Chùa Cầu (Hội An) sau trùng tu gây tranh cãi: Chính quyền lên tiếng

Chính quyền thành phố Hội An cho biết dự án trùng tu Chùa Cầu được thực hiện theo đúng quy trình, nguyên tắc trùng tu di tích và được chuyên gia giám sát kỹ.

Ngày 28/7, những hình ảnh mới của Chùa Cầu (Hội An) sau khi trùng tu lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội. Đáng chú ý, diện mạo mới của Chùa Cầu lại nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Trên một số diễn đàn mạng, có nhiều ý kiến cho rằng hình ảnh Chùa Cầu trở nên "lạ lẫm" so với trước đây và việc trùng tù dường như đã làm mất đi vẻ đẹp cổ kính của công trình được cho là biểu tượng của đô thị cổ Hội An.

Chùa Cầu sẽ khánh thành vào ngày 3/8 tới đây. Ảnh: B.D.

Chùa Cầu sẽ khánh thành vào ngày 3/8 tới đây. Ảnh: B.D.

Trao đổi với VTC News, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, dự án trùng tu Chùa Cầu được thực hiện theo đúng quy trình, nguyên tắc trùng tu di tích và được các chuyên gia của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng như các chuyên gia Nhật Bản giám sát rất kỹ.

Quá trình trùng tu kéo dài 1,5 năm, lâu hơn so với dự kiến ban đầu là 1 năm do thành phố cần tiếp thu ý kiến, thảo luận về kỹ thuật rồi mới tiến hành triển khai.

Ông Sơn nhấn mạnh cần phải đứng trên góc độ chuyên môn để đánh giá công trình, không có công trình nào đại trùng tu mà không thay đổi, quan trọng yếu tố gốc phải giữ được và đảm bảo công trình có tính lâu bền.

Đối với Chùa Cầu, lãnh đạo thành phố cho hay các phần kiến trúc còn có thể sử dụng được như gỗ, sàn, lan can nếu đảm bảo tính nguyên gốc thì giữ lại. Còn những cấu kiện đã mục ruỗng thì phải thay thế để đảm bảo tính vững chắc cho công trình.

Theo ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện trùng tu) cho biết màu tương hay màu ngói hiện nay được dựa theo màu sắc gốc của Chùa Cầu để phục hồi.

"Màu sắc trước trùng tu là màu của gần 20 năm phai nhạt theo thời gian và chưa được sơn phết. Còn bây giờ chúng ta thấy đậm hơn là do màu gốc như vậy. Đây là quét vôi chứ không phải sơn vôi, nên theo thời gian nó sẽ phai màu rất nhanh", ông Ngọc lý giải.

Trong khi đó, trên trang cá nhân, anh Đặng Ngọc Việt - người vẽ hơn 50 bức tranh về Chùa Cầu - cũng có chia sẻ tương tự. Anh cho biết do Chùa Cầu vừa khoác lên mình "chiếc áo mới" nên nhìn vào chưa quen mắt. Song, chỉ một thời gian sau "chiếc áo" sẽ trở nên đằm thắm, dịu dàng và phủ màu phong sương như cũ.

Được biết, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%. Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn.

Dự án bắt đầu khởi công từ ngày 28/12/2022.

Việc tu bổ Chùa Cầu tập trung vào 3 nội dung chính: Tôn tạo cảnh quan chung, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ tu bổ di tích; số hóa di tích phục vụ công tác tu bổ bằng công nghệ 3D, hội thảo, tọa đàm.

Dự kiến lễ khánh thành sau trùng tu sẽ diễn ra vào đầu tháng 8.

Tổng hợp

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/chua-cau-hoi-an-sau-trung-tu-gay-tranh-cai-chinh-quyen-len-tieng-202407281651156866.html