ tạo ra yêu cầu sửa đổi giấy phép một cách nhanh chóng", ông Ferrara cho biết.
Cam kết đầu tư lớn vào AI và năng lượng
Trước đó, các công ty Mỹ đã công bố hàng loạt cam kết đầu tư lớn vào lĩnh vực AI và năng lượng, nằm trong nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ trong ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ.

Các công ty lớn của Mỹ đua nhau đầu tư vào AI và năng lượng.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Năng lượng và Đổi mới tại Đại học Carnegie Mellon, dự kiến mang lại 90 tỷ USD đầu tư tại Pennsylvania và các khu vực lân cận, Google thuộc tập đoàn Alphabet, đã ký thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD với Brookfield Asset Management để mua điện từ hai nhà máy thủy điện ở Pennsylvania. Theo Semafor, Google cũng sẽ đầu tư 25 tỷ USD vào các trung tâm dữ liệu tại Pennsylvania và các bang lân cận trong hai năm tới.
Tương tự như vậy, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Blackstone, Jon Gray cho biết công ty quản lý tài sản này dự kiến đầu tư 25 tỷ USD vào các trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng năng lượng tại Pennsylvania. Blackstone cũng công bố liên doanh mới với PPL Corp để sản xuất điện.
First Energy thông báo sẽ đầu tư 15 tỷ USD để mở rộng hệ thống phân phối điện, củng cố cơ sở hạ tầng lưới điện và vận hành lưới điện nâng cấp tại 56 quận của Pennsylvania.
Hôm thứ hai, Giám đốc điều hành Meta Platforms, Mark Zuckerberg cho biết công ty sẽ chi hàng trăm tỷ USD để xây dựng một số trung tâm dữ liệu AI quy mô lớn, bao gồm một trung tâm dữ liệu đa gigawatt có tên Prometheus, dự kiến được xây dựng tại Ohio.
Công ty công nghệ hạ tầng đám mây CoreWeave cũng có kế hoạch chi tới 6 tỷ USD để xây dựng một trung tâm dữ liệu AI mới tại Pennsylvania, trong lúc Constellation Energy cam kết đầu tư 2,4 tỷ USD để nâng cấp nhà máy điện hạt nhân Limerick.
Về phần mình, Energy Capital Partners công bố kế hoạch 5 tỷ USD để phát triển một trung tâm dữ liệu tại Trung tâm Năng lượng York II.
Các cam kết này diễn ra trong bối cảnh làn sóng đầu tư vào các startup AI tăng mạnh, cho thấy lĩnh vực này vẫn đang phát triển mạnh mẽ dù các quỹ đầu tư mạo hiểm gặp khó khăn trong việc huy động vốn.