Chữa bệnh bằng dinh dưỡng

Cứu chữa, giúp người bệnh mau phục hồi sức khỏe không đơn giản là chẩn đoán đúng căn nguyên, điều trị đúng hướng, đúng thuốc, mà còn cần phải làm tốt việc bảo đảm dinh dưỡng, nâng cao thể trạng người bệnh.

Những năm qua, Bệnh viện Quân y (BVQY) 103, Học viện Quân y đã chú trọng nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nuôi dưỡng bệnh nhân bằng đường tĩnh mạch và đường tiêu hóa, đưa vào áp dụng, góp phần nâng cao chất lượng điều trị của bệnh viện.

Phát huy hiệu quả của dinh dưỡng

BVQY 103 vừa cứu chữa thành công ca bệnh hiếm gặp ở chị Lê Thị Thu Hường, 29 tuổi (Mỹ Đức, Hà Nội) bị đái tháo đường type 1, biến chứng hôn mê do nhiễm toan ceton, rối loạn chuyển hóa lipid nặng, rối loạn nước và điện giải trầm trọng, tăng áp lực thẩm thấu máu. Trong y văn của Việt Nam và thế giới chưa từng ghi nhận ca bệnh nào có mức độ tăng glucose và các chỉ số lipid máu cao như vậy. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tổn thương não, rối loạn nước điện giải trầm trọng, mất thăng bằng kiềm toan... Trước những dấu hiệu ấy, ai cũng nghĩ khó có cơ hội cứu sống được người bệnh.

Thế nhưng, các thầy thuốc BVQY 103 đã không chùn bước, dồn hết tâm huyết cứu chữa bệnh nhân. Song, vấn đề đặt ra ở đây không chỉ là việc chẩn đoán căn nguyên gây bệnh, thuốc và kỹ thuật điều trị mà còn phải chăm sóc được dinh dưỡng vì cơ thể bệnh nhân gần như suy kiệt. Các đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho thấy người bệnh suy mòn, teo cơ, mất lớp mỡ, thiếu máu nặng... Ở tuổi trưởng thành mà lúc bình thường chỉ nặng 42kg, sau 5 ngày bị bệnh chỉ còn chưa đầy 36kg. Đây là bài toán không đơn giản với các thầy thuốc.

Vậy là các cuộc trao đổi chuyên môn, hội chẩn liên khoa được bệnh viện phối hợp triển khai. Phương pháp chăm sóc, can thiệp dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch và đường tiêu hóa được các thầy thuốc BVQY 103 xây dựng đến từng giờ, từng ngày và cụ thể từng chất để bệnh nhân có thể hấp thụ, chống lại rối loạn chuyển hóa, nâng cao thể trạng, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong cứu chữa nội bệnh. Thượng tá, TS, bác sĩ Phạm Đức Minh, Chủ nhiệm Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng (BVQY 103), cho biết: Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo bệnh viện và phối hợp điều trị đa mô thức, Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng hội chẩn, thống nhất can thiệp dinh dưỡng tích cực cho bệnh nhân bằng phương pháp kết hợp dinh dưỡng tĩnh mạch và nuôi ăn sớm đường tiêu hóa với các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt, góp phần ổn định lượng đường máu và mỡ máu trong 24 giờ của bệnh nhân.

Các thầy thuốc Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Quân y 103) trao đổi công tác chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Các thầy thuốc Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Quân y 103) trao đổi công tác chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Bên cạnh dinh dưỡng đường tĩnh mạch là chủ yếu trong giai đoạn nặng của bệnh, nuôi ăn tiêu hóa liên tục tốc độ chậm bảo tồn chức năng tế bào niêm mạc ruột, phục hồi chu trình gan ruột, phòng ngừa các biến chứng. Nhờ đó cơ thể bệnh nhân tránh được tình trạng bỏ đói đường tiêu hóa kéo dài. Chỉ sau ít ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã được chuyển dần từ dinh dưỡng đường tiêu hóa kết hợp dinh dưỡng tĩnh mạch sang chế độ dinh dưỡng đường tiêu hóa hoàn toàn. Khi nâng được thể trạng, bệnh nhân chuyển sang Khoa Nội tiết tiếp tục điều trị.

Hoàn thiện quy trình, nâng cao chất lượng dinh dưỡng

Thấy chúng tôi ngạc nhiên về “thầy thuốc dinh dưỡng” trong quy trình cứu chữa bệnh nhân, Thượng tá Phạm Đức Minh giải thích: "Dinh dưỡng là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với người bệnh. Ngày nay, các nước trên thế giới và nước ta đã nghiên cứu, chế ra nhiều sản phẩm dinh dưỡng rất tốt, hỗ trợ các bác sĩ trên lâm sàng nhiều hơn. Gần như tất cả các bệnh đều có các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt. Tuy nhiên, cách dùng, phối hợp các chế phẩm dinh dưỡng và “chiến thuật” đưa dinh dưỡng vào cơ thể người bệnh cần hết sức khoa học để tạo hiệu quả trong điều trị bệnh".

Mang những điều “mắt thấy tai nghe” trao đổi với lãnh đạo BVQY 103, chúng tôi được biết: Nghiên cứu khoa học dinh dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân luôn được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã có bước phát triển vượt bậc. Hầu hết các ca bệnh nặng, các kỹ thuật cao trong y học, như: Ghép tạng, cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân ung thư... đều có sự tham gia, đóng góp quan trọng của Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng, các thầy thuốc chuyên ngành dinh dưỡng.

Thiếu tướng Trần Viết Tiến, Giám đốc BVQY 103 khẳng định: Dinh dưỡng chính là một trong “ba chân kiềng” trong điều trị. Cùng với thuốc và công tác điều dưỡng, BVQY 103 có bề dày về dinh dưỡng lâm sàng và ngày càng khẳng định chất lượng can thiệp dinh dưỡng trong điều trị toàn diện. Đội ngũ thầy thuốc, nhân viên đều được đào tạo cơ bản, luôn phát huy tốt tinh thần trách nhiệm trong công tác, đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đơn vị.

Bài và ảnh: TIẾN ĐẠT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chua-benh-bang-dinh-duong-650205